Thông tin doanh nghiệp

Tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro trong môi trường đầy biến động

Duy Trinh 23/09/2024 14:43

Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng phức tạp và biến động khó lường, việc quản lý rủi ro trở thành một yếu tố thiết yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững.

ISO 31000
ISO 31000 công cụ giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro. Ảnh minh họa

ISO 31000:2018 là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro nhằm cung cấp một khung quản lý rủi ro chung, phù hợp cho mọi loại hình tổ chức, ở mọi quy mô và trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Theo đó, ISO 31000:2018 thiết lập một khung quản lý rủi ro cho phép các tổ chức nhận diện, đánh giá và kiểm soát các loại rủi ro khác nhau, bao gồm rủi ro tài chính, rủi ro môi trường, rủi ro về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, cũng như rủi ro pháp lý và danh tiếng. Điểm nổi bật của tiêu chuẩn này là không yêu cầu doanh nghiệp áp dụng các công cụ và kỹ thuật cụ thể mà cho phép linh hoạt lựa chọn phương pháp phù hợp với nhu cầu của họ.

Theo chuyên gia Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), việc áp dụng ISO 31000:2018 không chỉ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu mà còn khuyến khích việc quản lý chủ động, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải xác định và xử lý rủi ro. Điều này còn cải thiện khả năng tuân thủ các quy định pháp lý và nâng cao độ tin cậy từ các bên liên quan, từ đó tạo ra môi trường làm việc an toàn và hiệu quả hơn.

Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Huetronics, một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam. Công ty này đã tích cực áp dụng ISO 31000:2018 để quản lý rủi ro trong sản xuất. Công ty không chỉ dừng lại ở việc sản xuất điện tử mà còn mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ sinh học và vật lý.

Sau khi áp dụng tiêu chuẩn này, Huetronics đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, công ty đã giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt nguồn cung linh kiện bằng cách thiết lập quan hệ đối tác mới và đa dạng hóa nguồn cung. Hơn nữa, việc hợp tác với các đối tác chiến lược trong nghiên cứu phát triển đã giúp công ty duy trì công nghệ hiện đại. Nhờ quy trình kiểm tra chất lượng cải tiến, tỷ lệ sản phẩm lỗi trong quá trình lắp ráp cũng giảm đáng kể.

Hay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Xuất nhập khẩu Tân Huỳnh Phát, đã áp dụng thành công ISO 31000:2018. Ông Huỳnh Khắc Mẫn - Giám đốc Công ty, cho biết việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro đã nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp công ty đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ khách hàng.

Dù gặp nhiều khó khăn ban đầu, từ cơ sở vật chất hạn chế đến tài chính eo hẹp, Tân Huỳnh Phát đã từng bước khắc phục nhờ vào sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Công ty đã thành lập ban quản trị rủi ro, xác định và kiểm soát 100% các rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm. Kết quả là tỷ lệ hàng hỏng đã giảm từ 8% xuống còn 5% vào năm 2019 và tiếp tục giảm xuống còn 3% và 2% trong các năm tiếp theo.

Hoặc Công ty TNHH Lắp máy Bình Minh cũng là một ví dụ điển hình về việc áp dụng ISO 31000:2018. Nhờ sự hỗ trợ từ chương trình doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Công ty đã giảm thiểu lãng phí trong quy trình sản xuất và nâng cao tay nghề cho người lao động. Việc đánh giá các rủi ro về an toàn theo tiêu chuẩn này đã giúp công ty cải thiện công tác an toàn và đáp ứng các yêu cầu pháp lý, từ đó tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ông Bùi Xuân Phong, Chuyên gia Năng suất Chất lượng của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia nhấn mạnh, quản lý rủi ro không nên chỉ dừng lại ở lý thuyết. Doanh nghiệp cần phải bám sát thực tế để quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Ông cũng chỉ ra rằng ISO 31000:2018 có nhiều điểm cải tiến so với phiên bản trước, đặc biệt là việc chú trọng đến vai trò của ban lãnh đạo trong việc tích hợp quản lý rủi ro vào hoạt động của tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro trong môi trường đầy biến động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO