Hành tinh "đeo nhẫn" nổi tiếng của hệ Mặt Trời chứa một "lớp mưa heli" bên dưới lớp "vỏ mây" tuyệt đẹp, được tái hiện qua dữ liệu tàu vũ trụ Cassini của NASA.
Theo Science Alert, không giống như các hành tinh khác, Sao Thổ có một từ trường đối xứng cực kỳ hoàn hảo xung quanh trục quay của nó. Để tìm hiểu về từ quyển của hành tinh này, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu tàu Cassini để tái hiện "nội thất" của hành tinh và phát hiện ra những điểm vô cùng kỳ dị.
Đó là một lớp vật chất chưa từng được ghi nhận ở hành tinh nào trước đó: lớp mưa heli.
Nhà vật lý hành tinh Sabine Stanley của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), người đứung đầu nghiên cứu, cho biết: "Bằng cách nghiên cứu cách Sao Thổ hình thành và phát triển theo thời gian, chúng ta có thể học được nhiều điều về sự hình thành của các hành tinh tương tự khác trong và ngoài hệ Mặt Trời".
Nghiên cứu vừa công bố trên AGU Advances chỉ ra rằng từ trường của hành tinh thường được tạo ra bên trong hành tinh, bởi một thứ gọi là động lực - một chất lỏng quay, đối lưu và dẫn điện chuyển động năng thành năng lượng từ trường, quay từ trường ra ngoài không gian.
Kết quả mô phỏng máy tính về Sao Thổ đem đến những đặc điểm hơi khác, cho thấy nó phải có một lớp chất lỏng hoàn toàn dị thường, chính là lớp mưa heli, chứa đầy hydro và heli ở dạng lỏng, tạo thành một lớp đối lưu ổn định, liên tục "mưa" từ ngoài hướng vào trong loãi hành tinh.
Tại ranh giới của lớp helium này, dòng nhiệt thay đổi theo vĩ độ. Các vĩ độ xích đạo nóng hơn nhiều, và nhiệt độ ở các vùng cực ở vĩ độ cao thấp hơn nhiều.
Theo Sci- News, như vậy Sao Thổ có 4 lớp và hoàn toàn đặc biệt: lõi trong cùng là đá hoặc băng, lớp tiếp theo là hydro kim loại, tiếp nữa là lớp mưa heli kéo dài đến khoảng 70% bán kính hành tinh, ngoài cùng là lớp "vỏ mây" chủ yếu cấu thành bởi các phân tử khí hydro, tạo nên vẻ ngoài thơ mộng của gã khổng lồ khí.
https://nld.com.vn/khoa-hoc/tiet-lo-noi-that-kho-tin-cua-hanh-tinh-co-vo-may-ruot-mua-20210507184607476.htm