Ông Lê Thanh Hải bị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015. Ông Lê Hoàng Quân nhận kỷ luật cảnh cáo.
Việc Bộ Chính trị kỷ luật cán bộ cao cấp của Đảng khi cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thêm một lần nữa cho thấy công tác cán bộ vô cùng quan trọng trước mỗi kỳ Đại hội.
Bộ Chính trị vừa quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015; Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Hoàng Quân bằng hình thức cảnh cáo.
Cụ thể, với ông Lê Thanh Hải, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cá nhân ông Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy. Với cương vị là Phó bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố, ông Hải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của UBND Thành phố; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của HĐND Thành phố và quy định của Luật Ngân sách năm 2002, Luật Xây dựng năm 2003.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của ông đối với TP.HCM; căn cứ quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 22/03/2020
01:03, 21/03/2020
11:00, 20/03/2020
14:03, 19/03/2020
10:35, 19/03/2020
08:43, 17/03/2020
06:30, 13/03/2020
05:00, 09/03/2020
11:01, 06/03/2020
11:00, 04/03/2020
20:21, 03/03/2020
11:00, 03/03/2020
06:36, 02/03/2020
08:00, 29/02/2020
Với ông Lê Hoàng Quân, ông Quân chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng và của Ủy ban nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong triển khai, tổ chức thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông đã kết luận, chỉ đạo, cho chủ trương và ký một số văn bản không đúng quy định. Ông đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ủy ban nhân dân TP.HCM xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Quá trình kiểm điểm, ông Lê Hoàng Quân đã cầu thị, nghiêm túc, tự giác nhận trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của ông đối với TP.HCM; căn cứ quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Hoàng Quân bằng hình thức cảnh cáo.
Việc Bộ Chính trị vừa quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Hoàng Quân cho thấy sự quyết tâm của Đảng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương về công tác cán bộ.
Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, việc kỷ luật hai cán bộ kể trên tuy chậm, nhưng đáp ứng yêu cầu của nhân dân. "Đây sẽ là tiền đề quan trọng để có một đội ngũ cán bộ thật sự xứng đáng vào cấp ủy khóa tới". - ông Thưởng nói.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương.
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Quang Phái, nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, qua vụ việc này cần rút ra bài học, đó là phải công khai, minh bạch trong công tác nhân sự để nhân dân lựa chọn. Nếu có đơn tố cáo thì thẩm tra, xác minh, xem tin đó có đúng không, tố cáo đúng không.
"Chúng ta có bộ máy sàng lọc, cho nên đừng bí mật trong nội bộ của Đảng. Phải có các tổ chức chính trị xã hội và sự tham gia của nhân dân thì mới hy vọng có bộ máy tốt". - ông Phái nói.
Chúng ta đã bước vào năm thứ 90 kể từ khi có Ðảng. Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đang đến gần, là đại hội của chuyển giao thế hệ. Do đó, cần phải đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng thông qua công tác cán bộ.
Bác Hồ kính yêu từng viết trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém".
Người cũng từng phát biểu tại buổi lễ ra mắt ứng cử viên đại biểu quốc hội năm 1946 tổ chức tại Việt Nam học xá rằng: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu".
Đúng vậy, để đại hội thành công như mong muốn của mỗi chúng ta thì nội bộ Đảng phải thật đoàn kết, và kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; tham vọng quyền lực, phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút…
Nói như ông Trương Tấn Sang - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, "Một trong những điều quan trọng để giữ gìn sự đoàn kết đó là công minh trong đánh giá cán bộ, công bằng trong kỷ luật Ðảng. Nếu nhìn sâu vào một số vụ việc cụ thể thì vẫn còn thấy những câu hỏi về sự công bằng trong xử lý cán bộ. Ðiều đó rất nguy hiểm, là nguyên nhân tiềm ẩn xung đột ngay trong nội bộ, khiến sự đoàn kết không bền vững. Chúng ta đều biết công tác cán bộ làm không tốt thì tự ta lật đổ ta".
Và, muốn lựa chọn được cán bộ xứng đáng thì trước hết phải coi trọng chất lượng quy hoạch, đề cao tính công khai, minh bạch, công tâm trong đánh giá cán bộ. Phải phân hóa ra từng công đoạn để xác định chế độ trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể. Đặc biệt, vi phạm được xử lý thật nghiêm minh.
Nếu làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có một Ðại hội thành công, lãnh đạo đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.