Các “đô thị ma” với hàng trăm căn biệt thự, liền kề bị hoang hóa đã trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay, cần có ngay những giải pháp xử lý.
Trước áp lực gia tăng dân số với mật độ ngày một lớn, việc hình thành những khu đô thị tại các thành phố lớn được coi là xu thế tất yếu và Hà Nội cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, tình trạng các khu đô thị, khu biệt thư, nhà liền kề,… xây dựng xong không bán được hoặc không có người ở phải để hoang hóa đã dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các nhà đầu tư mà còn gây ra hiện trạng lãng phí tài nguyên đất.
Báo động tình trạng “đô thị ma”
Không chỉ “nóng” về hàng trăm các dự án “treo”, hoang hóa,… TP. Hà Nội còn đang phải đối mặt với thực trạng gia tăng của các “đô thị ma”, khi hàng loạt các khu đô thị, khu biệt thư, nhà liền kề,… xây dựng xong rơi vào tình trạng hoang hóa, do không bán được hoặc không có người ở.
Hiện trạng “đô thị ma” tập trung nhiều ở các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Đông,…
Như dự án Khu đô thị mới Dương Nội nằm trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông, mặc dù được quảng cáo là một khu đô thị đáng sống với nhiều tiện ích vượt trội, tuy nhiên, tại đây vẫn tồn tại hàng loạt căn biệt thự xây xong không người ở, biệt thự xây dang dở, chỉ xong phần thô rồi bỏ hoang…
Hay như khu đô thị Lideco, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, một trong những dự án của Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm cũng rơi vào hiện trạng tương tự với hàng trăm căn biệt thự bị bỏ hoang, bán hàng chục năm vẫn chưa hết.
Cùng với Lideco, một khu đô thị khác tại huyện Hoài Đức là khu đô thị Kim Chung – Di Trạch của Tổng Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư cũng bị bỏ hoang hàng chục năm do không có người ở và bán mãi không hết.
Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt các khu đô thị khác như: khu đô thị mới Vân Canh, huyện Hoài Đức do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư; khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn làm chủ đầu tư;…
Đi tìm lời giải…
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng loạt khu biệt thự bỏ hoang là hệ quả của giai đoạn phát triển nóng của thị trường bất động sản. Việc liên tục đầu tư dự án vượt quá nhu cầu của thị trường, không phù hợp với quy hoạch… đã tạo ra nhiều sản phẩm không có khả năng thanh khoản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các “đô thị ma” với hàng trăm căn biệt thự, liền kề bị hoang hóa đã trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay khi không chỉ ảnh hưởng đến các thanh khoản kinh tế của chủ đầu tư, lãng phí tài nguyên đất mà còn cho thấy những “lỗ hổng” về mặt chính sách.
Thông tin với báo chí, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, với thủ đô Hà Nội tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô rộng nhưng giữa quy hoạch và kế hoạch còn bất cập, chưa đồng bộ.
Theo TS Nghiêm, phải có kế hoạch để xác định trọng điểm, vùng nào đợt một vùng nào đợt hai, tạo ra cơ chế phù hợp với định hướng phát triển, đặc biệt với nhà ở, Nhà nước phải điều hành được thị trường bất động sản, nhưng hiện nay đang gặp bất cập trong điều hành cơ chế, giữa cung và cầu không gắn lại được với nhau, có lúc cung nhiều hơn cầu và ngược lại, như nhà ở xã hội cần rất nhiều, lúc làm nhiều thì lại xảy ra tình trạng người dân chê nhà ở xã hội.
"Thể chế, cơ chế xử lý vấn đề này hiện nay không đồng nhất. Ví dụ trong các khu đô thị, nhà ở không hoàn thiện, không khai thác sử dụng cả mười mấy năm vẫn chưa bị xử lý. Nếu không khắc phục bịt lại những “lỗ hổng” thì không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị, tỉnh thành khác như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ xuất hiện thêm nhiều khu “đô thị ma" - TS Nghiêm chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm