Khởi nghiệp

TP HCM: Đề xuất cơ chế "một cửa" cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đình Đại 03/04/2025 15:44

Bất kỳ cá nhân hay nhóm nào có nhu cầu thành lập start-up sáng tạo tại TP HCM sẽ chỉ cần đến một điểm tiếp nhận duy nhất.

Nội dung trên được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP HCM Lâm Đình Thắng nêu tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TPHCM đến năm 2030 và Công bố chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025.

ông thăng
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Lâm Đình Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết, TP HCM đã xác định KH-CN, chuyên đổi số, đổi mới sáng tạo là chiến lược để phát triển Thành phố trong giai đoạn mới. Từ đầu năm đến nay, TP HCM đã ban hành hơn 10 kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức gần 10 hội thảo chuyên đề để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Thành phố mong muốn những người trong cuộc, chuyên gia, nhà khoa học góp ý để TP HCM đi nhanh và có hiệu quả, với mục tiêu trong vòng 5 năm tới, Thành phố có số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp đôi (hiện nay đang chiếm 50% so với cả nước), tỷ lệ chỉ ngân sách của Thành phố cho KH-CN chiếm 3% so với tổng chi ngân sách của cả thành phố, tỷ lệ bằng sáng chế của thành phố mỗi năm tăng từ 16-18%.

"Theo bảng xếp hạng của Startup Link, hiện TP HCM đang đứng vị trí thứ 111 trong số 1.000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu mà TP.HCM hướng tới không đơn thuần là thứ hạng, mà quan trọng hơn là cải thiện toàn diện môi trường đầu tư", ông Thắng cho biết.

Để làm được như vậy, ông Thắng cho rằng, TP HCM sẽ tập trung vào ba trụ cột chính sách hạ tầng - nguồn nhân lực. Về chính sách, TP HCM cần có những cơ chế thực sự mang tính "hấp dẫn", chứ không chỉ dừng lại ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cũng theo ông Thắng, một trong những ý tưởng đang được Thành phố nghiên cứu là mô hình "một cửa" chuyên biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, bất kỳ cá nhân hay nhóm nào có nhu cầu thành lập start-up sáng tạo tại TP HCM sẽ chỉ cần đến một điểm tiếp nhận duy nhất, nơi có cán bộ chuyên trách làm đầu mối liên kết với các sở, ngành liên quan để giải quyết mọi thủ tục.

“Một cửa không phải là vào một phòng có đầy đủ đại diện của các sở cùng ngồi đề rồi doanh nghiệp vẫn phải thông qua từng người. Thay vào đó, mô hình này hướng tới là một người tiếp nhận, theo dõi và chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ quy trình. Doanh nghiệp nộp hồ sơ một lần và nhận kết quả tại một nơi duy nhất", ông Thắng phân tích.

Để vận hành được cơ chế này, TP HCM sẽ phải tổ chức lại toàn bộ quy trình làm việc, quy định hành chính và phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các đơn vị, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và thực chất.

Về hạ tầng, TP HCM xác định cần đầu tư không những vào không gian làm việc, mà còn xây dựng mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, quỹ đầu tư và đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn hệ sinh thái.

Về nguồn nhân lực, TP HCM đang phối hợp với các trường đại học triển khai chương trình lớn mang tên "Đại học Khởi nghiệp", nhằm trang bị cho sinh viên tinh thần, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Ngoài ra, Thành phố cũng có kế hoạch bồi dưỡng và nâng cao năng lực khởi nghiệp cho người lao động và cộng đồng doanh nhân hiện hữu, thông qua việc kết nối với các cơ sở đào tạo, chương trình chuyên sâu và cơ chế hỗ trợ linh hoạt, thực chất”, ông Lâm Toàn Thắng nhấn mạnh.

ongbach.jpg
Ông Nguyễn Khắc Việt Bách - Giám đốc Quỹ đầu tư BlockBase bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt chương trình đào tạo chuyên sâu cho khởi nghiệp tại Việt Nam.

Góp ý trao đổi tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Việt Bách - Giám đốc Quỹ đầu tư BlockBase, bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt chương trình đào tạo chuyên sâu cho khởi nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Bách, hiện tại phần lớn các hoạt động vẫn chỉ dừng ở mức workshop ngắn hạn trong các trường đại học, trong khi nguồn lực đào tạo bài bản và dài hạn vẫn còn rất hạn chế, nhất là khi so với các nước phát triển như Mỹ hay Singapore.

"Nhà nước có thể cấp học bổng cho các trường đại học để mở các chương trình đào tạo quốc tế chuyên sâu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những sinh viên nhận học bổng cần cam kết sẽ khởi nghiệp trong nước sau khi tốt nghiệp, để tạo ra một hệ sinh thái có chiều sâu và mang tính bền vững", ông Bách đề xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUp nhận định, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 startup mới (tương đương khoảng 300-400 startup/năm) con số này không hề đơn giản. Theo thống kê của BambuUp, số lượng các startup của Việt Nam trong thời gian qua hầu như không có sự thay đổi, do vậy, thành phố cần đánh giá lại nguồn lực tạo ra startup. Trên thế giới, nguồn lực tạo ra startup đến từ cá nhân, viện trường và doanh nghiệp, tuy nhiên startup có chất lượng đa số đến từ các viện trường, doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, bà Nguyễn Hương Quỳnh cho rằng, TP HCM cần thiết lập lại định vị, chiến lược đổi mới sáng tạo rõ nét cho Thành phố (là nơi thử nghiệm công nghệ hay là Innovation lab cho một lĩnh vực cụ thể); tạo dựng bệ phóng đủ mạnh, đủ đa dạng cho các startup (chính sách, nguồn vốn); thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đây chính là đơn vị tham gia hỗ trợ và sử dụng các giải pháp, tạo ra thị trường cho startup; tối đa hóa kết nối quốc tế, nhằm thu hút nhân tài từ nước ngoài về Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM: Đề xuất cơ chế "một cửa" cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO