Từ đại hội Đảng lần thứ XII, vấn đề “phát triển con người toàn diện” là một trong những nhiệm vụ tổng quát. Đó là một hệ thống quan điểm đầy đủ và nghiễm nhiên, song, chưa bao giờ hết tính thời sự.
Cần thiết phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện
Hơn 4 ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, con người Việt Nam cũng trải qua chừng ấy thời gian để trưởng thành và định vị chính mình trên bản đồ thế giới. Để có thể trường tồn đến ngày nay người Việt cũng đã “gạn đục khơi trong” để phù hợp với dòng chảy nhân loại. Nhưng, bất cứ bối cảnh lịch sử nào, thời đại nào CON NGƯỜI cũng không thể vượt ra khỏi sự tác động của các quy luật đã được rút ra.
1. Thừa nhận con người là sự thống nhất của hai mặt sinh học và xã hội, từ đó có triết lý giáo dục, đào tạo phù hợp để tạo ra những con người hài hòa, không quá thiên về phần “con”, cũng không quá chú trọng mặt “người”.
Thực tế giáo dục, đào tạo con người ở Việt Nam dường như bỏ quên lĩnh vực giáo dục nhân cách, đạo đức, bổ trợ đời sống tinh thần. Biểu hiện của nó là giáo dục nặng kiến thức hàn lâm, trọng thi cử, bệnh thành tích tràn lan, kém phản biện, một thời gian dài chúng ta chỉ tạo ra nhiều thế hệ người thụ động. Hệ quả của nó là những vấn đề nhức nhối trong giáo dục bấy lâu nay, từ bạo lực học đường diễn ra ở mọi đối tượng đến những cá nhân không thể hòa nhập với sự vận động không ngưng nghỉ xã hội - dù có bằng cấp.
Ở một cái nhìn xa hơn trong không gian của những người có quyền lực, tệ tham nhũng, lợi ích nhóm, xa hoa, lãng phí, sự tha hóa đạo đức phẩm chất của một “bộ phận không nhỏ” làm kiệt cùng sức lực quốc gia. Đạo đức xã hội suy đồi, con người sống vội vã trong vòng quay điên cuồng của lợi ích, thiếu khoảng lặng.
Một trong những quan điểm nổi bật là xây dựng con người Việt Nam “thấm nhuần tính dân tộc”. Con người gắn với văn hóa - một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thì đương nhiên con người - chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa, phải mang bản sắc dân tộc của văn hóa.
Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay đang có những biến động lớn trong bối cảnh chuyển đổi đa chiều, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
10:07, 29/01/2019
09:46, 29/01/2019
07:15, 27/01/2019
00:05, 16/01/2019
21:50, 05/01/2019
2. Thừa nhận bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, là con người “hiện thực”, “cụ thể” thông qua các quan hệ xã hội để bộc lộ bản chất của mình. Đây là căn cứ lý luận quan trọng để đánh giá con người, thông qua đó có sự phân công lao động để có đóng góp tốt nhất cho xã hội.
Bác Hồ nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thời gian qua, không ít người bị đặt “nhầm chỗ”, gây hậu quả nghiêm trọng. Hay nói dễ hiểu là lỗ hổng trong công tác nhân sự và xa hơn là chiến thuật dùng người. Do đâu? Trước hết là thiếu một hệ quy chiếu khoa học và toàn diện để đánh giá con người. Hẳn nhiên, sự đánh giá ấy không nên là cảm tính, mà phải thông qua các mối quan hệ xã hội để nắm bắt bản chất của cá nhân. Con người là cụ thể chứ không phải trừu tượng chung chung.
Để nhìn thấu mọi góc khuất trong xã hội và con người, báo chí truyền thông phải lĩnh ấn tiên phong, là công cụ phản ánh và phản biện hữu hiệu. Vì vậy, một môi trường thông tin minh bạch khách quan là nguyên liệu để bồi đắp các giá trị tinh thần - với tư cách là vấn đề sâu thẳm của phát triển con người.
3. Con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của lịch sử. Đây cũng là một luận cứ rất xác đáng về CON NGƯỜI mà những nhà hoạch định chính sách xây dựng con người Việt Nam mới không thể không tham khảo.
Cá nhân và xã hội có mối quan hệ biện chứng. Và luôn mâu thuẫn nhau, đó là lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, cái tôi và cái ta, cái riêng và cái chung. Giải quyết được mâu thuẫn này tức là đóng góp vào quá trình xây dựng con người hài hòa với xã hội.
Một con người tốt phải trưởng thành trong môi trường tốt, đó là môi trường mà pháp luật được thượng tôn, các giá trị đúng - sai rõ ràng, cái đẹp cần được tôn vinh, nhưng cái xấu không bị che đậy, dấu diếm, tiếng nói phản biện được lắng nghe, sự thật được tôn trọng.