Phong cách sống

Tiêu chí cốt lõi về việc giáo dục đạo đức, nề nếp trong gia đình Việt

Linh Ngân thực hiện 25/12/2024 12:00

“Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương” là một trong những tiêu chí cốt lõi về giáo dục đạo đức, nề nếp trong gia đình Việt Nam từ bao đời nay.

z6153207871989_43ac6f9a83fece3a08d59c0aef9337c4.jpg
Bà Trần Thị Phương Mai – Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Quốc tế Đức Bảo.

Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Phương Mai – Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Quốc tế Đức Bảo với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hoá, Thể theo và Du lịch ban hành.

- Thưa bà, 1 trong 5 tiêu chí được nhắc đến trong Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đó chính là “Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương”. Bà có đánh giá như thế nào về tiêu chí này?

Hiện nay các gia đình đang phải đối mặt có thể kể đến sự thiếu thời gian dành cho nhau của các thành viên trong gia đình; sự bùng nổ của công nghệ dẫn đến giảm tương tác của các thành viên; sự biến đổi trong nhiều quan niệm xã hội và khoảng cách thế hệ; bạo lực gia đình, các vấn đề về tài chính, sự mất cân bằng trong việc phân chia vai trò trong gia đình, sự mất kết nối về mặt tình cảm trong một xã hội sống vội và giá trị vật chất lên ngôi... Đây là một trong những nguy cơ tan vỡ, rạn nứt trong các gia đình.

Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con, cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được phổ biến, áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam, bao gồm những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.

Một trong 5 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đó là tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu theo nguyên tắc “Gương mẫu, yêu thương”. Tôi thấy đây là một trong những tiêu chí cốt lõi về việc giáo dục đạo đức, nề nếp trong gia đình Việt Nam từ bao đời nay.

Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con, cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong… Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ, khi con cháu không có khả năng tự nuôi sống và chăm sóc bản thân, tạo sự gắn bó tình cảm với con cháu.

z6153219057799_cc7bee924380634cee323676ee74f567.jpg
Trong gia đình, các đối nhân xử thế vô cùng quan trọng để con cháu noi theo và học tập.

- Thưa bà, những bài học trực quan bằng cách sống, cách ứng xử hàng ngày của người lớn chính là một bài học tốt nhất để hình thành kỹ năng ứng xử cần thiết ở con trẻ. Vậy, những điều này đã được bà vận dụng như thế nào trong chính gia đình cũng như trong công việc của mình?

Tôi rất tâm niệm về vấn đề này, bởi con trẻ như những trang giấy trắng và cha mẹ, ông bà là những hoạ sĩ vẽ những nét vẽ đầu tiên, khắc ghi trong hành trang cuộc đời của chúng. Cha mẹ, ông bà cần gương mẫu trong từng của chỉ, hành động, lời nói, cách ứng xử hàng ngày với những người thân trong gia đình là những bài học giáo dục trực quan vô cùng hiệu quả để hình thành kỹ năng ứng xử cần thiết đối với con trẻ.

Những tâm niệm này đã theo tôi trong hành trình trải nghiệm 32 năm gắn bó với giáo dục và lĩnh vực văn hoá. Trong lĩnh vực giáo dục, muốn học sinh yêu thương, kính trọng thì ngoài chuyên môn giỏi, người thầy giáo còn phải luôn gương mẫu, yêu thương, thấu hiểu các trò, đồng hành để hướng tới những việc rèn người. Trong gia đình cũng vậy, các đối nhân xử thế vô cùng quan trọng để con cháu noi theo và học tập.

- Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, bà đánh giá như nào về tầm quan trọng của việc giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình về đạo đức, trách nhiệm và ý thức với cộng đồng, doanh nghiệp?

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tôi đánh giá rất cao về tầm quan trọng việc giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình về đạo đức, trách nhiệm và ý thức cộng đồng, doanh nghiệp. Nếu một đứa trẻ được giáo dục từ bé trong một gia đình nề nếp, coi trọng nhân cách sống, luôn yêu thương và có trách nhiệm với mọi người thì sau này trưởng thành cũng trở thành những con người có đạo đức, ý thức trách nhiệm với doanh nghiệp, cộng đồng.

z6147943315581_6642a754a3440919ac2629efe46e1067(1).jpg
Lan toả những giá trị tốt đẹp trong gia đình “cha mẹ, ông bà gương mẫu – cháu con hiếu thảo”

- Vậy theo bà, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần làm gì để lan toả những giá trị tốt đẹp trong gia đình, nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, anh chị em đến người lao động và các học sinh, sinh viên?

Theo tôi, để lan toả những giá trị tốt đẹp trong gia đình “cha mẹ, ông bà gương mẫu – cháu con hiếu thảo”, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cần nâng cao việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đến người dân, trong đó có người lao động về nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, người thân để thực hiện hoá mục tiêu đến năm 2025 có 70% gia đình thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần lồng ghép nội dung Bộ Tiêu chí vào sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, sinh hoạt các nhóm sở thích, câu lạc bộ tại cơ sở; gắn Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình với các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tập trung tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới;…

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền Bộ tiêu chí đối với đối tượng học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, anh chị em, đúng như khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.

- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.

- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.

- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.

logo gd

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiêu chí cốt lõi về việc giáo dục đạo đức, nề nếp trong gia đình Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO