Từ phía cơ quan quản lý, cần xem xét kỹ nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng để đảm bảo kích thích nền kinh tế và đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
>>Gỡ “nút thắt” tiếp cận tín dụng
Trong nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu đã có những bước thay đổi rõ nét. Đặc biệt ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã có 260 lần nâng lãi suất, khiến lãi suất của các đồng tiền trên thế giới đều rất cao, nhất là với đồng đô la Mỹ.
Từ đó, làm cho lạm phát Mỹ có hạ nhiệt nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, đồng thời đẩy giá đồng tiền các nước thấp xuống, khiến nhiều quốc gia buộc phải nâng lãi suất, dẫn đến quá trình sản xuất kinh doanh của hầu hết các nước trên thế giới chậm lại.
Trở lại câu chuyện của những tháng cuối năm 2022, việc tiêu dùng của người dân cũng như nhu cầu để tích trữ sản xuất đều giảm đi, vì thế, hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Đến đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng, dù quá trình tìm kiếm thị trường và khắc phục có sự tiến bộ, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn hết sức trì trệ.
Cùng với đó, cũng có những vấn đề khác xảy ra khiến nền kinh tế khó khăn đó là lĩnh vực cung ứng vốn. Nếu tăng trưởng tín dụng năm 2022 được xem là tương đối tốt, hơn 14%, thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cuối năm 2022 gần như đóng băng, các doanh nghiệp đều không phát hành được dẫn đến dòng vốn cho doanh nghiệp khan hiếm. Kết hợp với bối cảnh lãi suất tăng cao, doanh nghiệp càng thêm khó trong việc tổ chức tìm kiếm các nguồn vốn khác.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, thì từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2023, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ quay trở lại, chiếm khoảng 70% số lượng trái phiếu phát hành được trong quý 1. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng có sự nắm bắt lại thị trường, mở rộng thị trường mới, giúp các đơn hàng dần tăng lên và từ cuối tháng 3 trở đi, có thêm nhiều hy vọng phục hồi hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp.
>>Ưu tiên tăng trưởng: Cần đẩy mạnh thu hút dòng vốn ngoại
Một điểm nhấn lớn trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là các tập đoàn, tổng công ty lớn trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, đầu tàu trong việc dẫn dắt nền kinh tế đất nước và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Hiện chúng ta đang có 19 tập đoàn thuộc 16 ngành nghề, điển hình như tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hay các tập đoàn về lâm nghiệp,...
Thời gian qua, giá nguyên vật liệu, giá dầu thô tăng, các chi phí khác như Logistics, bảo hiểm cũng tăng, khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bị đội lên. Đồng thời trong điều kiện nền kinh tế thế giới bất ổn, lạm phát cao, mặc dù những tập đoàn này có sự chuẩn bị và được Nhà nước hỗ trợ một phần về vốn, về các yếu tố khác, nhưng họ cũng không tránh được khó khăn do chi phí vốn vay bằng ngoại tệ cũng rất lớn. Chủ yếu các doanh nghiệp vay bằng đồng USD để đi thanh toán chi phí nguyên nhiên vật liệu hàng hóa đầu vào, vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.
Thực tế, Chính phủ, các Bộ ban ngành luôn mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn để phát huy vai trò của mình, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế hồi phục, phát triển. Nếu nhìn đồng bộ, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp này trên mặt trận kinh tế, Việt Nam vẫn giữ ổn định và có được mức tăng trưởng tương đối cao trong năm 2022 và tạo nền tảng cho sự phát triển của năm 2023.
Để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung có thể bứt tốc trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm, chúng tôi cho rằng, thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định giá trị VND, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp, góp phần làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.
Thứ hai, đối với Bộ Tài chính, cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn.
Thứ ba, nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, ổn định cơ cấu tổ chức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo dựng niềm tin để phục hồi sự tăng trưởng và phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp nền kinh tế có kênh huy động vốn trung và dài hạn ổn định, công khai, minh bạch.
Thứ tư, các doanh nghiệp cần nắm bắt lại thị trường trong nước, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng trong quý 1/2023 khoảng 15%, như vậy tốc độ tiêu dùng của người dân Việt Nam đang tăng trưởng khá mạnh. Các doanh nghiệp cần coi việc nắm bắt thị trường Việt Nam là chiến lược, là cứu cánh cho mình. Đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm.
Việc liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành nghề cần đi vào nề nếp để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Bài toán chuỗi sản xuất kinh doanh và công nghiệp hóa nông nghiệp phải đi liền với nhau, khi đó, giá trị mới gia tăng và phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
21:36, 09/05/2023
12:11, 09/05/2023
05:30, 09/05/2023
04:00, 09/05/2023