Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn.
Phạm vi lập quy hoạch có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Ranh giới lập quy hoạch: Phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.
Mục tiêu quy hoạch nhằm quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch; là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái của khu vực danh lam thắng cảnh.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch "Con đường Di sản miền Trung".
Định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp và xây mới) phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan…
Theo định hướng, khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn sẽ xây dựng các tuyến, điểm du lịch trên cơ sở lấy các yếu tố gốc tạo nên giá trị của danh lam thắng cảnh là hạt nhân trong phát triển du lịch. Tổ chức các tour du lịch theo chuyên đề để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa sẵn có của khu vực như: Hệ thống núi đá, hang động, công trình di tích... để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm, tham quan làng nghề đá mỹ nghệ...
Tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp như du lịch thiền, ẩm thực chay, các khóa tu tập..., đồng thời khai thác lợi thế của làng quê nông nghiệp, mặt nước sông Cổ Cò kết nối với giao thông thủy nội địa để đa dạng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như trồng trọt, chăn nuôi, câu cá trên sông, chèo, đua ghe, thuyền truyền thống...
Tổ chức các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch ban đêm trong khu vực danh thắng theo định hướng chung của ngành du lịch thành phố.
Cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đồng thời có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm du lịch mới phát triển. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động du lịch.
Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại làng nghề đá truyền thống Non Nước. Tổ chức lại và hình thành không gian kinh doanh thương mại các sản phẩm đá mỹ nghệ phù hợp cảnh quan chung, bảo đảm mỹ quan đô thị; có lộ trình di chuyển các cơ sở sản xuất đá gây ô nhiễm ra ngoài khu vực…