Tinh giản bộ máy không chỉ là giảm... con số

Đại Dương 22/12/2018 11:53

Tinh giản biên chế, giảm các tầng lớp trung gian cán bộ sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cơ hội và chi phí xã hội và khi đó môi trường kinh doanh tốt hơn.

Thông thường, những quyết sách của Nhà nước đều tuân thủ những định hướng rất tiến bộ như đã được ghi trong các Nghị quyết của Đảng. Nếu xem xét các định hướng, quan điểm của Đảng về hệ thống chính trị cho đến kinh tế đều rất tiến bộ. Nhưng thể chế hóa để những định hướng ấy đi vào cuộc sống là một quá trình khá gian nan.

br class=

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018, đã có 39.823 người được tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Khởi đầu cho tiến trình sắp xếp lại vai trò của Nhà nước

Một trong những định hướng quan trọng của Đảng từ năm 2015 đến nay là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Có thể nói, Nghị quyết 39/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế là khởi đầu cho một tiến trình sắp xếp lại vai trò của Nhà nước trong tình hình phát triển mới. Nghị quyết ấy nhìn nhận rằng: Chưa xác định rõ, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu cung cấp dịch vụ công của từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực cụ thể để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện cơ cấu công chức, viên chức phù hợp. Cũng chính vì vậy, Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ: Rà soát lại bộ máy các sở, ban, ngành ở địa phương để kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

  Bộ máy càng nhỏ đi, càng ít can thiệp vào xã hội và thị trường, thì kinh tế - xã hội sẽ càng phát triển. Bộ máy càng phình to, thì cũng đồng nghĩa với việc chi phí xã hội để “nuôi” bộ máy càng lớn. 

Thế nhưng, sau nghị quyết đó, dường như khâu “tinh giản biên chế” với mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế được coi trọng hơn cả. Bộ Nội vụ trong các báo cáo hàng quý, hàng năm đều thống kê số lượng biên chế được tinh giản, trong đó bao gồm cả những biên chế thuộc diện... nghỉ hưu hoặc tự nguyện chuyển ra ngoài khu vực nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Sắp xếp, tinh giản bộ máy: Cần quyết tâm cao!

    05:14, 31/08/2018

  • Hải Phòng: Hợp nhất một số cơ quan, đơn vị để giảm đầu mối, giảm biên chế

    01:10, 14/09/2018

  • Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: Nhất thể hóa chức danh để hiệu quả chứ không phải để giảm biên chế

    12:20, 06/10/2017

  • Muốn giảm biên chế phải... va chạm

    05:49, 15/06/2017

Trong khi đó, cái gốc là “tinh gọn bộ máy” dường như không được chú trọng. Ngay cả nhiệm vụ “từ năm 2017, thực hiện, khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao” đối với các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp cũng dường như bị phá sản khi “Luật về Hội” không được Quốc hội tiếp tục thảo luận. Nên nhớ, nếu định hướng này của Bộ Chính trị được triển khai nghiêm túc, thì ngân sách đã bớt đi một khoản chi hàng chục nghìn tỷ…

Công cuộc gian nan

Có lẽ cũng vì vậy mà Hội nghị Trung ương 6 hồi tháng 10/2017 tiếp tục ban hành Nghị quyết “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Những hạn chế của bộ máy cồng kềnh vẫn được nhắc đến và những giải pháp cụ thể đã được đề ra.

Trong đó, đáng chú ý là nhiệm vụ sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII nêu rõ: Quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này; Rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành.

Công bằng mà nói, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xác định tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một nhiệm vụ ưu tiên. Không chỉ có thế, chính Bộ này có những đề án rất tiến bộ như “công chức hợp đồng” hay đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật về bộ máy và công chức, viên chức.

Tuy vậy, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến ĐBQH đã lên tiếng về việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cho rằng: có những sự không hợp lý. Trước đó, một số địa phương đã tiến hành sáp nhập các sở, ngành và cơ quan đảng có cùng chức năng. Không biết có phải vì thế hay không mà mới đây, ông Tân đã gửi văn bản cho các tỉnh, thành đề nghị tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện.

Việc tạm dừng này có thể là phù hợp pháp luật khi hai Nghị định về vấn đề này vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Nhưng ở góc độ khác, nó thể hiện rằng: việc xác định lại vai trò của nhà nước trong bối cảnh mới là rất gian nan. Một nguyên lý cần phải nhìn nhận đó là: nhà nước càng nhỏ đi, càng ít can thiệp vào xã hội và thị trường, thì kinh tế - xã hội sẽ càng phát triển. Bộ máy càng phình to, thì cũng đồng nghĩa với việc chi phí xã hội để “nuôi” bộ máy càng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tinh giản bộ máy không chỉ là giảm... con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO