Ngày 19/10/2018, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam tổ chức Toạ đàm Quản trị doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng từ lý thuyết đến bài học thực tiễn.
Toạ đàm có sự tham gia của hơn 200 doanh nhân và trên 150 sinh viên ngành kinh tế của tỉnh Tiền Giang.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: 9 tháng đầu năm 2018, Tiền Giang có gần 550 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.475,8 tỷ đồng, tăng 15% về số doanh nghiệp và 88,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân là 6,8 tỷ đồng/doanh nghiệp. Qua đó, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên gần 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có khoảng hơn 60.200 hộ kinh doanh.
Cho rằng phát triển số lượng doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu nhưng nâng cao chất lượng doanh nghiệp để có thể vượt qua các thử thách của môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt còn quan trọng hơn, ông Đức nhấn mạnh: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thật sự xem nhà đầu tư, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Theo ông Đức: "Hiện nay, Tiền Giang đã xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết giá trị; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên và cộng đồng dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư. UBND tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, chi hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm giao lưu, gặp gỡ, tạo cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp doanh nhân".
Theo ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội DNT Việt Nam cho biết: Hiện nay Hội DNT Việt Nam đã có gần 10.000 hội viên. Các doanh nghiệp của hội viên đang tạo việc làm cho 2,5 triệu người, tổng doanh thu hàng năm đạt 25 tỷ USD. Mạng lưới tổ chức của Hội DNT Việt Nam đã được hình thành tại 63/63 tỉnh, thành phố và 4 ngành kinh tế. Mục tiêu của Hội là tăng cường đoàn kết, tập hợp đội ngũ DNT Việt Nam, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố; hoạt động Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực đối với hội viên; Phát huy vai trò của đội ngũ DNT Việt Nam, quyết tâm thay đổi để phát triển doanh nghiệp bền vững, chủ động hội nhập quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
"Hội sẽ chuyên nghiệp hóa năng lực phản biện xã hội và góp ý các dự thảo luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế đảm bảo quyền lợi, công bằng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế, trong đó nâng cao năng lực và hiệu quả của kinh tế tư nhân. Xây dựng các chương trình cụ thể cho việc ươm tạo thế hệ doanh nhân trẻ khởi nghiệp sáng tạo" - ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh.
Ông Đặng Hồng Anh đề xuất: Trong thời gian tới, Hội DNT Việt Nam mong muốn lãnh đạo tỉnh UBND tỉnh Tiền Giang quan tâm hỗ trợ, khôi phục và tổ chức thành công Đại hội DNT Tiền Giang. Qua đó, tập hợp đội ngũ doanh nhân trẻ trong tỉnh. Đồng thời, cử đại diện lãnh đạo UBND tỉnh làm Chủ tịch danh dự Hội DNT tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, Hội DNT Việt Nam mong muốn UBND tỉnh tạo cơ chế để Hội DNT Tiền Giang được gặp gỡ lãnh đạo thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như lắng nghe các tham vấn kiến nghị. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nhân trẻ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện một số nhiệm vụ có tính chất đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp, tạo chuỗi liên kết trong cộng đồng doanh nhân. Tôi hy vọng rằng, DNT Tiền Giang sẽ phát triển lớn mạnh và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bên cạnh nỗ lực đồng hành của các cấp chính quyền, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân chính là người quyết định thành bại của doanh nghiệp. Với gần 40 kinh nghiệm trên thương trường, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC đã chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp với các doanh nhân trẻ.
Theo ông Thành, giá trị cốt lõi một doanh nhân tạo ra gồm: xã hội, khách hàng, ngân sách, nhà đầu tư, cán bộ công nhân viên. Để quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững, nguyên tắc đầu tiên là doanh nghiệp cần định hướng chiến lược và hoạch định mục tiêu rõ ràng. Thứ hai là phải tự tin, quyết đoán và nhất quán trong các quyết định. Thứ ba là nhận biết "khẩu vị" và quản lý rủi ro, xác định phạm vi rủi ro, bao gồm rủi ro về chính sách vĩ mô, về hoạt động, thị trường, lãi suất, tỷ giá, thanh khoản… Và rủi ro của mọi rủi ro là con người. Con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng họ không phải là sở hữu của Chúng ta. Thứ tư là khả năng phát huy làm việc nhóm. Thứ năm là phân công đúng người, đúng việc. Thứ sáu là phát huy vai trò lãnh đạo cấp trung gian. Thứ bảy là trân trọng những ý kiến đóng góp. Thứ tám là chính sách và tạo môi trường làm việc tốt. Thứ chín là hoàn thiện bản thân có tinh thần cầu tiến, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo. Thứ mười là chọn một môn thể thao, thể dục thích hợp để duy trì sức khoẻ.
"DNT hiện nay có điều kiện tốt hơn, cơ hội nhiều hơn và hy vọng với những kinh nghiệm chia sẻ được đúc kết từ thực tiễn của các doanh nhân đi trước sẽ phần nào giúp các bạn trẻ rút ngắn con đường đi đến thành công."- ông Thành chia sẻ.