TIKI – SENDO sáp nhập, VINAMILK – KIDO hợp tác: Những cái bắt tay để đấu với đối thủ ngoại?

THEO VIETNAM BUSINESSINSIDER 16/06/2020 14:39

Liệu Tiki – Sendo hay Vinamilk – Kido sẽ giải quyết bài toán “hợp tác” như thế nào để thu về nguồn lợi lớn và chứng minh quyết định của mình là sáng suốt?

Ván cờ trên thị trường TMĐT và ngành nước giải khát sẽ xoay chuyển như thế nào sau khi Tiki – Sendo tiến hành sáp nhập, Vinamilk – Kido thỏa thuận hợp tác. Những lợi thế nào đang chờ đợi 4 doanh nghiệp Việt?

Vào cuối tháng 2/2020, một nguồn tin rò rỉ cho biết Tiki và Sendo đang đàm phán về quyết định sẽ về chung một nhà. Nguồn tin bên lề khiến nhiều người bán tín bán nghi bởi đây là quyết định hệ trọng và chưa từng được dự đoán trước đó.

Đến tháng 4/2020, Tiki bất ngờ mở gian hàng Tiki Trading Platinum Mall trên Sendo khiến nguồn tin hồi cuối tháng 2 càng trở nên đáng tin cậy, bởi chưa từng có tiền lệ một sàn thương mại điện tử để đối thủ cạnh tranh “cắm cờ” ngay trên sân nhà.

Ngày 22/5/2020, DealStreetAsia – trang báo của công ty truyền thông DealStreetAsia Pte Ltd của Singapore – dẫn nguồn từ những người liên quan cho biết, hai sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam đã đồng ý sáp nhập.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết, Cục đã tiếp nhận hồ sơ về tập trung kinh tế giữa CTCP Công nghệ Sendo và Công ty cổ phần Tiki. Dường như câu chuyện sáp nhập của Tiki – Sendo không còn là vấn đề “Có hay Không?”, mà là bài toán của thời gian và những động thái sau đó.

Nếu những người đứng đầu hai đế chế “Ti – Do” chưa từng lên tiếng về sự hợp nhất thì ngày 9/6 vừa qua, HĐQT Tập đoàn Kido (Tiền thân là tập đoàn Kinh Đô – một trong những công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam) đã chính thức công bố thông tin hợp tác cùng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát – kem với tên gọi là Vibev (Vietnam Beverage). Trong đó, tỷ lệ góp vốn của Vinamilk là 51%, Kido là 49%.

Những cú bắt tay liên tiếp của các doanh nghiệp lớn trong nước đã đặt ra cho công chúng nhiều thắc mắc, liệu việc “kết hợp” có trở thành xu hướng trong thời gian sắp tới và các doanh nghiệp này sẽ được gì, mất gì?

Nhân đôi lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại

Tiki – Sendo

Ngày 8/8/2016, Shopee chính thức được ra mắt tại thị trường Việt Nam. Dù chào sân muộn hơn Tiki 6 năm (2010) hay Sendo 4 năm (tháng 9/2012), đến cuối năm 2018, Shopee vẫn trở thành sàn thương mại điện tử đứng đầu cả nước với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc.

Cụ thể, Shopee dẫn đầu lượt truy cập với 34. 506.100 lượt. Con số này của Lazada là 30.204.900, Tiki là 29.438.300 và Sendo có cách biệt khá xa khi chỉ thu về hơn 20 triệu lượt truy cập (Số liệu năm 2018). Sang đến năm 2019 và quý I năm 2020, Shopee vẫn là sàn thương mại điện tử dẫn đầu, Tiki, Lazada và Sendo đều đứng trong top 4 và có những cuộc so kè, “đuổi bắt” gắt gao.

Có thể thấy, nguồn đầu tư lớn chính là bệ đỡ giúp Shopee và Lazada chiếm ưu thế trên thị trường, bởi thương mại điện tử là cuộc đua đốt tiền. Dù lượng người dùng tăng theo từng năm nhưng tại thị trường Việt Nam – nơi chợ búa, siêu thị, cửa hàng vẫn chiếm đa số lòng tin và thói quen mua sắm của người tiêu dùng, TMĐT vẫn chỉ ở giai đoạn 1 – giai đoạn giới thiệu – của chu kỳ sống sản phẩm và cần thời gian để phần lớn khách hàng thích nghi với nó.

