Nghị quyết 128/NQ-CP và sự linh hoạt các giải pháp không chỉ giúp cho TP HCM thích ứng, đi tới những quyết tâm mới, mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp, người dân yên tâm khi phục hồi sản xuất.
Đó là nhận định của PGS. TS. Dương Hoa Xô - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TP.Hồ Chí Minh, liên quan đến Nghị quyết 128/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", áp dụng với TP HCM.
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết 128/NQ-CP đối với TP HCM trong bối cảnh hiện nay?
Có thể nói, kể từ khi đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, TP HCM đã trải qua một giai đoạn phải nói là "khốc liệt" chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, một tín hiệu rất mừng là Thành phố đã kiểm soát được dịch và chúng ta đang từng bước để bước sang một giai đoạn "bình thường mới”. Và việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", ở thời điểm hiện nay có nhiều ý nghĩa. Đây là văn bản đáp ứng kịp thời về chống dịch trong tình hình mới và tháo gỡ những ách tắc, khó khăn trong giai đoạn vừa qua.
Một thực tế không thể phủ nhận đối với TP HCM - đầu tàu kinh tế cả nước, nhưng bị phong toả, đình trệ vì đại dịch COVID, thì việc ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung là điều dễ hiểu. Do đó, việc ban hành kịp thời Nghị quyết 128 của Chính phủ trong tình hình mới không chỉ giúp cho Thành phố khởi động lại con tàu để đi tới với những quyết tâm mới, mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân một cảm giác an toàn, yên tâm khi trở lại với công việc phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế.
- Vậy, TP HCM phải chuẩn bị những gì để Nghị quyết 128 phát huy tác dụng, thưa ông?
Tôi cho rằng Thành phố phải bắt tay ngay vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có việc thu hút lại lao động tại các tỉnh sau đợt dòng người hồi hương vừa qua. Bên cạnh đó, TP HCM cần tháo gỡ ngay những ách tắc trong vận chuyển lưu thông hàng hoá từ Thành phố đi các tỉnh và ngược lại. Có chỉ đạo hướng dẫn ngay phương thức hoạt động mới cho các ngành kinh doanh dịch vụ tại Thành phố, trên cơ sở hỗ trợ mà vẫn đảm bảo an toàn chống dịch.
Đặc biệt, Thành phố cần trao đổi thống nhất với các tỉnh về việc đi lại, mở cửa lưu thông hàng hoá trên cơ sơ chỉ đạo của Nghị quyết 128, của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành nghiêm chỉ đạo từ Chính phủ, không để xảy ra tình trạng cát cứ, mỗi địa phương ban hành, chỉ đạo một kiểu như thời gian vừa qua.
Và một vấn đề hết sức quan trọng nữa là: cần phải xem vacxin vẫn là yếu tố quyết định trong tình hình mới, vì vậy ngoài việc nhanh chóng hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn bộ người dân, thì cần có ưu tiên cho lao động từ các tỉnh đến làm việc tại Thành phố. Bởi, kinh nghiệm mở cửa của nhiều nước trên thế giới trong thời gian vừa qua cho thấy, khi mở cửa kinh tế thì số ca nhiễm sẽ tăng. Do đó, nếu không thống nhất việc hiểu Nghị quyết 128 theo hướng lấy ưu tiên bảo vệ tính mạng của người dân làm trọng tâm, thì khi địa phương thấy số ca nhiễm tăng nhiều, chắc chắn địa phương sẽ lo sợ, lúng túng và có thể sẽ lại tiếp tục thắt chặt lưu thông, hạn chế mở cửa các ngành nghề kinh tế như trong thời gian vừa qua.
- Theo ông, giải pháp lâu dài để người dân, doanh nghiệp thích ứng với “bình thường mới” và Nghị quyết 128 đi vào cuộc sống thì TP cần có những hành động cụ thể gì?
Theo tôi, trước tiên bộ máy hành chính của TP phải làm việc với tinh thần mới, cải cách triệt để, đơn giản hoá thủ tục, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính.
Về lâu dài, Thành phố phải xây dựng và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới: từ việc phát triển nền sản xuất công nghệ cao, kỹ thuật số với hàm lượng chất xám cao, số lượng lao động thấp, đến việc lo an sinh xã hội, xây dựng lại mạng lưới y tế cơ sở đủ sức đối phó với đại dịch tương tự, đặc biệt là đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý mà qua đợt dịch vừa rồi biểu hiện sự lúng túng, yếu kém, thậm chí là cửa quyền…
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa TP với các bộ ngành trung ương để đạt được yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 128. Bởi, các Bộ ngành đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng chính sách hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết 128 thì bản thân họ phải là đơn vị hiểu rõ nhất về chuyên môn, chuyên ngành.
Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; Bộ Công an kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị; Bộ Giao thông vận tải xây dựng các hướng dẫn đi lại liên tỉnh… Vì vậy, nếu các bộ ngành này không tham gia, không có sự chia sẻ dữ liệu, phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn để có bức tranh đầy đủ nhất thì chính sách từ Trung ương đến địa phương sẽ rất khó nhất quán và thành công.
Vì vậy, nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp này, tôi tin rằng với một Thành phố năng động sáng tạo, đầy sức sống sẽ nhanh chóng phục hồi sau dịch, và sẽ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cả nước.
Có thể bạn quan tâm
15:25, 15/10/2021
02:00, 15/10/2021
00:06, 15/10/2021
04:10, 11/10/2021
05:00, 10/10/2021
11:00, 09/10/2021
08:41, 09/10/2021