Tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ "chạm ngõ" thanh toán điện tử

Lê Mỹ 20/05/2020 05:00

Giờ đây khi thanh toán một ly nước mía 10.000 đồng tại "tiệm" xe đẩy vỉa hè, nhiều người cả bán và mua không còn phải loay hoay giao dịch tiền lẻ...

Công nghệ thanh toán thông minh len lỏi đến mọi ngóc ngách của đời sống với sự mở rộng của các ví điện tử, và "chờ sẵn" sự kết nối cùng dịch vụ Mobile Money.

Chỉ chưa đầy 1 năm ra mắt thị trường (cuối tháng 5/2019), đại diện SmartPay cho biết công ty đã phát triển “thần tốc” với hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán (ĐCNTT) trên toàn quốc. Đây là kết quả cho thấy sự sẵn sàng trong hòa nhập “sân chơi” của thời đại số hóa toàn cầu từ phía các nhà bán hàng, phân phối ở Việt Nam, đặc biệt là các bán hàng tiểu thương, hộ gia đình, cá thể kinh doanh nhỏ...

Đây là phân khúc khá khác biệt của SmartPay so với các doanh nghiệp cùng ngành, khi không chỉ tập trung vào các thành phố lớn, mà còn phủ rộng ở các tỉnh thành đang trên đà phát triển. Theo dữ liệu thống kê, trong Top 10 thành phố mà SmartPay “phủ sóng”, có khoảng 80% là tỉnh thành đang phát triển, nơi công nghệ mới chưa kịp “chạm ngõ”.

Tạo mã QR để chấp nhận thanh toán sẽ dần là thói quen

Quét mã QR code để thanh toán đang dần trở thành thói quen của cả các chủ điểm bán tiểu thương, kinh doanh nhỏ và người mua cá nhân

Hướng hỗ trợ các tiểu thương, những người luôn phải đi sau “cuộc chơi” số hóa của những “đại gia” trong ngành, ứng dụng của Công ty TNHH Mạng Lưới Thông Minh (SmartNet) không chỉ chú trọng vào việc tích hợp các công nghệ mới nhất, đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin, mà còn hướng đến sự giản đơn để chủ điểm bán, dù không rành về công nghệ cũng dễ dàng tiếp cận. Với một đội ngũ nhân viên/ cộng tác viên bán hàng lên đến hàng ngàn người, phủ khắp 63 tỉnh thành Việt Nam, thường xuyên ghé thăm, tư vấn và sẵn sàng hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng SmartPay cho chủ điểm, SmartPay dần tạo thói quen cho các chủ điểm chấp nhận thanh toán hạn chế giao dịch tiền mặt, tạo sự lan tỏa thanh tỏa phi tiền mặt khi kết nối và khách hàng cá nhân có điều kiện giao dịch tương ứng.

Một chủ điểm bán lẻ nhỏ cho biết giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài ứng dụng SmartPay, họ có thể tự thao tác quản lý thu chi, tích điểm, tạo chương trình khuyến mại quét QR code để thanh toán…nhằm thu hút khách hàng đến với cửa hàng - điều mà cách đây không lâu, họ khó có thể tưởng tượng được.

Theo đại diện SmartPay, họ còn cung cấp giải pháp để hỗ trợ nhà bán hàng liên kết, giúp chủ điểm tăng thêm thu nhập hàng tháng, thông qua việc giới thiệu ví điện tử cá nhân, giới thiệu khoản vay, bảo hiểm cho người có nhu cầu, hay hỗ trợ thanh toán hóa đơn (điện, nước, truyền hình, internet,…), cho khách hàng tại các tỉnh thành.

"Phần lớn tiểu thương sẽ không có được “đặc quyền” như những doanh nghiệp lớn, nên họ thường khó tiếp cận với nguồn vốn vay để mở rộng hay vực dậy tình hình kinh doanh sau dịch bệnh. Với thế mạnh là đối tác chiến lược của nhiều tập đoàn lớn trong Tài Chính/Ngân hàng như FE Credit/VP Bank,… chúng tôi đã liên kết, tích hợp, giới thiệu các đối tác ngành Tài Chính/Ngân hàng ngay trên ứng dụng, giúp nhà bán hàng có thể tiếp cận, đăng ký khoản vay một cách nhanh chóng", Ông Lù Duy Nguyên, Giám đốc Phát triển Sản phẩm SmartPay, nói thêm.

Cũng theo vị này thì hiện nay, thanh toán không tiền mặt đang được nhiều nước trên thế giới thúc đẩy, đặc biệt trong thời điểm COVID -19 hoành hành. Hình thức thanh toán mới này đang càng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, đây là xu hướng sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới nếu đề án thí điểm mobile money được Thủ tướng Chính phủ thông qua. “Nhận thấy trước những xu hướng dịch chuyển trong kinh doanh, nên ngay từ khi thành lập SmartPay, chúng tôi luôn muốn tạo ra “sân chơi” công bằng, nơi mà ở đó những tiểu thương có thể dùng công nghệ thanh toán thông minh vào việc kinh doanh của họ. Qua đó, chúng tôi mong tiểu thương Việt Nam có thể  tự tin gia nhập nền kinh tế số hóa toàn cầu. Năm 2020 này, chúng tôi đặt mục tiêu đưa SmartPay đến với gần 1 triệu điểm bán hàng và tiếp cận với khoảng 4 triệu người dùng cá nhân”, ông Nguyên nói.

Theo thống kê, kinh tế tiểu thương chiếm vị trí quan trọng trong khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ước tính ở năm 2019, cả nước hiện có trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Với khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Trong số đó, khoảng 80% hộ kinh doanh hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng; 20% trong ngành Thương mại dịch vụ, trong đó, tập trung vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (45%), lưu trú, ăn uống (16%). Đây là những con số hộ kinh doanh cá thể siêu vi mô so với quy mô doanh nghiệp nhỏ và là đối tượng tiềm năng để "lên đời" doanh nghiệp.

Trên thực tế, con số các cá thể tiểu thương kinh doanh dưới quy mô cực nhỏ (như mô hình tiệm bán nước vỉa hè, xe đẩy, quán gánh...) khá phổ biến ở các đại đô thị và chưa thể có số liệu thống kê thật chính xác. Sự góp mặt của các loại hình ví điện tử, với khoảng 28 loại ví trên hơn 30 công ty hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng thanh toán điện tử của Việt Nam đạt mức chóng mặt (khoảng trên 35%). 

Tuy nhiên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, đúng như SmartPay nhận định, phân khúc tiểu thương, người buôn bán quy mô siêu nhỏ vẫn chưa được là "đối tượng" đặc biệt được cung cấp dịch vụ và trở thành người làm chủ các công nghệ thanh toán thông minh. Đây chính là "ngách" hứa hẹn cho các ứng dụng công nghệ thanh toán thông minh đi sau, có cơ hội vượt lên.

Có thể bạn quan tâm

  • 21/05/2020: Toạ đàm trực tuyến Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở tử khủng hoảng COVID -19

    15:50, 19/05/2020

  • Người Việt đang dùng ví điện tử để thanh toán gì?

    05:15, 27/03/2020

  • VCCI: Không nên hạn chế số lượng ví điện tử

    05:00, 05/06/2019

  • “Bùng nổ” giao dịch thanh toán không tiếp xúc

    15:51, 06/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ "chạm ngõ" thanh toán điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO