Đây là nội dung chính tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 23/8/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (cơ quan thường trực của Hội đồng) đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo các tài liệu phục vụ phiên họp; các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.
Thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng được các bộ, ban, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào những kết quả chung của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế; đặc biệt tổ chức thành công các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã kiện toàn các chức danh Nhà nước.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, đã xuất hiện nhiều tấm lòng vàng trong công tác thi đua phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều mô hình mới, cách làm hay như mô hình “ATM ô-xy”, “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, “Suất cơm 0 đồng”, mô hình cách ly “3 lớp”, tháp nhiều tầng trong điều trị bệnh nhân; phương án thiết lập “vùng xanh” an toàn; “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 tại chỗ”, “3 cùng”,..., đặc biệt, nhân dân các tỉnh miền Bắc đã tự giác, tự nguyện, tích cực chi viện nhân lực, vật lực cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn có một số hạn chế, nhận thức vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có nơi có lúc chưa đầy đủ, dẫn đến hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có nơi còn thiếu các giải pháp thúc đẩy phong trào thi đua. Trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, có nơi vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; một bộ phận người dân còn chưa ý thức hết trách nhiệm với cộng đồng và sự nguy hiểm của dịch bệnh; việc thực hiện giãn cách, cách ly còn chưa nghiêm; công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ; việc phòng, chống dịch bệnh có nơi còn lúng túng, bị động, chưa có các biện pháp xử lý phù hợp với tình hình. Có nơi triển khai công tác khen thưởng đột xuất chưa kịp thời, xử lý kỷ luật chưa nghiêm minh.
Trước diễn biến phức tạp, khó kiểm soát của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện "mục tiêu kép", trong đó ưu tiên phòng, chống dịch. Tại những địa phương, những vùng, những địa điểm kiểm soát được dịch bệnh thì đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhưng phải có giải pháp bảo đảm sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất.
Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, các chỉ đạo của Chính phủ, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội.
Trong thời gian tới công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu. Cụ thể, tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, tạo được sự lan tỏa trong xã hội với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lưu ý quan tâm khen thưởng các đối tượng là những người không quản ngại khó khăn, gian khổ trên tuyến đầu chống dịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức lan tỏa, cổ vũ, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện nhiệm vụ chính trị; giữ vững quốc phòng, an ninh, tích cực hội nhập quốc tế; trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương IV khóa XI, XII về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Tiếp tục tập trung xây dựng thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cái gì đã rõ, đã chín, thực hiện có hiệu quả, thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những gì thực tiễn có nhưng chưa có quy định hoặc quy định đã vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tiếp thu ý kiến thảo luận tại cuộc họp, xin ý kiến thành viên Hội đồng, hoàn thiện Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.