Chính trị

Tinh, gọn để tiến nhanh hơn!

Trương Khắc Trà 05/12/2024 04:30

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước, tinh, gọn đội ngũ cán bộ là một trong những mệnh lệnh mang tính thời cuộc.

Tổng bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”.

khtinhgon.jpeg

Sau cuộc phát động đầy quyết tâm, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành nhanh chóng vào cuộc; những điểm nghẽn đã được xác định, việc tháo gỡ liên quan đến con người và tổ chức không hề là dễ dàng. Nhưng không thể trì hoãn!

Nếu nhìn hệ thống nhà nước dưới góc độ kỹ thuật - nó như một “bộ máy” theo nghĩa đen, bộ máy càng nhiều chi tiết càng phức tạp, chi phí vận hành bão dưỡng cao hơn.

Dưới góc nhìn kinh tế - xã hội học, bộ máy nhà nước cồng kềnh sẽ làm chậm trễ khả năng thực thi chính sách; cần rất nhiều chi phí để duy trì đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, gây lãng phí tài nguyên chất xám ngay chính từng mỗi cá nhân.

Những tiến bộ mang tính thời đại như sự ra đời của máy tính, internet, với tư cách là công cụ lao động cho phép con người có thể làm việc nhanh hơn và chính xác hơn. Thậm chí trí tuệ nhân tạo đã thay thế một phần sức lao động trực tiếp. Hiện hữu hơn, nếu như cách đây 3 thập kỷ một chuyên viên văn phòng phải mất nhiều ngày để hoàn thành báo cáo viết tay, thì hiện nay đã rút xuống bằng giờ; mỗi công văn mất hàng tuần để từ trung ương xuống địa phương, thì nay chỉ vài giây nó đã phổ biến đến toàn hệ thống.

Đặc biệt, sự phát triển của giáo dục, đào tạo đã nâng cao đáng kể kỹ năng của người lao động, hoàn toàn có thể cho phép một người làm việc bằng hai, bằng ba so với trước đây.

Từ cơ sở thực tiễn này, chủ trương sáp nhập và kết thúc hoạt động một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương là phù hợp. Đơn cử các nhiệm vụ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn có thể dung hòa với ngành Y tế và an sinh xã hội.

Lịch sử tại nhiều quốc gia cho thấy một nền kinh tế mạnh thường được điều hành bởi bộ máy nhà nước rất gọn nhẹ, mỗi nhân viên công quyền thường rất đa năng; hơn thế nữa, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý rất phổ biến.

Ví dụ tại Singapore, nền kinh tế có quy mô hơn 500 tỷ đô la Mỹ nhưng chỉ có 153 nghìn công chức, trong đó khoảng 86 nghìn công chức ở cấp Trung ương với 16 bộ và 60 cơ quan chuyên môn nghiệp vụ. Nước này từng trải qua quá trình cải cách toàn diện. Giai đoạn 1995 đến 2012 tập trung tăng cường sự tham gia của người dân và cải cách dịch vụ công, mục tiêu của giai đoạn này là nâng cao hiệu quả công vụ và chuẩn bị thích ứng với giai đoạn mới.

Sở dĩ Singapore thành công với chương trình tinh gọn bộ máy là nhờ ứng dụng tiến bộ công nghệ, một trong những mô hình nổi tiếng là các trung tâm giải quyết dịch vụ công với mức độ tự động hóa tối đa có thể; xây dựng nền tảng số giúp người dân và doanh nghiệp có thể tương tác với cơ quan công quyền 24/24.

Do vậy, sắp xếp đội ngũ theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa” là việc tất yếu phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tinh, gọn để tiến nhanh hơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO