Ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng cần trao “thượng phương bảo kiếm“ cho tổ công tác 304 để họ có đủ thẩm quyền xử lý tại trận.
Vai trò yếu vì thiếu thẩm quyền
Tại thời điểm này, như Thủ tướng Chính phủ nói “chống dịch như chống giặc”, trọng tâm là khẩu trang, thuốc sát trùng. Các đối tượng đã lợi dụng lúc thị trường khan hiếm để đầu cơ, tích trữ, làm hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng… gây bất ổn thị trường. Việc truy quét những đối tượng này là trách nhiệm của Quản lý thị trường.
Có thể bạn quan tâm
17:15, 17/02/2020
02:00, 02/02/2020
14:24, 01/02/2020
11:36, 31/01/2020
Với trọng trách quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo thành lập ngay Tổ quản lý thị trường, thuộc Tổng Cục quản lý thị trường. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Hùng, Tổ 304 cần phải do Bộ trưởng chỉ đạo thì mới thực sự có quyền hạn. Nếu Tổ 304 thuộc Tổng cục quản lý thị trường thì không đủ vị thế phối hợp với các ban ngành có liên quan. “Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ 304 theo quyết định thành lập chỉ đi chỉ đạo, giám sát các đơn vị trong ngành thì thẩm quyền rất hạn chế, thậm chí chỉ là hữu danh vô thực”, ông Hùng bày tỏ.
Ông Hùng chia sẻ, muốn Tổ 304 hoạt động hiệu quả thì phải bổ nhiệm Tổ trưởng kiêm Tổng Cục phó tổng cục quản lý thị trường thì mới đủ danh phận để làm việc. “Cá nhân tôi được trực tiếp Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ định làm tổ trưởng, nhưng vẫn chưa được phân công và có quyết định bổ nhiệm công tác thì sẽ rất khó làm việc”, ông Hùng cho biết.
Về vụ việc làm giả khẩu trang y tế tại Bắc Ninh, ông Hùng cho biết, trước vấn đề nghiêm trọng này, Tổ 304 đã báo cáo trực tiếp Tổng Cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường và được chỉ đạo cho kiểm tra. Vụ việc đã được Tổ 304 xử lý rất trách nhiệm, đúng thủ tục trình tự, nhưng vì thẩm quyền không có đã dẫn đến tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Bản thân ông Hùng cũng chỉ có nhiệm vụ là chỉ đạo và giám sát.
Qua vụ việc này đã bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý thị trường, ông Hùng cho biết sẽ báo cáo lên lãnh đạo Bộ CôngThương. Nếu thực sự muốn Tổ 304 mạnh thì phải bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Tổ, khi người đứng đầu có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm thì hiệu quả công việc mới cao. “Nếu không được giao đầy đủ chức năng và đúng thẩm quyền, tôi sẽ xin từ chức và cũng nên giải thể Tổ”, ông Hùng thẳng thắn.
Ông Hùng cho rằng, để chống nạn hàng giả, hàng nhái thì không thể xử lý theo tinh thần…nội bộ. Phải công khai, minh bạch, người dân và báo chí cùng giám sát. Khi người dân tin tưởng cơ quan quản lý nhà nước, họ sẽ chủ động tố giác tội phạm. Và khi nhận được tin báo, cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc mạnh mẽ, không thể để người dân, báo chí cung cấp thông tin, còn cơ quan công quyền lại “thờ ơ”.
Bất cập ‘trên bảo dưới không nghe”
Ông Hùng cho biết, đã cùng tổ công tác và các cán bộ Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) thống nhất rất rõ rằng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị Quốc Bảo (thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) làm bao bì không đúng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Ngay tại gầm cầu thang nhà ngoài của trụ sở Công ty Quốc Bảo có rất nhiều thùng chứa vỏ bao bì quảng cáo là khẩu trang kháng khuẩn cao cấp. “Với cá nhân tôi, đây là một sai phạm nghiêm trọng”, ông Hùng nói.
Tại hiện trường, ông Hùng đã chỉ đạo kiểm tra xử lý, lập biên bản thu giữ các khẩu trang thành phẩm này. Đặc biệt các bao bì ghi khẩu trang kháng khuẩn cũng yêu cầu lập biên bản thu giữ để tiêu huỷ. Tuy nhiên, quản lý thị trường tại địa phương lại cho rằng, do Giám đốc Công ty Quốc Bảo đi vắng nên yêu cầu phản ánh đúng hiện trạng, ngày hôm sau sẽ xử lý. “Nếu tôi được quyền ra quyết định thì tôi ký ngay quyết định kiểm tra tại chỗ”, ông Hùng bức xúc nói.
Vẫn theo ông Hùng, trước khi xuống kiểm tra Công ty Quốc Bảo, Tổ công tác đã làm việc với ông Vũ Mạnh Hải, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh. Ông Hải nói rằng đã có nhiều đoàn công tác đã kiểm tra cơ sở sản xuất này, để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp phát triển thì chỉ nói là xuống xác minh thông tin, nắm tình hình thực tế tại cơ sở theo như phản ánh của phóng viên. Vì vậy, ông Hải nói không nên ra quyết định kiểm tra đột xuất.
“Tôi nhất trí quan điểm, nếu doanh nghiệp làm tốt thì phải được bảo vệ. Thế nhưng, đó là đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ đúng pháp luật, sản xuất hàng hoá đảm bảo chất lượng. Còn nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện sai phạm thì phải tiến hành xử lý đúng theo trình tự quy định của pháp luật”, ông Hùng bày tỏ.
Theo Quyết định số 416/TCQLTT ngày 4/3/2020, việc thành lập tổ công tác 304 nhằm giúp Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương theo dõi, chỉ đạo giám sát các cục, đội quản lý thị trường trong hoạt động, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin từ đơn thư phản ánh, làm căn cứ kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với những cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, kháng khuẩn, có dấu hiệu vi phạm nhằm trục lợi trong đợt dịch COVID-19.
Khi tổ công tác 304 và Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) có mặt cùng đại diện lãnh đạo của Cục QLTT tỉnh và cán bộ chức năng thuộc đội QLTT quản lý địa bàn tại cơ sở sản xuất bị đơn thư phản ánh sai phạm, bằng trực quan và kinh nghiệm, họ thấy đúng là có “chuyện lớn”. Nhưng không hiểu sao, chính chi cục QLTT địa phương này, dù đã tiến hành lập biên bản lại cố ý để chủ cơ sở sản xuất phi tang vật chứng bằng cách nại ra cớ Giám đốc không có nhà nên không có ai ký biên bản. Như vậy, quyết định của quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh có đi ngược lại Quyết định số 416 hay không?.
Báo DĐDN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.