Tin tưởng ông Ngô Văn Tuấn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

THIÊN ÂN 21/10/2022 12:01

Ông Ngô Văn Tuấn - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

>>Kỳ vọng “làn gió mới” cho ngành Giao thông Vận tải

Trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 4, sáng nay 21/10, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình công tác nhân sự.

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Trần Sỹ Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Người được giới thiệu là ông Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phụ trách Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau khi xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao với đề nghị của Bộ Chính trị về việc giới thiệu đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Tổng Kiểm toán, phụ trách Kiểm toán Nhà nước để Quốc hội xem xét, bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ông Ngô Văn Tuấn phát biểu nhận nhiệm vụ Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Văn Tuấn phát biểu nhận nhiệm vụ Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: TTXVN

Chúng ta đang phải đối mặt với bệnh “có tiền không tiêu được”, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm cùng với đó là công tác đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực đang được đẩy mạnh…nên các lãnh đạo đầu ngành sợ trách nhiệm. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới “điểm nghẽn”tài chính.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được “bơm” những liều “doping” đủ sức nặng từ các nguồn vốn, nhất là đầu tư công vào các dự án trọng điểm quốc gia để phục hồi kinh tế. Vì thế, vấn đề điều hành tài chính, cân đối nguồn vốn… nước nhà nhận được quan tâm của dư luận. Thành thử, chiếc ghế Tổng kiểm toán Nhà nước rất thu hút sự chú ý của cử tri tại nghị trường Quốc hội.

Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dung tài chính và tài sản công.

Kiểm toán Nhà nước nên tập trung vào vấn đề phòng và ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng thông qua các hoạt động kiểm toán của mình ngay từ chính sách. Qua đó hạn chế, ngăn ngừa những hành vi có thể xâm phạm lợi ích của nhà nước, của nhân dân. Quan trọng nhất là làm sao đó để ý kiến của kiểm toán, kết luận của kiểm toán được các cơ quan chấp nhận và thực hiện.  

>>Trao niềm tin vào Quyền Bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan

Trong 5 năm từ năm 2016 đến giữa năm 2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 1.356 vụ án với 3.471 bị can về tội tham nhũng, chức vụ. Các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã tập trung phát hiện và xử lý tội phạm, hành vi tham nhũng gây hậu quả thất thoát, thiệt hại lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, đất đai, đầu tư dự án, y tế, giáo dục...

Mới đây, Chính phủ vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV. Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính: Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng, gồm: Tăng thu NSNN 3.263 tỷ đồng; giảm chi NSNN 17.767,3 tỷ đồng; kiến nghị khác 14.464,7 tỷ đồng; giảm lỗ 798,5 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện kiến nghị kiểm toán: về xử lý tài chính 50.522,1 tỷ đồng, gồm: Tăng thu NSNN 5.853,7 tỷ đồng; giảm chi NSNN 10.228,9 tỷ đồng; kiến nghị khác 34.439,5 tỷ đồng; có 51/193 báo cáo kiểm toán có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã được các đơn vị thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “Kiểm toán Nhà nước chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán; phát triển tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ được giao, góp phần ngày càng xứng đáng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán Nhà nước”.

Tuy có nhiều điểm sáng, nhưng trên thực tế, vẫn còn trường hợp chưa thực hiện đúng, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. 

Về phía Kiểm toán Nhà nước, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước còn hạn chế. Do phương pháp kiểm toán chủ yếu là hậu kiểm dựa trên hồ sơ nên việc nhận biết, phát hiện dấu hiệu tham nhũng chưa đầy đủ, chưa kịp thời.

Việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh làm giảm hiệu lực kiểm toán. Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn có đơn vị chưa nghiêm, chưa triệt để; còn có những kiến nghị sau khi phát hành báo cáo kiểm toán phải điều chỉnh.

Trong khi nhiều đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, kế hoạch sử dụng dòng tiền  hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả…v..v.

Những khó khăn, hạn chế trên, cùng với truyền thống Kiểm toán nhà nước trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, đã khẳng định được vị trí và đóng góp quan trọng cho đất nước. Đây là thách thức và áp lực không nhỏ với ông Ngô Văn Tuấn khi nhận trách nhiệm đứng đầu ngành Kiểm toán nước nhà. 

Dẫu vậy, khi Trung ương tin tưởng thì nhân dân và cử tri cả nước cũng đặt niềm tin ở ông Ngô Văn Tuấn. Bởi vì ông là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã kinh qua các vị trí công tác khác nhau, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú ở các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Cụ thể, ông Ngô Văn Tuấn có 21 năm trong ngành tài chính (1995 - 2016), 2,5 năm làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (2017 - 2019), sau đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho tới nay.

Bản thân ông Ngô Văn Tuấn cũng hứa tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm toán “nghệ tinh, tâm sáng”, với phẩm chất của người kiểm toán “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén và chăm chỉ”.

Vì thế, chúng ta tin tưởng ông Ngô Văn Tuấn sẽ hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiểm toán Nhà nước "gọi tên" một loạt ngân hàng

    16:42, 29/05/2022

  • Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Đắk Lắk cung cấp thông tin về mua sắm kit test

    23:14, 13/03/2022

  • Kiểm toán Nhà nước phải tăng cường công khai, minh bạch

    20:25, 12/08/2021

  • Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng

    17:23, 22/07/2021

  • Kiểm toán Nhà nước đề nghị PVFCCo điều chỉnh tăng doanh thu, lợi nhuận năm 2020

    17:13, 01/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tin tưởng ông Ngô Văn Tuấn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO