Thị trường lao động năm 2019 đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng lao động được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Tín hiệu tích cực, lạc quan trong lao động
Theo Báo cáo Tình hình lao động việc cả năm 2019 của Tổng cục Thống kê về cơ cấu lực lượng lao động, mặc dù lực lượng lao động ở nông thôn chiếm đa số, đã có sự thay đổi trong cơ cấu lực lượng lao động theo hướng tăng lên ở khu vực thành thị trong 10 năm qua. Gần một nửa dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia thị trường lao động là phụ nữ.
Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động của Việt Nam tương đối cân bằng với tỷ trọng 52,7% nam giới và 47,3% nữ giới tham gia lực lượng lao động. Nhóm dân số tham gia lực lượng lao động nhiều nhất là từ 25-54 tuổi. Trong vòng 40 năm qua, từ Tổng điều tra năm 1989 đến nay, tỷ trọng nữ giới chiếm trong lực lượng lao động giảm nhẹ, từ 48,8% vào năm 1989 xuống còn 47,3% vào năm 2019.
Tỷ trọng nữ trong lực lượng lao động chênh lệch không đáng kể giữa thành thị và nông thôn. Tỷ trọng này ở cả hai khu vực đều dao động xung quanh mức 47,3%. Tỷ trọng phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long (44,0%) và cao nhất tại Đồng bằng sông Hồng (49,6%).
Về độ tuổi tham gia lực lượng lao động, kết quả điều tra cho thấy dân cư khu vực thành thị tham gia vào thị trường lao động muộn hơn và rời khỏi thị trường lao động sớm so với dân cư khu vực nông thôn. Điều kiện sống càng cao thì tuổi tham gia thị trường lao động càng cao.
Theo đó, Việt Nam có gần 88% dân số trong độ tuổi từ 25-59 tham gia lực lượng lao động; trong đó tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động đạt cực đại ở nhóm tuổi 25-29 (14,3%) và giảm nhẹ ở nhóm 30-34 (14,2%). Dân số ở nhóm tuổi trẻ (nhóm 15-19 tuổi và nhóm 20-24 tuổi) và nhóm tuổi già (từ 60 tuổi trở lên) đều chiếm tỷ trọng tham gia lực lượng lao động thấp (dưới 10%). Đặc trưng này của Việt Nam cũng giống các nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi cơ cấu tuổi của dân số trong lực lượng lao động gấp đôi các nhóm dân số còn lại.
Dân số từ 15 tuổi trở lên có xu hướng tham gia vào thị trường lao động muộn hơn so với năm 2009: Tỷ trọng dân số từ 15-24 tuổi tham gia lực lượng lao động trong năm 2019 chiếm 12,6%, thấp hơn so với năm 2009 (20,9%). Các thành tựu về kinh tế cùng với các yêu cầu cao hơn của thị trường về chất lượng nguồn lao động trong những năm gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia thị trường lao động muộn để kéo dài thời gian học tập, chuẩn bị tốt các kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu thị trường hơn trước khi tham gia vào thị trường lao động. Trong đó, khu vực thành thị có điều kiện kinh tế phát triển hơn nên việc tham gia vào lực lượng lao động muộn hơn (đặc biệt là nhóm từ 15-19 tuổi) và rời khỏi thị trường lao động sớm hơn so với khu vực nông thôn.
Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tiếp tục tham gia thị trường lao động cao hơn so với năm 2009 (7,9% so với 5,8%) do tốc độ già hóa ở nước ta diễn ra nhanh và có xu hướng ngày càng tăng.
Đáng chú ý, sau 10 năm, trình độ học vấn của lực lượng lao động đã được nâng cao; phân bố lực lượng lao động theo trình độ học vấn cao nhất đạt được tăng mạnh ở các nhóm trình độ cao và giảm mạnh ở các nhóm trình độ thấp: lực lượng lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên tăng 13,5 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2019 là 39,1%; năm 2009 là 25,6%); không thay đổi đối với nhóm THCS và giảm mạnh ở 3 nhóm trình độ thấp hơn (chưa bao giờ đi học giảm 1,7 điểm phần trăm; chưa tốt nghiệp tiểu học giảm 5,7 điểm phần trăm; tốt nghiệp tiểu học giảm 6,1 điểm phần trăm).
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp
Báo cáo Tình hình lao động việc cả năm 2019 cũng cho biết số tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ chuyên môn cao lớn hơn tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ chuyên môn thấp.
Mặc dù đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp hơn 10 năm qua, nhưng hệ thống bảo hiểm thất nghiệp nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện để phục vụ tốt người lao động. Do vậy, đa số người dân phải làm mọi công việc để tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Chính vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thường thấp hơn so với các nước phát triển. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam là 2,05%.
Đa phần dân số Việt Nam cư trú ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn thấp hơn gần hai lần so với khu vực thành thị (tương ứng là 1,64% và 2,93%). Sự khác biệt về cơ hội tiếp cận thông tin về việc làm, trình độ chuyên môn kỹ thuật và khả năng lựa chọn công việc linh hoạt của người lao động có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này.
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về nhóm lao động có trình độ cao đẳng (3,19%), tiếp đến là nhóm có trình độ đại học (2,61%). Tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới cao hơn của nam giới (2,11% so với 2,0%), đặc biệt đối với nhóm lao động có trình độ sơ cấp.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra một vấn đề đáng chú ý là hầu hết người thất nghiệp có độ tuổi từ 15-54 (chiếm 91,7% người thất nghiệp). Tỷ lệ này ở nam giới cao hơn so với ở nữ giới (tương ứng là 92,6% và 90,9%). Thanh niên (từ 15-24 tuổi) thất nghiệp chiếm gần một nửa tổng số lao động thất nghiệp cả nước (44,4%). Thực trạng này tồn tại ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Đông Nam Bộ có số người thất nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (23,4%) và tỷ trọng người thất nghiệp thấp nhất thuộc về Tây Nguyên (4,6%).
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết số người thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lao động thất nghiệp (18,9%) trong khi người thất nghiệp chưa được đào tạo hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn (bao gồm: sơ cấp, trung cấp) chiếm tỷ trọng thấp hơn rất nhiều (6,6%). Điều này là do nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp thường sẵn sàng làm các công việc giản đơn và không đòi hỏi chuyên môn cao với mức lương thấp trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn. Ngoài ra, chính sách tuyển lao động của các nhà tuyển dụng đối với nhóm lao động có trình độ cao cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ này, bởi yêu cầu đối với lao động đã qua đào tạo ở các trình độ càng cao càng khắt khe hơn so với lao động giản đơn và cũng do nhóm lao động đã qua đào tạo thường có yêu cầu về mức thu nhập cao hơn nhóm lao động giản đơn.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 12/06/2020
17:01, 05/06/2020
00:00, 04/06/2020