Tôi chưa bao giờ hạnh phúc

TRẦN GIANG 17/10/2020 15:27

Dù Tân Hiệp Phát cho đến ngày nay đã trở thành một trong ba doanh nghiệp sản xuất đồ uống hàng đầu Việt Nam, nhưng ông Trần Quí Thanh vẫn nói rằng ông không thấy hạnh phúc.

Không bao giờ bằng lòng với những gì mình có, luôn miệt mài đi tìm kiếm những thành công mới và điều đó không bao giờ làm cho ông “hạnh phúc”.

Không bao giờ bằng lòng với những gì mình có, luôn miệt mài đi tìm kiếm những thành công mới và điều đó không bao giờ làm cho ông “hạnh phúc”.

Bởi ông không bao giờ bằng lòng với những gì mình có, thách thức càng lớn ông càng thích thú, ông luôn miệt mài đi tìm kiếm những thành công mới. Và điều đó không bao giờ làm cho ông hạnh phúc.

Khi chưa gặp ông, tôi nghĩ Trần Quí Thanh là một người độc đoán, chỉ biết công việc không quan tâm tới vợ con, gia đình. Có vậy cô con gái cả Trần Uyên Phương đã từng có lần khuyên mẹ mình ly dị bố. Nhưng tới dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày cưới vợ chồng ông, tôi bắt đầu có linh cảm hay mình chưa hiểu hết con người này?

- Thành công của Tân Hiệp Phát đến ngày hôm nay, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất?

Tôi nghĩ là nhờ cả một quá trình tích luỹ và có cả may mắn. Vì khi đó (đầu những năm 90 của thế kỷ trước) đất nước đang sống trong môi trường khoa học kỹ thuật trong nước chưa phát triển, kinh tế chưa mở cửa, máy móc thiết bị rất khó mua.

Tuy nhiên, may mắn là chúng tôi có cơ hội gặp được Công ty Bia Sài Gòn thanh lý 5 dây chuyền bán phế liệu. Đây là những máy móc thiết bị đã hoạt động hơn 50 năm rồi, gần như năng suất từ 25 nghìn chai/giờ thì chỉ còn có 7 nghìn chai/giờ. Cho nên Nhà nước thanh lý đi. Thanh lý nhưng không muốn nguyên dây chuyền nên họ rã dây chuyền ra, bán các phần nhỏ từ nhiều nhà kho khác nhau, bán theo kí, bán từ những bộ phận quan trọng nhất cho tới những chi tiết đơn giản như ốc vít cho bãi phế liệu. Tôi tham gia đấu giá với tư cách người mua phế liệu và mua với giá khoảng 1,2 tỷ đồng.

Sau đó, chúng tôi đã tổng hợp đủ các thành phần,vẫn lắp ráp thành công và sử dụng dây chuyền đó một thời gian. Dây chuyền sản xuất có khả năng sản xuất 1 triệu lít bia mỗi năm đã được mua với giá 1,2 tỷ đồng. Đây là bước khởi đầu thành công của Tân Hiệp Phát mà tôi nghĩ là do có yếu tố may mắn.

Ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát bên dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại.

Ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát bên dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại.

- Ông rút ra bài học gì từ vụ con ruồi?

Như chúng ta đều biết, Tân Hiệp Phát xuất phát từ con số 0, từ vốn, thương hiệu, quản trị, và kể cả truyền thông. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải mày mò tự học hàng ngày, ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua.
Thú thực, lần đầu tiên vướng vào chuyện con ruồi “chui” vào chai nước, tôi không nghĩ sức mạnh của truyền thông lại ghê gớm vậy. Bất kỳ việc gì, nếu truyền thông và dư luận mà nói nhiều về việc đó thì nó trở thành sự thật. Bây giờ công bằng nhìn nhận lại, tôi nghĩ là trong 100 người hồi đó quan tâm đến vụ “con ruồi”, thì có khoảng 20% là chống Tân Hiệp Phát, ghét Tân Hiệp Phát (vì những lý do khác nhau), 40 – 50% là ủng hộ, chia sẻ với chúng tôi. Còn 30% còn lại thì không chống cũng không ghét, nhưng nghe nhiều thì cuối cùng họ lại tưởng đó là sự thật.

Vụ con ruồi ồn ào vì những người chống đối rất tích cực, thậm chí được thuê. Trong khi những người ủng hộ mình lại không muốn lên tiếng, sợ bị chửi, còn những người không biết thì nghe nhiều cũng tin.

Tôi khát vọng mỗi ngày sống một cách trọn vẹn để mang đến nhiều thành tích, đóng góp cho xã hội.

Sau vụ con ruồi đó, tôi hiểu được lý do vì sao người ta tin. Lỗi do mình không truyền thông. Trước đó, mọi người chỉ biết về sản phẩm, chứ không biết đến Tân Hiệp Phát, không biết Dr Thanh là ai. Mình không nói thì ai biết, ai hiểu.

Nên sau vụ đó, tôi rút ra rất nhiều bài học về quản lý rủi ro truyền thông, tổ chức bộ máy truyền thông, mở website để chia sẻ với khách hàng, tạo lượng fan hâm mộ cho mình và đến nay chúng tôi cũng đã có được vài triệu fan.

Người bạn đời giống như một người đồng chí để chia sẻ, hỗ trợ nhau và mang lại hạnh phúc cho nhau.

Người bạn đời giống như một người đồng chí để chia sẻ, hỗ trợ nhau và mang lại hạnh phúc cho nhau.

- Ông có nói về mục tiêu hướng tới của Tân Hiệp Phát là trở thành công ty hàng đầu Châu Á về nước giải khát. Liệu Tân Hiệp Phát có thể đạt được mục tiêu đó không nếu vẫn giữ mô hình công ty gia đình?

Tôi nghĩ công ty gia đình tốt hơn công ty đại chúng. Vì Khi công ty gặp khó khăn thì sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức để vực dậy.

Công ty gia đình có nhiều loại, những công ty gia đình quy mô bé quá thì chưa quản trị tốt nên có thể mọi người ấn tượng không tốt. Nói là công ty gia đình nhưng không phải 100% là người của gia đình. Công ty gia đình là công ty mà một nhóm người sở hữu tỷ lệ % vốn đủ để đưa ra những quyết định quan trọng đến vận mệnh công ty.

Công ty gia đình là công ty sở hữu trên tinh thần gia đình nhưng quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, các công việc, nhân sự được sắp xếp đúng, đúng người đúng vị trí. Không phải vì là con mình thì đưa vào vị trí điều hành, nếu không đủ năng lực vẫn cắt chức, làm được thì làm, người thuộc gia đình mình không làm được mà có tiền thì cho làm thành viên HĐQT.

Vấn đề nguy hiểm nhất của việc đưa doanh nghiệp gia đình lên sàn chứng khoán đó là nếu ta quản trị chưa tốt, tinh thần gia đình trong công ty chưa cao, rất dễ xảy ra nguy cơ một ngày có thể đối tác nào đó sẽ nhảy vào mua đủ lượng cổ phần để tham gia quản trị, chi phối hoạt động khiến công ty trở nên mất kiểm soát.

Theo tôi, công ty gia đình vẫn tốt hơn phi gia đình và nếu có quyết định đưa công ty lên sàn chứng khoán chỉ là do muốn huy động thêm vốn.

Hay như Heineken cũng là công ty gia đình tồn tại hơn 150 năm. Họ lên sàn chứng khoán để huy động thêm vốn, nhưng tỷ lệ sở hữu mang tính quyết định vẫn nằm trong tay một nhóm người.

Công ty Heineken được thành lập năm 1864 bởi chàng trai Gerard Adriaan Heineken trên cơ sở mua lại từ một nhà máy bia có tên là De Hooiberg (Haystack) tại thành phố Amsterdam, Hà Lan. Khi đó Gerard Adriaan Heineken mới 22 tuổi. Năm 1873 sau khi thuê Tiến sĩ Elion (sinh viên của Louis Pasteur) phát triển cho Heineken một loại men cho quá trình lên men đáy Bavaria, công ty HBM (Heineken’s Bierbrouwerij Maatschappij) đã được thành lập, và bia thương hiệu Heineken đầu tiên được sản xuất.

- Ông nghĩ thế nào về hôn nhân?

Quan trọng nhất là tự thách thức bản thân, đặt mục tiêu rất thách thức và nỗ lực thực hiện để đem về thành quả cho người thân yêu, gia đình.

 Hôn nhân vừa là duyên, vừa là định mệnh mà chúng ta phải có một sự chọn lựa. Bởi vì hôn nhân là mình chọn người bạn đời để cùng nhau thực hiện hoài bão, mục tiêu của cuộc sống. Cho nên mình phải chọn một người bạn đời giống như một người đồng chí để chia sẻ, hỗ trợ nhau và mang lại hạnh phúc cho nhau.

Việc chọn một người bạn đời cũng phải dựa vào cái mình cho là giá trị cốt lõi để hai người phù hợp với nhau, bổ sung cho nhau. Khi người đàn ông gặp khó khăn, thách thức người vợ có thể bổ sung, hỗ trợ và ngược lại thì mới tạo ra được sự bền vững.

Tôi khát vọng mỗi ngày sống một cách trọn vẹn để mang đến nhiều thành tích, đóng góp cho xã hội. Tôi không quan trọng chuyện hạnh phúc mà quan trọng là thành tích, cho nên là đuổi theo mục tiêu lớn.

Tôi giáo dục con cái là khi cưới vợ gả chồng không phải đi tìm người yêu, mà là tìm bạn đời. Tìm người chia ngọt sẻ bùi, nói nôm na kiểu “cách mạng” là tìm đồng chí. Hai người phải cùng chung chí hướng để bổ sung cho nhau, chứ không phải cưới vợ chỉ để yêu đương. Và tôi tự hào mình đã chọn đúng.

Gia đình chỉ chiếm 30% thời gian của mình thôi nhưng cũng chỉ nên dành 70% cho sự nghiệp.

Gia đình chỉ chiếm 30% thời gian của mình thôi nhưng cũng chỉ nên dành 70% cho sự nghiệp.

- Quan điểm của giới trẻ và nhiều người là “có sự nghiệp thì phải đánh đổi gia đình. Theo ông điều này có đúng không? Làm thế nào để có được cả hai?

Không nên đưa ra những tình huống quá là cực đoan. Tôi không nghiêng hẳn một bên nào mà phải cân bằng cả hai: gia đình và thành công. Sau khi cân bằng rồi, tôi hơi nặng về thành công một chút. Thành công rồi ta lại quay ngược về hạnh phúc gia đình.

Nhưng gia đình chỉ chiếm 30% thời gian của mình thôi, bởi vì đối với gia đình vẫn dễ hơn vì ta chỉ xử lý những chuyện nằm trong tầm tay. Còn những yếu tố bên ngoài là yếu tố chúng ta không thể xác định và thách thức nhiều hơn. Nhưng cũng chỉ nên dành 70% cho sự nghiệp, cho thành công thôi, vì không thể dồn hết sức cho thành công đến độ nhiều tiền không biết tiêu xài thế nào hay sụp đổ gia đình lúc nào không biết.

- Tại sao ông lại chọn lựa cuộc sống dấn thân và khát khao chinh phục khẳng định thành công trên thương trường? Điều này khiến cho ông mỗi ngày dành 16h cho công việc và không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái và nghỉ ngơi. Cuộc sống như vậy ảnh hưởng thế nào tới 3 người con của ông?

Tôi cũng thường chia sẻ, cái quan trọng nhất là tự thách thức bản thân, đặt mục tiêu rất thách thức và nỗ lực thực hiện để đem về thành quả cho người thân yêu, gia đình.

Đối với việc giáo dục con cái thì tôi luôn phải làm gương và 3 người con của tôi cũng đã học tập, bắt chước nên đều làm việc rất nhiều cũng như trang bị cho mình năng lực để đương đầu với cuộc sống.

Tôi thường nói với các con mình mỗi ngày chỉ có 24h, trong đó để phục hồi sức khỏe mất hết 8h, còn lại có 16h thôi. Trong 16 tiếng này thì có 8 tiếng là phải lao động để được sống, 8h còn lại chúng ta dành 4h để đi lại, ăn uống nên còn lại chỉ có 4h.

Người ta chỉ hơn nhau có 4h này thôi, vì vậy các con dùng 4h này vào mục đích gì thì các con sẽ nổi trội về mục đích đó. Nếu con dùng 4h này đi uống cà phê thì các con sẽ trở thành vua uống cà phê, nếu các con làm việc thì sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn người khác, nếu dùng để trau dồi kiến thức, đọc sách thì con sẽ rất là uyên bác.

May mắn là các con tôi làm việc rất đam mê, chăm chỉ, tự trang bị năng lực bản thân và cũng không có nhiều nhu cầu vật chất để phục vụ cá nhân.

- Xin cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tôi chưa bao giờ hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO