Ngày 19/4/2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức loạt lễ khởi công, khánh thành các công trình trọng điểm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025).
Đây là các dự án sẽ góp sức thúc đẩy tăng trưởng cả vùng Đông Nam bộ về kinh tế nói chung, cụ thể là giao thông vận tải, logistics và du lịch.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến điểm cầu dự lễ thông xe kỹ thuật dự án Thành phần 3 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 tại điểm cầu TP Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 19/4/2025.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, ngày 19/4/2025, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng loạt tổ chức lễ thông xe kỹ thuật dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (điểm cầu chính); khởi công đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn từ quốc lộ 56 đến nút giao vòng xoay đường 51B,C); thông xe đoạn đường từ Nhà Lớn Long Sơn đến Quốc lộ 51 và cầu Cửa Lấp 2 thuộc dự án đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận; khánh thành Trung tâm Y tế quân - dân y Côn Đảo.
Dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 19,5km, vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang nền đường là 24,75m, giai đoạn hoàn chỉnh bao gồm 6 làn xe. Trên tuyến có 11 cầu và 1 hầm chui, có 2 nút giao khác mức, hệ thống đường dân sinh, diện tích đất thu hồi là 137,52 ha, ảnh hưởng đến 1.215 hộ, tổ chức. Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.190 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 18/6/2023.
Ông Tho cho hay, sau khi hoàn thành, dự án sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.
Cùng với Lễ thông xe kỹ thuật Dự án thành phần 3, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng làm lễ khởi công dự án Đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, theo quy mô đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất, UBND tỉnh đã thực hiện điều chỉnh các quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Bà Rịa, quy hoạch chung đô thị Long Điền và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Bắc Phước Thắng, phường 12, thành phố Vũng Tàu.
Tuyến đường có chiều dài 16,4km đi qua thành phố Bà Rịa, huyện Long Đất và thành phố Vũng Tàu. Đầu tuyến nối tiếp với dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại nút giao QL56 thuộc thành phố Bà Rịa, cuối tuyến tại nút giao vòng xoay đường 51B,C thành phố Vũng Tàu (nút giao vòng xoay đường 2/9 và Võ Nguyên Giáp). Tổng mức đầu tư khoảng 13.900 tỷ đồng.
Dự án Đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là công trình trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi hoàn thành sẽ là tuyến trục chính kết nối các địa phương thành phố Bà Rịa, huyện Long Đất và thành phố Vũng Tàu với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; liên kết tuyến đường ven biển ĐT994 với các tuyến đường trục chính đô thị trong tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.
Cùng ngày 19/4, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thông xe đoạn đường từ Nhà Lớn Long Sơn đến Quốc lộ 51 và Cầu Cửa Lấp 2 thuộc dự án đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận. Tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận có chiều dài gần 77 km, quy mô thiết kế từ 6 đến 8 làn xe. Tuyến đường đi qua thành phố Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu và các huyện Long Đất, Xuyên Mộc với 8 dự án đã và đang được triển khai.
Trong đó đoạn đường vào khu công nghiệp dầu khí Long Sơn dài 2,8 km đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2017, các đoạn còn lại đang thi công khoảng 70 km dự kiến hoàn thành trong năm 2026; đoạn đường quanh đảo Long Sơn vòng quanh núi Nứa dài 3,83km dự kiến sẽ được tỉnh đầu tư giai đoạn 2026 - 2030.
Đoạn đường từ Nhà Lớn Long Sơn đến Quốc lộ 51 và cầu Cửa Lấp 2 có chiều dài khoảng 5,8 km. Mặt cắt ngang rộng 40,5m gồm 6 làn xe. Công trình được khởi công ngày 31/3/2023, và dự án Cầu Cửa Lấp 2 được khởi công xây dựng từ ngày 11/8/2023.
Ông Thọ cho biết, tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận là dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến trục chính kết nối các địa phương ven biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận, kết nối giao thông thông suốt với tuyến đường cao tốc đô thị trục chính của tỉnh, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường liên cảng, cầu Phước An, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông liên kết vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực, đồng thời có ý nghĩa quan trọng phục vụ quốc phòng và an ninh quốc gia.
Tại huyện đảo Côn Đảo cũng đã khánh thành Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo vào 19/4. Với tổng mức đầu tư hơn 247 tỷ đồng, công trình được xây dựng trên diện tích đất 12.110m2 với 60 giường bệnh trong giai đoạn 1; sẽ tiến tới quy mô 100 giường tương đương bệnh viện đa khoa hạng III.
Được khởi công xây dựng vào tháng 6/2023, công trình nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và du khách, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên y tế có đầy đủ cơ sở vật chất nhằm từng bước nâng cao năng lực khám chữa bệnh, góp phần phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn; sẵn sàng ứng phó khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai, bão lũ vì đây là đơn vị hoạt động độc lập xa đất liền.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. "Những công trình trọng điểm này thể hiện quyết tâm và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của tỉnh, khẳng định vai trò là đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư, du lịch và hội nhập quốc tế".
Theo ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 là công trình quan trọng quốc gia, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai dài 19,5 km, tổng vốn hơn 5.190 tỷ đồng, khởi công ngày 18/6/2023. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, công tác giải phóng mặt bằng vốn là khâu khó nhất đã cơ bản hoàn tất sau 3 tháng, tạo điều kiện thi công thần tốc.
Dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, giúp rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu và chủ động nguồn vật liệu. Nhờ đó, dự án về đích sớm hơn 3 tháng so với hợp đồng và vượt tiến độ Chính phủ giao 6 tháng.
Việc thông xe kỹ thuật ngày 19/4 là minh chứng cho sự đồng lòng của chính quyền, đơn vị thi công và người dân. Khi hoàn thành toàn tuyến, cao tốc sẽ kết nối đồng bộ với cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng và quốc gia.
Đây là một bước chuyển mình quan trọng khi tới đây tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tạo động lực, bước đi đột phá trong thu hút đầu tư, khi giao thông được đồng bộ, hiện đại, rút ngắn thời gian, và tạo sự kết nối liên vùng. Qua đó mở ra một hành trình mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.