Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế năm 2025, ngành ngân hàng tiếp tục cung ứng vốn năng động và quyết tâm.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong đó chỉ ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mà các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện.
Đây là nhóm những nhiệm vụ giải pháp toàn diện và cụ thể về chính sách, điều hành chính sách và các giải pháp thực hiện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, chung nhất đó là: “Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao)”.
Với định hướng này, ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước năm 2025; chỉ thị và chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ giải pháp năm của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ở góc độ địa phương và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn Thành phố, có thể nói nhiệm vụ lõi của ngành ngân hàng thành phố trong năm 2025, cũng sẽ không nằm ngoài hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thành phố, song ở mức độ cao hơn, năng động và quyết tâm hơn.
Với ý nghĩa đó, nhìn ở góc độ này, ngành ngân hàng Thành phố sẽ tiếp tục chủ động tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Đặc biệt là các chính sách về tín dụng,lãi suất, tỷ giá, các chương trình tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn.
Bài học kinh nghiêm về tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách sẽ đảm bảo thực hiện được mục tiêu của chính sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bài học này cần tiếp tục được phát huy, phát triển với các chương trình hành động cụ thể, thiết thực và đi vào thực tế cuộc sống ngay. Nhiệm vụ này cần được chủ động và tổ chức thực hiện ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị, chỉ đạo về thực hiện giải pháp nhiệm vụ năm 2025.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, với nội hàm triển khai chính sách và thông tin phổ biến chính sách; đối thoại doanh nghiệp; giải ngân gói tín dụng ưu đãi, gắn với các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND Thành phố như: chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền Đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giải ngân gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản; cho vay nhà ở xã hội….
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần chủ động xây dựng kế hoạch chương trình năm 2025; tổ chức đăng ký gói tín dụng ưu đãi cho chương trình và tổ chức thực hiện công tác phối hợp với sở ngành, quận huyện ngay từ đầu năm 2025. Trong đó, các TCTD trên địa bàn cần quan tâm và tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số…. với mục tiêu tăng trưởng thu nhập dịch vụ, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay bền vững, đồng thời mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích tối đa về sử dụng dịch vụ ngân hàng, với chi phí và thời gian giao dịch là thấp nhất.
Bài học kinh nghiệm từ các TCTD có chiến lược kinh doanh tốt, ứng dụng công nghệ và phát triển ngân hàng số hiệu quả; quản trị kinh doanh giỏi luôn tăng trưởng ổn định, hiệu quả và bền vững. Kết quả đó, sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho khách hàng của ngân hàng, kết hợp cùng hiệu ứng chính sách của Ngân hàng Nhà nước, khi thực hiện tốt sẽ không chỉ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi mà còn phát huy hiệu quả chính sách và góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội với yêu cầu cao hơn và thách thức hơn trong năm 2025.
Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp này, sẽ đảm bảo cho các TCTD cạnh tranh và phát triển, tăng trưởng ổn định, an toàn và hiệu quả, chủ động tham gia vào đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh sẽ được vận hành và đi vào hoạt động trong thời gian tới, trở thành động lực mới cho sự phát triển của mỗi định chế tài chính tại địa bàn và của cả nền kinh tế thành phố.
Đây là một trong những nhiệm vụ chung nhất mang tính định hướng, từ nhận thức về thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2025, song chắc chắn sẽ không nằm ngoài những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2025, các TCTD trên địa bàn cần quan tâm và chủ động về mặt giải pháp để khi có chỉ thị, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện tốt ngay từ đầu năm, nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của ngành, của Ngân hàng Nhà nước giao cho tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ngày 20/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Tại Công điện, trong lĩnh vực Tài chính tiền tệ, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hạ lãi suất cho vay. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi (gói tín dụng nhà ở xã hội, hỗ trợ nông, lâm, thủy sản…). Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý hiệu quả nợ xấu.
Đối với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có nhiệm vụ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước; quản lý chặc chẽ thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là thu tiền sử dụng đất, kinh doanh thương mại điện tử, qua nền tảng số; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định bắt buộc về hóa đơn điện tử đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, đồng thời phải thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong 06 tháng đầu năm 2025 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2025.