Từ ngày 25-27/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Macron đến Việt Nam trên cương vị Tổng thống, là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được hai nước chính thức thiết lập vào tháng 10/2024.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được chọn làm điểm đến đầu tiên trong hành trình ba nước Đông Nam Á của Tổng thống Pháp, trước Indonesia và Singapore. Việc ưu tiên Hà Nội thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Paris đối với Việt Nam, một đối tác ngày càng có vai trò chiến lược trong khu vực.
Trên nền tảng quan hệ ngoại giao được thiết lập từ năm 1973, hợp tác Việt - Pháp không ngừng mở rộng và làm sâu sắc qua nhiều giai đoạn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Pháp tháng 3/2018. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Pháp tháng 11/2021. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10/2024 là bước ngoặt lớn, mở ra một chương mới trong quan hệ song phương khi hai nước ra tuyên bố nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện - cấp độ cao nhất mà Pháp từng thiết lập với một quốc gia Đông Nam Á.
Không chỉ là bước đi mang tính biểu tượng, chuyến thăm của Tổng thống Macron lần này được trông đợi sẽ cụ thể hóa hàng loạt cam kết chiến lược, tạo đòn bẩy mới cho hợp tác đa lĩnh vực giữa hai bên.
Kinh tế luôn là trụ cột then chốt trong quan hệ Việt - Pháp. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,42 tỉ USD, tăng gần 13% so với năm 2023, bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu. Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam sau Hà Lan, Đức, Anh và Ý. Trong khi đó, với 700 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 3,95 tỉ USD, Pháp giữ vị trí thứ 16/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, Pháp luôn duy trì vị thế là một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu từ châu Âu cho Việt Nam, với trọng tâm là các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, công nghiệp xanh và tài chính. Đây đều là những lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam, nhất là trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm và số hóa.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Macron được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng hợp tác mới, trong đó tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và liên kết doanh nghiệp hai nước. Những chương trình xúc tiến đầu tư, diễn đàn doanh nghiệp dự kiến diễn ra bên lề chuyến thăm sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm thấy tiếng nói chung, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, y tế, giáo dục và khởi nghiệp.
Không chỉ là mối quan hệ giữa hai chính phủ, hợp tác Việt - Pháp còn được nuôi dưỡng bởi mối giao lưu nhân dân, cộng đồng kiều dân và mạng lưới tri thức hai chiều. Pháp là một trong những quốc gia thu hút nhiều du học sinh Việt Nam nhất tại châu Âu, với hàng chục nghìn sinh viên đang học tập tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Pháp.
Chương trình hợp tác giáo dục, trao đổi văn hóa, liên kết giữa các địa phương hai nước đã trở thành cầu nối gắn kết nhân dân, góp phần tạo nền tảng xã hội vững chắc cho mối quan hệ song phương. Các trung tâm văn hóa, viện Pháp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... là những điểm sáng trong giao lưu văn hóa và thúc đẩy học tiếng Pháp tại Việt Nam.
Chuyến thăm của Tổng thống Macron được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa các chương trình học bổng, trao đổi học thuật, đồng thời mở rộng các sáng kiến giao lưu nhân dân, tạo điều kiện để giới trẻ hai nước hiểu biết và hợp tác sâu rộng hơn.
Có thể khẳng định, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Emmanuel Macron và Phu nhân tới Việt Nam không đơn thuần là hoạt động đối ngoại ở cấp cao nhất, mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết chiến lược giữa hai quốc gia có lịch sử tương tác lâu dài và tầm nhìn tương lai tương đồng.
Đây là thời điểm quan trọng để hai nước không chỉ củng cố những nền tảng đã có, mà còn vạch ra những hướng đi mới, chủ động và toàn diện hơn, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ định hình lại trật tự mới. Trong dòng chảy đó, quan hệ Việt - Pháp không chỉ dừng ở hợp tác song phương, mà còn góp phần định hình tương lai khu vực và toàn cầu.