Nếu quá trình sáp nhập thành công, cả hai công ty sẽ loại bớt một đối thủ mạnh đồng thời tạo ra công ty mới đủ tiềm lực để đấu với các doanh nghiệp ngoại như Shopee và Lazada.
Theo trang DealStreetAsia, 2 trang thương mại điện tử nội địa lớn nhất còn trụ lại trên thị trường là Tiki và Sendo đã có các cuộc đàm phán để thảo luận về việc sáp nhập.
Trang Dealstreetasia khẳng định có nhiều nguồn tin cho thấy hai trang thương mại điện tử Việt Nam lớn nhất hiện tại sẽ hợp sức với nhau để cạnh tranh với các ông lớn của khu vực. Vẫn chưa rõ những điều khoản sau cú bắt tay giữa Tiki với Sendo nếu có, tuy nhiên hai trang này có thể sẽ chỉ hợp nhất về kinh doanh, vẫn hoạt động độc lập hai tên miền với nhau và đối tượng khách hàng.
Hiện cả 2 bên Tiki và Sendo đều chưa đưa ra bình luận đối với thông tin trên. Thông thường khi quá trình đàm phán (nếu có) đang diễn ra, các bên liên quan hiếm khi có phát ngôn về những thông tin "rò rì", thậm chí là phủ nhận.
Tiki ban đầu chú tâm vào mô hình B2C nhằm bảo đảm nguồn gốc hàng hóa. Trong khi đó Sendo hoạt động gần với mô hình C2C hơn. Tiki hoạt động mạnh mẽ ở các thành phố lớn trong khi Sendo do có mặt hàng bình dân hơn nên phủ rộng ở khu vực nông thôn và vùng xa.
Nếu một phương án sáp nhập được đồng thuận thì dễ thấy đây là sẽ điều tốt cho cả 2 khi bớt đi được 1 đối thủ mạnh đồng thời tạo ra một công ty mới có tiềm lực mạnh mẽ đủ sức đấu với bộ đôi doanh nghiệp ngoại là Lazada và Shopee, bổ sung tập khách hàng cho nhau và mở rộng quy mô cung cấp.
Tiki chủ yếu phục vụ cho người tiêu dùng sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, khách hàng của Tiki được DealStreetAsia nhận định là am hiểu các loại hàng hóa hơn. Trong khi đó, Sendo phổ biến hơn đối với người dùng ở khu vực ngoại ô và nông thôn của Việt Nam.
Theo DealStreetAsia, các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trụ lại được chỉ nhờ vào tiềm lực tài chính mạnh. Các doanh nghiệp đang gồng khoản lỗ rất lớn và được dự đoán sẽ tiếp tục lỗ thêm để duy trì vị trí của mình. Nếu không đủ tiền để "đốt", người nào bỏ cuộc, người đó trắng tay.
Có thể bạn quan tâm
01:23, 30/01/2020
13:00, 19/12/2019
10:40, 21/11/2019
Với việc chịu lỗ trên mỗi đơn hàng thì hiện tại khi quy mô giao dịch càng tăng lên thì mức lỗ cùng ngày càng nhiều thêm. Giai đoạn 2015-2016, mức lỗ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm của Lazada đã gây kinh ngạc trong ngành thì giờ đây cả Lazada và đối thủ nặng ký nhất là Shopee đều đã đẩy mặt bằng lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm.
Nếu như năm 2016, mức lỗ của nhóm "Big 4" ngành thương mại điện tử chỉ có 1.700 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng gấp đôi lên 3.400 tỷ và năm 2018 tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Tiki là gần 1.400 tỷ đồng còn Sendo lỗ gần 1.300 tỷ.
Hiện Lazada được sở hữu toàn bộ bởi Alibaba và Shopee được sở hữu toàn bộ bởi SEA do vậy 2 trang thương mại điện tử này chỉ phải lo vận hành và phát triển thị trường còn vốn hoạt động đã được tập đoàn mẹ lo. Chỉ trong năm 2019, Shopee đã được SEA rót thêm gần 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, Tiki và Sendo liên tục phải tìm kiếm các vòng gọi vốn để có nguồn tiền duy trì hoạt động khi mà mức độ "đốt" tiền vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Với việc liên tục đón nhận thêm cổ đông mới, cơ cấu cổ đông của cả 2 đều đang khá phân mảnh.
Đến cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa…
Không công bố rộng rãi, Tiki cũng có 2 lần tăng vốn trong năm 2019 vào tháng 6 và tháng 12. Hai cổ đông chính hiện vẫn là VNG (24,6%) và JD.com (21.9%). Các cổ đông đáng kể khác gồm có Ubiquitous Traders Pte Ltd (gần 9%), CyberAgent, STIC, Sumitomo…
Mặc dù vẫn lỗ lớn nhưng giá trị của Sendo hay Tiki đều tăng lên đáng kể qua mỗi vòng gọi vốn. Với việc huy động thêm 61 triệu USD cho 14,6% cổ phần thì định giá của Sendo đã lên đến 400 triệu USD.
Cả 2 trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ (start-up có định giá trên 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam sau VNG. Việc sáp nhập nếu được thực hiện có thể ngay lập tức hình thành nên một kỳ lân mới. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập sẽ tương đối rắc rối và mất nhiều thời gian vì hai mô hình hoàn toàn khác biệt. Tiki, hoạt động theo mô hình Marketplace, tức mở sàn cho các cửa hàng và chính Tiki đứng ra kinh doanh, công ty cũng đang tự quản lý hệ thống kho bãi, giao nhận. Trong khi đó, Sendo là nền tảng kết nối người bán, người mua, đơn vị giao nhận, thanh toán.