Chính vì vậy, cuộc chiến TMĐT là cuộc đua đốt tiền để thu về miếng bánh thị phần. Năm 2018, Tiki đón nhận khoản đầu tư 5,3 triệu USD từ tập đoàn VNG và 44 triệu USD từ nhà đầu tư Trung Quốc – JD.com. Cũng trong năm này, Sendo có được khoản đầu tư 51 triệu USD từ SBI Group, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Nhật Bản, và các nhà đầu tư khác.

Theo nguồn tin của tờ DealStreetAsia, Tiki vừa huy động thành công thêm 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mới nhất mà dẫn đầu là công ty quỹ tư nhân Northstar Group.

Tuy nhiên, nếu so găng với Lazada hay Shopee, dòng đầu tư của Tiki, Sendo có phần khiêm tốn và không liên tục. Alibaba đã chi 1 tỷ USD để sở hữu Lazada năm 2016; sau đó, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD vào năm 2017 và 2 tỷ USD vào năm 2018.

Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cũng thừa nhận Alibaba đang dùng một phần lợi nhuận từ hoạt động thương mại điện tử ở Trung Quốc để đầu tư vào Việt Nam. Còn Shopee được sự hậu thuẫn của SEA (Singapore) mà đằng sau SEA là Tencent – công ty cổ phần từng được định giá cao hơn Facebook 1 tỷ USD và vượt “mặt” Alibaba để trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên cán mốc giá trị thị trường 500 tỷ USD. Shopee đã được SEA tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD cho vốn điều lệ của Shopee Việt Nam.

Có thể thấy, việc sáp nhập thành một sàn TMĐT duy nhất sẽ giúp đế chế Ti – Do tăng nguồn vốn sẵn có, từ đó giúp dòng tiền “chảy” nhanh và đều đặn hơn vào các hoạt động kinh doanh. Cuộc đua tài – lực với các sàn TMĐT đến từ nước ngoài sẽ được cân bằng khi không còn sự chênh lệch về nguồn “lực”

Vinamilk – Kido

Ngành nước giải khát ở Việt Nam đang vô cùng tiềm năng với quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh. Tổng quy mô năm 2014 là 80.320 tỷ đồng, đến năm 2019 là 123.558 tỷ đồng. Con số này được dự kiến sẽ là 134.302 tỷ đồng vào năm 2020.

Theo ông Mai Xuân Trầm, Phó tổng giám đốc Kido, ngành nước giải khát có quy mô lớn hơn cả ngành sữa mà Vinamilk đang theo đuổi. Chính vì vậy, Kido và Vinamilk sẽ bắt tay để đầu tư vào thị trường đầy hứa hẹn này.

Vào năm 2017, Thaibev đã thu mua thành công 53.59% cổ phần của Sabeco, công ty bia chiếm 41% thị phần bia của Việt Nam với tham vọng mở rộng thị trường khu vực và tiếp cận với mạng lưới phân phối rộng rãi ở nước ta mà Sabeco đang có.

Trong ngành nước giải khát, 4 công ty lớn nhất thuộc ngành bia có tổng doanh thu tại thị trường Việt Nam lên tới 75,1 nghìn tỷ VND, trong khi 9 công ty lớn nhất ngành đồ uống không cồn có tổng doanh thu là 52,3 nghìn tỷ VND. Thương vụ thu mua đình đám của Thaibev đã khiến tập đoàn đến từ Thái Lan có chỗ đứng nhất định trong toàn ngành nước giải khát ở Việt Nam.

Việc Vinamilk và Kido bắt tay hợp tác tạo ra liên kết Vietbev được kỳ vọng sẽ giảm bớt sự bành trướng của Thaibev ở Việt Nam. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT Kido nói: “Ở Thái Lan có Thaibev, rồi vào Việt Nam thâu tóm bia Sài Gòn. Tại sao 2 chúng tôi (Vinamilk và Kido-PV) không thành lập Vietbev để thương hiệu Việt không bị nước ngoài thâu tóm. Từ 2021, Kido sẽ rất mạnh, không chỉ với mảng đang có”.

Bổ sung để lấp đầy thiếu sót cho nhau

Tiki – Sendo

Nhược điểm dễ nhìn thấy nhất của Tiki so với các sàn thương mại điện tử góp mặt trong top 4 là ngành hàng và chủng loại sản phẩm chưa đa dạng. Xuất phát từ lĩnh vực bán sách ngoại Online, Tiki chỉ thực sự mạnh về mảng sách và đang thiếu sót ở những gian hàng còn lại. Sự đa dạng ngành hàng của Sendo sẽ giúp Tiki giải quyết vấn đề còn thiếu sót của mình.

Về phía Sendo, dù ngành hàng đa dạng xong tỉ lệ hoàn hàng lại khá cao, có thể lên đến 20%. Trái lại, Tiki lại có mức độ hài lòng khách hàng cao nhất, với 46%, gấp đôi Shopee  (22%) và Lazada (24%).

Theo chia sẻ của CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn, để cấu thành một hệ thống bán lẻ đa kênh tốt các doanh nghiệp buộc phải có 2 phần: Nền tảng thương mại điện tử online mạnh cộng với chuỗi cửa hàng offline rộng khắp. Tuy nhiên, phần 2 của Tiki là một mảng trống, không kể các nhà kho ở các tỉnh thành.

Trong khi đó, hiện nay việc xây dựng chuỗi cửa hàng dường như là nhiệm vụ bất khả thi của Tiki khi họ không đủ tài lực, nhân sự để làm chuyện đó. Hiện tại, về tài chính, họ vẫn phải gồng mình nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng: Chiếm lĩnh thị trường TMĐT Việt Nam.

Trong Chương trình CEO và Công nghệ mới đây, nhà sáng lập kiêm CEO Tiki, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho biết, để giải quyết nhiệm vụ xây dựng chuỗi cửa hàng offline, công ty đang có ý định hợp tác với tất cả doanh nghiệp cũng như nhà bán lẻ nhỏ – vừa tại Việt Nam và cả thế giới, tận dụng hệ thống cửa hàng về hệ thống phân phối offline của họ. Chính vì vậy, việc hợp tác với Sendo với hơn 300.000 nhà bán hàng trên toàn quốc sẽ giúp chuỗi cửa hàng Offline của Tiki tăng lên.

Vinamilk – Kido

Cùng hoạt động trong ngành thực phẩm, ưu thế lớn nhất của Vinamilk và Kido là số lượng lớn các cửa hàng phân phối. Nếu liên doanh Vietbev có thể  thâm nhập và trụ vững trong ngành nước giải khát, mỗi ngày sẽ có khoảng 1 triệu sản phẩm được tiêu thụ thông qua hơn 1 triệu điểm bán nước, trong đó, có 600.000 điểm bán tạp hóa, 450.000 điểm bán thực phẩm thiết yếu, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh.

Kido trích số liệu từ 08/2019 của Euromonitor cho biết, thị phần ngành kem tại Việt Nam được chi phối bởi 5 doanh nghiệp dẫn đầu là Kido Foods với 41,4%; Unilever nắm 8,9%; Vinamilk với 8,8%; Fanny với 4,7% và Tràng Tiến nắm 4,1%. Do đó, ngoài ngành hàng nước, liên doanh Vietbev sẽ phát triển ngành hàng kem khi thị phần hai bên cộng lại sẽ chi phối khoảng 50% thị phần.

Tạm kết

Bắt tay hợp tác hay sáp nhập đều là những bước đi khôn khéo, xong cũng tồn tại nhiều vấn đề nan giải cho ban quản trị các công ty. Với Tiki – Sendo, liệu họ có sáp nhập hoàn toàn và về chung một “sàn”? Nếu vậy, sàn thương mại của Tiki hay Sendo sẽ được sử dụng làm mảnh đất cắm dùi, hay phải chăng hai doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch xây dựng một sàn thương mại hoàn toàn mới.

Ngoài các thủ tục pháp lý, dường như việc kết nối và thủ tục dành cho các cửa hàng đang hoạt động trên 2 sàn TMĐT chuyển giao sang một sàn mới cũng là câu hỏi lớn. Còn với Vinamilk – Kido, liệu Vinamilk có chiếm ưu thế trong ngành hàng nước, và Kido có nghiêng về sản xuất mặt hàng kem khi trước đó, mỗi doanh nghiệp đều có lợi thế nhất định so với “người cộng tác”?

Lịch sử ngành kinh tế đã chứng kiến không ít cú bắt tay “thảm họa”:  Yahoo và Geocities năm 1999, Sony và Columbia Pictures năm 1989,… Liệu Tiki – Sendo hay Vinamilk – Kido sẽ giải quyết bài toán “hợp tác” như thế nào để thu về nguồn lợi lớn và chứng minh quyết định của mình là sáng suốt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TIKI – SENDO sáp nhập, VINAMILK – KIDO hợp tác: Những cái bắt tay để đấu với đối thủ ngoại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO