Chính sách - Quy hoạch

Tối ưu cơ sở dữ liệu đất đai

Nguyễn Quang Huy (*) 14/07/2025 14:32

Cơ sở dữ liệu đất đai là điều kiện tiên quyết để mở đường cho hàng loạt cải cách quan trọng liên quan đến minh bạch thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, cần nhiều giải pháp đồng bộ để hệ thống này thực sự phát huy vai trò hạ tầng số quốc gia.

csdl2.jpg
Bộ phận "một cửa" tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng

Luật Đất đai 2024 đặt ra yêu cầu mới về việc xây dựng bảng giá đất hàng năm, trong đó giá đất phải bám sát giá thị trường và có tham khảo dữ liệu giao dịch thực tế. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả yêu cầu này, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai là điều kiện tiên quyết.

Tăng nguồn thu ngân sách từ đất

Trước hết, cơ sở dữ liệu đất đai cung cấp thông tin lịch sử về các giao dịch bất động sản, mục đích sử dụng đất, loại đất và vị trí thửa đất. Đây là những yếu tố then chốt để xác định giá đất một cách chính xác và hợp lý. Không có dữ liệu đầy đủ, việc xác định giá đất sẽ dễ rơi vào tình trạng chủ quan, thiếu căn cứ và dễ bị tác động bởi lợi ích cục bộ.

Thứ hai, dữ liệu số hóa đồng bộ sẽ tạo điều kiện để áp dụng các mô hình định giá đất tự động như nhiều quốc gia phát triển đang sử dụng. Đây là công cụ cho phép định giá nhanh, khách quan, dựa trên thuật toán xử lý dữ liệu lớn, giúp giảm thiểu sự can thiệp mang tính chủ quan hoặc hành chính vào quá trình định giá.

Quan trọng hơn, một cơ sở dữ liệu đất đai được cập nhật đầy đủ và kết nối mở còn là nền tảng để thực hiện công khai hóa thông tin và giám sát xã hội. Khi người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin giá đất, so sánh giữa bảng giá Nhà nước ban hành và giá thực tế trên thị trường, họ sẽ có thêm cơ sở để giám sát tính minh bạch của chính sách, góp phần tạo dựng sự đồng thuận xã hội trong việc sử dụng và phân bổ nguồn lực đất đai. Ngược lại, nếu thiếu dữ liệu hoặc dữ liệu không chính xác, bảng giá đất rất khó phản ánh đúng diễn biến của thị trường. Dữ liệu sai không những gây thất thoát nguồn thu ngân sách, mà còn làm méo mó các quyết định đầu tư, mất công bằng giữa các nhóm đối tượng sử dụng đất.

Thực tế cho thấy các địa phương đang gặp không ít khó khăn, trước hết là do chất lượng hồ sơ địa chính giữa các địa phương không đồng đều. Ở nhiều nơi, hồ sơ vẫn lưu trữ dưới dạng giấy, có sai lệch thông tin hoặc thiếu dữ liệu gốc, gây khó khăn trong quá trình số hóa và cập nhật; cũng như ảnh hưởng lâu dài đến độ chính xác và tính tin cậy của hệ thống dữ liệu chung.

Một khó khăn lớn khác là tình trạng thiếu liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, trong các lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, xây dựng, tài chính, thuế… Điều này dẫn đến tình trạng dữ liệu đất đai bị phân mảnh, thiếu tính đồng bộ và không thể sử dụng làm nền tảng chung trong việc hoạch định chính sách hay phục vụ người dân. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ phụ trách tại các địa phương chưa đồng đều; kinh phí dành cho công tác số hóa bản đồ địa chính còn hạn chế, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa.

Một khi vẫn còn các địa phương chưa được hỗ trợ đầy đủ về kỹ thuật, nhân lực và nguồn lực tài chính, thì tiến độ số hóa cơ sở dữ liệu đất đai toàn quốc sẽ còn chậm, ảnh hưởng đến kết quả chung. Do đó, cần có một chiến lược tổng thể, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và cả khu vực tư nhân.

Giải pháp đột phá

Để cơ sở dữ liệu đất đai không chỉ được hoàn thiện mà còn thực sự “sống”, cần xây dựng một hệ sinh thái quản trị dữ liệu đồng bộ, liên ngành và minh bạch. Có thể khái quát thành một số nhóm giải pháp căn bản như sau:

Trước hết, cần thể chế hóa trách nhiệm cập nhật dữ liệu. Nghĩa là mỗi cấp chính quyền, mỗi cơ quan liên quan từ cấp xã đến các đơn vị như ngành thuế, nông nghiệp và môi trường, xây dựng phải được quy định rõ ràng về trách nhiệm cập nhật dữ liệu đất đai định kỳ, đặc biệt khi có phát sinh biến động.

Thứ hai, Việt Nam cần đầu tư xây dựng hạ tầng dữ liệu số quốc gia hiện đại, không chỉ riêng cho đất đai, mà là một nền tảng có khả năng tích hợp với các cơ sở dữ liệu lớn khác như dữ liệu dân cư (Bộ Công an), dữ liệu thuế (Cục Thuế), dữ liệu tài sản công (Bộ Tài chính), hay thông tin quy hoạch, xây dựng... Khi các hệ thống này liên thông với nhau, Nhà nước sẽ có được bức tranh đầy đủ và liên kết về tài sản, dân cư và giao dịch, phục vụ hiệu quả cho quản trị và hoạch định chính sách.

Thứ ba, cần mạnh dạn ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI và blockchain trong quản trị dữ liệu đất đai. AI có thể giúp phân tích, phát hiện sai lệch và tự động cập nhật từ các nguồn giao dịch. Blockchain, với đặc tính bảo mật và không thể sửa đổi, có thể tăng độ tin cậy và minh bạch của dữ liệu, giảm nguy cơ can thiệp thủ công hoặc làm sai lệch thông tin.

Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế kiểm tra chéo và công khai hóa thông tin một cách có chọn lọc. Khi người dân, doanh nghiệp được phép truy cập và đối chiếu thông tin về quyền sở hữu, quy hoạch hay biến động đất đai, họ sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch, đồng thời chính họ trở thành kênh giám sát hiệu quả, góp phần phát hiện sai sót, tránh lợi ích nhóm và trục lợi chính sách..

(*) CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tối ưu cơ sở dữ liệu đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO