Hôm nay (8/3), những mũi vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm tại các địa phương có dịch và các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân.
Bộ Y tế đã công bố Quyết định phân bổ vắc xin COVID-19 AstraZeneca cho các địa phương và các cơ sở đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của 13 tỉnh, thành có dịch; 2 Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, cùng 21 bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 được tiếp nhận vắc xin đợt đầu. Tỉnh Hải Dương là địa phương được ưu tiên nhận vắc xin, với 33.000 liều.
Tại Hà Nội, dự kiến, sáng 8/3, khoảng 100 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Cơ sở 2 - Kim Chung, Đông Anh) sẽ được tiêm vắc xin AstraZeneca.
Đây là những cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Cùng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong sáng 8/3, tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng sẽ thực hiện tiêm những mũi vắc xin AstraZeneca đầu tiên.
Trước đó, chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vắc xin nước ngoài ngay từ rất sớm; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc xin ở trong nước; đồng thời đề nghị, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất.
Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính.
Thứ nhất, trước đây chúng ta tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng cho trẻ em, một đợt chỉ mấy triệu liều mà cũng đã có lúc xảy ra sự cố, bây giờ chúng ta triển khai đến cuối năm nếu có vắc xin ngừa COVID-19 sẽ tiêm hàng chục triệu liều. Kể cả vắc xin đã ổn định rồi cũng không tránh khỏi những sơ suất và nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì những sơ suất đấy sẽ biến thành sự cố lớn.
Thứ hai, tất cả những loại vắc xin trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vắc xin được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vắc xin ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý. Theo đó, việc triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khẩn trương nhưng phải chắc chắn, bảo đảm nguyên tắc công bằng vắc xin của Liên Hợp Quốc, thông tin đầy đủ cho người dân, chuẩn bị kỹ càng, bảo đảm an toàn cao nhất.
Báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay khi nhu cầu vắc xin lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vắc xin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế. “Việc đảm bảo đủ vắc xin rất khó khăn, bên cạnh đó đây là những vắc xin mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ, vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vắc xin từ nước ngoài, nhất định phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vắc xin trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết những số liệu trên thế giới cho thấy tình hình dịch bệnh được cải thiện do 4 yếu tố: Chu kỳ lây nhiễm của virus, cách ứng xử của các nước, miễn dịch trong cộng đồng, cuối cùng là tiêm vắc xin. Trong đó yếu tố ứng xử của các nước rất quan trọng, nhất là khi xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn.
PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra dự đoán khoảng 1-1,5 năm nữa tình hình dịch bệnh COVID-19 mới bớt căng thẳng.
Số liệu từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 07/3 đến 6h ngày 08/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cả nước hiện vẫn có 2.512 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1585 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 892 ca.
Trong đó, riêng Hải Dương có 708 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố đã qua 23 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội, đã 20 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng. Hải Phòng: Tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 13 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Thúc đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vắc xin "made in Vietnam"Đến nay Việt Nam có ba ứng viên vắc xin. Một loại đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn 1 cho kết quả tốt và đã tiến giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Hai vắc xin còn lại, tới đây Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1. Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vắc xin trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vắc xin sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vắc xin ngừa COVID-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vắc xin cho 100 triệu dân, vì những thông tin ban đầu cho thấy các vắc xin ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải một đợt, hay một năm là xong. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vắc xin của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Đối với những nước đối tác có tiềm lực sản xuất vắc xin và đã triển khai tiêm cho người dân, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn, phục vụ mục tiêu kép. Ban Chỉ đạo lưu ý, trong thời gian tới, với việc triển khai tiêm vắc xin rộng rãi ở các nước cũng như tại Việt Nam thì cần chuẩn bị sớm tập trung nghiên cứu, cải tiến, chuẩn bị các điều kiện sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh). |
Có thể bạn quan tâm
13:20, 05/03/2021
05:30, 03/03/2021
21:58, 02/03/2021
18:13, 02/03/2021
06:30, 02/03/2021
06:35, 01/03/2021
12:43, 26/02/2021
05:00, 07/03/2021
11:00, 05/03/2021
11:00, 04/03/2021
11:10, 03/03/2021
12:00, 24/02/2021
10:23, 09/02/2021
09:38, 17/02/2021
16:22, 05/02/2021