Tình thế đảo chiều của "cuộc đua" thu hút doanh nghiệp FDI

THY HẰNG 24/09/2021 11:00

Từng là điểm sáng về khống chế dịch Covid-19 giúp thu hút làn sóng FDI vào năm 2020, nhưng Việt Nam đang mất đi lợi thế khi sản xuất đình trệ kéo dài vì dịch bệnh.

Theo ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại TP HCM cho biết, 20% doanh nghiệp được khảo sát đang xem xét việc di rời khỏi Việt Nam, do đó cần phải quan tâm việc “giữ chân” nhà đầu tư.

ít nhất 20% thành viên có nhà máy sản xuất của các Hiệp hội này đã chuyển một phần công suất sang quốc gia khác.

Có ít nhất 20% thành viên có nhà máy sản xuất của các Hiệp hội AmCham, EuroCham, KorCham đã chuyển một phần công suất sang quốc gia khác.

“Trong khi năm 2020 có nhiều doanh nghiệp Đức đã dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ hiện đang cho biết cân nhắc việc dịch chuyển tới những nơi chuỗi cung ứng suôn sẻ hơn nếu Việt Nam tiếp tục kéo dài giãn cách”, ông Marko Walde lưu ý.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết, các mô hình “bong bóng sản xuất” như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” được tạo ra để duy trì sản xuất tuy hữu ích nhưng lại không phù hợp với nhà máy lớn, sử dụng nhiều lao động, đồng thời cũng không bền vững lâu dài, xét về mặt chi phí, hậu cần, và sức khỏe, an toàn và tinh thần của người lao động. Do đó, xu hướng dịch chuyển một phần sản xuất ra khỏi Việt Nam hoặc ngừng di chuyển nhà máy về Việt Nam trong tương lai gần đang được nhắc tới ngày một rõ nét.

Nhận định này cũng tương đồng trong các cảnh báo gần đây của giới chuyên gia và các doanh nghiệp về một sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Trong bản dự thảo kiến nghị chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp của một số Hiệp hội nước ngoài gồm AmCham, EuroCham, KorCham và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề cập, ít nhất 20% thành viên có nhà máy sản xuất của các Hiệp hội này đã chuyển một phần công suất sang quốc gia khác, và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch làm tương tự.

“Nhiều thành viên của chúng tôi đêm nào cũng họp với các trụ sở chính trong khu vực và toàn cầu để quyết định xem những khách hàng nào bắt buộc phải giữ cam kết giao hàng, khách hàng nào thì buộc phải hủy bỏ đơn hàng với họ, và chuyển những mảng sản xuất nào ra khỏi Việt Nam”, kiến nghị nêu rõ.

Trao đổi với DĐDN, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhận định, những dấu hiệu dịch chuyển đã không còn là cảnh báo.

“Việc cắt giảm quy mô sản xuất đã diễn ra rồi vì doanh nghiệp phải dừng hoặc cắt giảm quy mô hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch của chính quyền địa phương. Việc chuyển một phần công suất từ Việt Nam sang các thị trường khác cũng như việc dừng chuyển công suất từ một số nước khác sang Việt Nam cũng đã diễn ra rồi. Nếu tiếp tục đóng cửa kéo dài thì xu hướng này đương nhiên sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn”, ông Thành cho biết.

Đồng thời nhấn mạnh, muốn ngăn chặn xu hướng này, không để nó diễn biến xấu hơn, đề nghị Chính phủ và các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt hơn để sớm mở cửa lại một cách thực chất. Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.

Có thể thấy, nếu như một năm trước, việc kiểm soát dịch bệnh thành công khiến Việt Nam trở thành “ngôi sao” thu hút FDI, những đóng góp về việc “dọn tổ đón đại bàng” liên tục được đưa ra thì nay, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang khiến Việt Nam dần “mất điểm” với các doanh nghiệp FDI.

Nhiều ý kiến từ các nhà đầu tư Đức, Hàn Quốc cũng cho biết, không chỉ nhà máy hiện đang hoạt động rời đi, mà các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến bởi các quy định về nhập cảnh cho người nước ngoài. Chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh mình là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ.

nên thay đổi cách thức phong tỏa ổ dịch diện rộng như vừa qua, không hành chính cứng nhắc, gây phiền hà, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Chuyên gia đề xuất nên thay đổi cách thức phong tỏa ổ dịch diện rộng như vừa qua, không hành chính cứng nhắc, gây phiền hà, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Cho quan điểm về vấn đề này, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đứt gãy chuỗi cung ứng đang là nỗi lo chung của cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp FDI. Với tình hình dịch như hiện nay, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng rất cao. Theo ông Thành, điều doanh nghiệp FDI mong lúc này là Nhà nước phải có kế hoạch rõ ràng và quản trị rủi ro.

“Chúng ta không thể khẳng định chắc nịch vào tháng nào dịch bệnh được khống chế. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự đồng hành. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cần triển khai quyết liệt hơn”, ông Thành nói. 

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, giãn cách xã hội như vừa qua, tất yếu gây đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu quả là đã có doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam. Đồng thời làm giảm cơ hội đón dòng vốn chuyển dịch FDI trong dài hạn.

Do đó, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất, nên thay đổi cách thức phong tỏa ổ dịch diện rộng như vừa qua, không hành chính cứng nhắc, gây phiền hà, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Đơn cử như việc về phân vùng, chỉ phong toả trên phạm vi hẹp nhất để nới lỏng giãn cách xã hội như của một số tỉnh thành phố như Thủ đô Hà Nội là cách làm cần được nhân rộng.

“Tinh thần mở cửa phải đảm bảo an toàn lưu thông kinh tế, gồm chuỗi cung ứng vận tải logistics và tiền tệ an toàn sản xuất tại các khu công nghiệp”, ông Thiên nhấn mạnh.

Được biết, tại kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, 14 Hiệp hội ngành hàng trong nước cũng cùng đề xuất chiến lược “phòng chống dịch Covid-19 theo điểm” nhằm tái sản xuất an toàn. Đặc biệt doanh nghiệp nhấn mạnh tới việc trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp.

Trong báo cáo vừa công bố, VDSC Research nhận định, ở kịch bản lạc quan, khi dịch bệnh được Việt Nam kiểm soát trong quý IV/2021, các doanh nghiệp FDI sẽ không chuyển cơ sở sản xuất hiện có của họ ra khỏi thị trường Việt Nam, thay vào đó, họ sẽ cố gắng cải thiện tính linh hoạt của chuỗi cung ứng của mình.

"Điều quan trọng cần lưu ý là chuỗi cung ứng rất phức tạp. Chiến lược của các công ty FDI sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ đa dạng hóa cơ sở tìm nguồn cung ứng, chi phí sản xuất, sự không chắc chắn về quỹ đạo của Covid-19…", chuyên gia VDSC nhấn mạnh.

Theo đó, công ty chứng khoán này hy vọng rằng khi đại dịch được kiểm soát, Việt Nam sẽ một lần nữa là điểm đến của dòng vốn FDI sau đại dịch. 

Có thể bạn quan tâm

  • Rào cản pháp lý ngăn logistics hút vốn FDI

    04:20, 23/09/2021

  • Chống dịch, vaccine, hồi phục kinh tế và đầu tư FDI

    16:22, 20/09/2021

  • “Giữ chân” dòng vốn FDI

    04:00, 18/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tình thế đảo chiều của "cuộc đua" thu hút doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO