Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển Duy Tân (Công ty Duy Tân) vừa có đơn thư phản ảnh đến các cơ quan báo chí việc bị một đối tác làm ăn cố tình chây ỳ chiếm dụng đất trái pháp luật.
>>Cưỡng chế chủ đầu tư “chây ì” quỹ bảo trì
Theo đại diện của Công ty Duy Tân thì đơn vị mà họ tố cáo chính là Công ty TNHH Thương mại Golden Lotus (Công ty Golden Lotus) có địa chỉ tại 208, đường Paster, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù thời hạn hợp tác đã hết nhưng đơn vị này vẫn cố tình chây ỳ, không trả lại mặt bằng và thách thức các cơ quan pháp luật.
Vi phạm và chây ỳ
Ngày 4/1/2016, Công ty Duy Tân và Công ty Golden Lotus ký Hợp đồng nguyên tắc để hợp tác đầu tư khu đất có địa chỉ số 27-33 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, Quận 3 (nay là phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Tại thời điểm ký Hợp đồng nguyên tắc, khu đất tại số 27-33 Phạm Ngọc Thạch đang là kho xưởng bỏ hoang nhiều năm. Hai bên đã thống nhất, Công ty Duy Tân sẽ góp vốn bằng quyền khai thác mặt bằng khu đất, còn Công ty Golden Lotus sẽ bỏ tiền ra để đầu tư xây dựng Văn phòng, dịch vụ thương mại phù hợp mục đích sử dụng đất và điều kiện kinh doanh của công ty Golden Lotus, sau đó phân chia lợi nhuận.
Theo Hợp đồng đã được 2 bên ký kết ghi rõ: Sau khi đi vào hoạt động, hàng tháng Công ty Duy Tân được nhận 400 triệu đồng tiền lợi nhuận (số tiền này không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh). Kể từ năm thứ ba trở đi, Công ty Duy Tân sẽ nhận được mức phân chia lợi nhuận tăng thêm 5%. Thời hạn của Hợp đồng hợp tác là 5 năm, kể từ ngày ký Hợp đồng và thời điểm kết thúc là tháng 7/2021.
Mặc dù ký kết là vậy nhưng ngay từ đầu cũng như suốt quá trình khai thác, Công ty Golden Lotus đã có nhiều dấu hiệu vi phạm. Đầu tiên thay vì việc phải đầu tư xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại như đã ký kết, Công ty Golden Lotus lại đầu tư Spa để kinh doanh. Tiếp đến theo thỏa thuận kể từ năm thứ 3 trở đi Golden Lotus phải trả thêm cho Duy Tân 5% lợi nhuận thì đơn vị này lại viện nhiều lý do và cố tình “xù” khoản lợi nhuận này.
Nhiều tháng qua, trên cơ sở thời hạn hợp tác theo Hợp đồng nguyên tắc đã hết hiệu lực kể từ tháng 7/2021, và có mong muốn thiện chí giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, dứt điểm, tránh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hai bên, cho nên Công ty Duy Tân đã thực hiện một số biện pháp pháp lý yêu cầu công ty Golden Lotus ngừng hoạt động kinh doanh, trả lại mặt bằng, nhưng phía công ty Golden Lotus không những không đồng ý trả lại mặt bằng mà còn cố tình chây ỳ tiếp tục sử dụng, khai thác các giá trị từ mặt bằng kinh doanh và không chia lợi nhuận cho Công ty Duy Tân.
>>Chây ì thực hiện nghĩa vụ thuế, 3 lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh
Thách thức pháp luật?
Nhận định về vụ việc, Luật sư Lưu Tấn Anh - Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu căn cứ vào những điều khoản hợp đồng mà 2 bên đã ký kết thì sau khi hết hạn hợp đồng là tháng 03/7/2021, phía Công ty Duy Tân có quyền không gia hạn việc hợp tác. Như vậy, phía công ty Golden Lotus buộc phải bàn giao mặt bằng khu đất cho Duy Tân. Từ tháng 7/2021, Golden Lotus đã không làm thủ tục thanh lý và ngang chiến chiếm dụng mặt bằng để kinh doanh, không thực hiện việc thanh toán tiền cho Duy Tân là vi phạm rõ ràng”. Bức xúc trước những hành vi ngang ngược của công ty Golden Lotus, phía Duy Tân đã đệ đơn kiện ra Tòa án Nhân dân Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 21/12/2021, Tòa án Nhân dân Quận 3 đã tuyên xử: “Đối với yêu cầu của công ty Duy Tân, buộc công ty Golden Lotus ngừng chiếm hữu và sử dụng, giao lại mặt bằng bao gồm cả phần đầu tư xây dựng thêm tại 27 -33 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM, Hội đồng xét xử nhận thấy yêu cầu của công ty Duy Tân là phù hợp với quy định tại khoản 1, điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên có cơ sở chấp nhận”.
Đồng thời, Tòa án Nhân dân Quận 3 cũng buộc bị đơn là công ty Golden Lotus phải thanh toán cho công ty Duy Tân số tiền 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty Golden Lotus còn phải tiếp tục phải thanh toán tiền sử dụng tài sản trên đất 400 triệu đồng/tháng kể từ ngày 03/7/2021 cho tới khi bàn giao toàn bộ tài sản gắn liền với khu đất trên.
Dù kết luận của Tòa án đã khá rõ ràng nhưng phía công ty Golden Lotus không những bất chấp lẽ phải mà còn cố tình kéo dài việc chiếm dụng và khai thác đất trái phép bằng cách đề nghị Tòa án xử phúc thẩm. Tuy nhiên, sau khi có lịch xét xử phúc thẩm từ Tòa án, đơn vị này lại cố tình chây ỳ bằng cách xin hoãn phiên tòa không biết đến bao giờ.
Không dừng lại tại đó, phía Golden Lotus còn ngang nhiên đứng ra xin Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh ký tiếp hợp đồng cung cấp điện. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu Hồ sơ, gặp gỡ 2 phía, điện lực thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo gửi công ty Golden Lotus xác định ngưng cung cấp dịch vụ từ ngày 12/3/2022.
Đáng chú ý, trong thông báo này, phía điện lực nghi ngờ công ty Golden Lotus đã giả mạo chữ ký gia hạn hợp đồng để tiếp tục sử dụng tài sản gắn liền với khu đất trên để kinh doanh, qua đó ký tiếp hợp đồng với phía điện lực.
Về việc này, Công ty Duy Tân cũng đã khẳng định không hề đồng ý cho Golden Lotus gia hạn hợp đồng điện nhưng không biết bằng cách nào mà Công ty Golden Lotus có chữ ký của cá nhân giám đốc Công ty Duy Tân nhằm qua mặt điện lực thành phố Hồ Chí Minh để xin gia hạn hợp đồng???
Thiết nghĩ các cơ chức năng thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương vào cuộc để làm rõ trắng đen, trả lại quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp chân chính để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Cưỡng chế chủ đầu tư “chây ì” quỹ bảo trì
16:00, 08/10/2021
Chây ì thực hiện nghĩa vụ thuế, 3 lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh
11:39, 18/11/2020
Xử lý hình sự chủ đầu tư "chây ì" cấp sổ hồng
10:59, 09/11/2020
Xử lý nợ xấu: Đừng để tiền lệ xấu về sự chây ì của con nợ
05:40, 07/10/2020
Tổng thầu “chây ì” công nợ, nhà thầu phụ kêu cứu lên Bí thư Tỉnh ủy
11:01, 04/07/2020