Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả… đang nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân, đặc biệt là trong giới doanh nghiệp, doanh nhân.
Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy đã được đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đặt ra từ năm 2017. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này mới bắt đầu khởi động và thực hiện quyết liệt dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, bởi đây là một cuộc cách mạng tạo động lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này sẽ mang đến một luồng gió mới, kéo các doanh nghiệp bay cao, bay xa cùng đất nước.
Ông Nguyễn Trung Khánh, nhà sáng lập, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ TK25, một doanh nghiệp khoa học công nghệ trẻ, với gần 10 năm tuổi kỳ vọng, việc tinh gọn bộ máy được ổn định bằng sự tuyên bố và định vị giá trị công rõ ràng trước Chính phủ và người dân. Đây sẽ là cơ sở vững chắc cho sự cam kết hành động ở “kỷ nguyên vươn mình”.
Bên cạnh đó, ông cũng kỳ vọng sự cởi mở đón nhận và chung tay thực thi với các sáng kiến đóng góp của các tầng lớp tri thức đến từ khối doanh nghiệp và xã hội trong và ngoài nước. Lấy lợi ích quốc gia làm nền tảng, sự hưng vượng cuộc sống của người dân làm thước đo. Bởi “Kỷ nguyên vươn mình” không phải là khẩu hiệu – đó là điểm đến của dân tộc. Hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ.
Ông Khánh cũng kỳ vọng vào một hệ thống công quyền sau tinh gọn biết lắng nghe và dám hành động, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, bởi vươn mình là lớn là trưởng thành, là bước ra khỏi vùng an toàn, là dấn thân dám đối đầu với thử thách vì những giá trị chung của dân tộc. Đó chính là hiệu quả nhân bản của quá trình tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước.
“Quy trình tương tác hành chính với chính quyền đã tự động được tinh giản do các điểm chạm đã tinh giảm, đặc biệt là các thủ tục hành chính đã được số hóa và quy trình hóa. Các đóng góp xây dựng vì lợi ích của doanh nghiệp đã đến được gần hơn với Chính phủ, với Quốc hội bởi các “bộ lọc tiêu cực” đã không còn nhiều nữa. Niềm tin từ phía các doanh nghiệp vào Chính phủ tăng cao”, nhà sáng lập TK25 Nguyễn Trung Khánh đánh giá.
Nói về những hành động của doanh nghiệp nhằm góp sức cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, ông Khánh cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ phải nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác Quốc tế để tiếp cận các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới nhằm thúc đẩy tính ứng dụng cho người Việt.
Cùng với đó là góp ý, góp sức cùng Chính Phủ tạo dựng các chính sách mang tính thực tiễn, thu hẹp quá trình từ xây dựng chính sách – đến thực thi, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo ra nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội.
Đồng thời, chia sẻ các khó khăn và đón nhận các lợi ích hoài hòa Công – Tư, sẵn sàng tâm thế cùng bộ máy công quyền vượt qua các thách thức mới, nhất là sự hội nhập giao thoa về công nghệ trên thế giới.
Tương tự, ThS. Nguyễn Văn Ngà – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mebi Farm cho rằng, doanh nghiệp đang có rất nhiều kỳ vọng vào công cuộc tinh giản bộ máy công quyền mà Đảng và Nhà nước đang triển khai, mong mỏi việc tinh giản này sẽ tạo ra luồng gió tích cực giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời cơ hội, gia tăng hiệu quả kinh doanh và nhờ đó có thể cất cánh nhanh cùng nhịp với thời đại của thế giới.
Thứ nhất, điều mà có lẽ doanh nghiệp nào cũng mong đợi là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng được tinh gọn và minh bạch song song với quá trình tinh gọn bộ máy. Nếu chỉ tinh gọn bộ máy nhân sự mà giữ nguyên các hệ thống thủ tục rườm ra như trước đây thì cũng chưa chắc doanh nghiệp được hưởng lợi.
Thứ hai, bộ máy nhân sự tinh gọn nhưng cơ chế cần rõ ràng trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể công chức. Thực tế có tình trạng bộ máy thì tinh gọn nhưng cơ chế trách nhiệm và quyền hạn cá nhân công chức không rõ, dẫn đến công chức phụ trách vì sợ cá nhân bị kỷ luật mà không dám ra quyết định. Việc chần chừ như vậy, rất nhiều khi làm cho doanh nghiệp bị lỡ mất cơ hội kinh doanh.
Thứ ba, khi bộ máy đã tinh gọn, cơ chế trách nhiệm đã rõ ràng, hệ thống thủ tục hành chính đã tinh gọn và minh bạch thì cần phải được truyền thông thường xuyên để doanh nghiệp hiểu rõ mà mạnh dạn hợp tác với các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Để đất nước và doanh nghiệp có thể cất cánh, bay nhanh và bay cao thì mọi thứ phải gọn nhẹ, đúng chuẩn, hiệu quả và kịp thời”, ThS. Nguyễn Văn Ngà nhấn mạnh.
Ở góc độ một chuyên gia về luật, ThS. Nguyễn Ngọc Tuấn - P. Chủ nhiệm CLB Luật sư Pháp chế Doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á đánh giá, năm 2025 là năm bản lề của kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây sẽ là một năm chứng kiến nhiều chuyển biến mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông cho rằng, việc nhiều chính sách pháp luật, trong đó có các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng, Luật kế toán, Luật Thuế sửa đổi bổ sung…có hiệu lực, góp phần thúc đẩy việc thực thi pháp luật của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong bối cảnh mới.
Đối với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, ThS. Nguyễn Ngọc Tuấn kỳ vọng, bộ máy hành chính các cấp tại các địa phương sau khi tinh gọn sẽ phát huy hiệu quả cao nhất, đúng với tinh thần “nhanh, gọn”, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực thuế và kế toán. Qua đó, giúp giảm phiền hà cũng như chi phí cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần phải cải tiến, cải thiện các bộ phận nhân sự trong công ty, hay cụ thể hơn là phải đề cao văn hóa doanh nghiệp, gắn kết các quy trình, hệ thống để tạo ra một đội ngũ đủ mạnh để nắm bắt được những cơ hội mới mà thị trường mang lại.
“Đảng và Nhà nước đang quyết liệt tinh gọn bộ máy, mở đường cho phát triển, các doanh nghiệp cũng cần cải thiện nội bộ trong chính doanh nghiệp mình. Theo đó, cải thiện về con người, về quy trình, hệ thống, cùng với văn hóa doanh nghiệp để tạo nên một đội ngũ vững mạnh, để cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ThS. Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.