TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022

BBT 10/03/2022 20:22

Mở rộng xét nghiệm HIV và điều trị ARV; triển khai mô hình “03 lớp” đấu tranh phòng, chống ma túy; kiềm chế phát sinh người nghiện mới… là những nhiệm vụ trọng tâm.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), các bộ, cơ quan thành viên và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, công tác xét nghiệm HIV tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa. Việc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm qua hệ thống nhà thuốc đã được triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng điều trị HIV/AIDS tiếp tục được duy trì ở mức cao hàng đầu thế giới. Nhiều biện pháp đã được triển khai để đa dạng hình thức cấp thuốc ARV cho người bệnh trong bối cảnh COVID-19, trong đó có mở rộng cấp thuốc nhiều tháng, cấp thuốc qua nhân viên y tế, nhân viên tình nguyện hoặc đơn vị vận chuyển cho các bệnh nhân bị cách ly hoặc trong khu vực bị phong tỏa do COVID-19...

Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy tiếp tục được hoàn thiện. Các lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia; số vụ, số đối tượng bắt giữ tiếp tục tăng so với năm 2020. Công tác kiểm soát và quản lý các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần và ngăn chặn, triệt phá diện tích cây trồng có chứa chất ma túy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến khắc phục những khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cũng còn một số khó khăn, hạn chế: Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt các tỉnh thành phố lớn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn cao. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhân lực, tài chính bị giảm sút; cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật phẩm bị chậm; tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khó khăn.

Kết quả đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy còn chưa tương xứng với tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy hiện nay; công tác cai nghiện chưa có sự tham gia tích cực của gia đình và bản thân người nghiện; các hoạt động hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các chương trình tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ vốn tại cộng đồng có hiệu quả chưa cao…

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ công tác trọng tâm và Chương trình công tác năm 2022.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng về cơ sở

Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, mại dâm, các nhóm nguy cơ cao; tăng cường sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền; duy trì, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.

Các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet, mạng xã hội đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; gửi tin nhắn, thông điệp tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên hệ thống điện thoại di động. Xây dựng, đa dạng hóa các chương trình, phóng sự, phim tài liệu, bản tin… tuyên truyền; tăng cường phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi.

Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, học sinh, sinh viên, người lao động, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và đồng bào dân tộc thiểu số, người có chức sắc trong các vùng tôn giáo; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy tại các vùng trọng điểm.

Tổ chức triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy; Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS.

Mở rộng điều trị ARV

Về phòng, chống HIV/AIDS phải đa dạng và mở rộng xét nghiệm HIV, đặc biệt là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV, phấn đấu phát hiện mới 10.000 trường hợp nhiễm HIV; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân; mở rộng triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày.

Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho 45.000 khách hàng các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là nhóm MSM.

Mở rộng điều trị ARV cho 170.000 bệnh nhân HIV/AIDS; tiếp tục duy trì chất lượng điều trị ở mức độ cao, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng Virus dưới ngưỡng ức chế đạt trên 95%.

Triển khai các biện pháp đảm bảo tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt kế hoạch hoặc đề án bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được phê duyệt; 75% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV qua nguồn BHYT.

Triển khai mô hình "03 lớp" đấu tranh phòng, chống ma túy

Về phòng, chống ma túy, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025; Thông báo kết luận số 330/TB-VPCP ngày 09/12/2021 và 349/TB-VPCP ngày 27/12/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu thường trực và lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; tiếp tục thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống ma túy.

Chủ động làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo và đánh giá tình hình. Nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy từ trung ương đến địa phương. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma túy trên truyến trọng điểm. Triển khai mô hình "03 lớp" đấu tranh phòng, chống ma túy; tập trung thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản theo 05 lĩnh vực: (1) Phòng, chống sản xuất trái phép chất ma túy; (2) Phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; (3) Phòng, chống tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; (4) Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; (5) Quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống và kiểm soát ma túy, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất để sản xuất, điều chế ma túy; kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép ma túy.

Khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tập trung triển khai các giải pháp, biện pháp nhằm kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý chặt chẽ, không để người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở.

Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn về chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy ở các địa phương theo quy định mới; nghiên cứu các bài thuốc hỗ trợ cắt cơn cho người nghiện ma túy phù hợp với các loại ma túy khác nhau. Nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy.

Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh và duy trì, mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; nghiên cứu, xây dựng và triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người nghiện ma túy với sự tham gia của Tòa án; triển khai có hiệu quả công tác rà soát, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạo công ăn việc làm giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Hình thành mạng lưới dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng

Về phòng, chống mại dâm, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025.

Xây dựng, tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm; phát triển các chương trình, bộ tài liệu hướng dẫn, truyền thông, tuyên truyền phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ, các gói dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình thí điểm có hiệu quả ở một số địa phương.

Đồng thời, xây dựng tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan; tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm triển khai một cách toàn diện và hiệu quả công tác phòng chống mại dâm thông qua xây dựng, ký kết và tổ chức triển khai các quy chế phối hợp; kế hoạch phối hợp thực hiện công tác phòng, chống mại dâm năm 2022; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa phương trọng điểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm với các chương trình, dự án ở địa phương; tăng cường bố trí vốn ngân sách địa phương cho công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa và công tác cai nghiện ma túy; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, duy trì cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo giữa các cơ quan, ban ngành liên quan ở địa phương; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ.

Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO