Thủ tướng Chính phủ lưu ý TP HCM, trong quá trình giải quyết vướng mắc không để sai chồng sai, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Chiều 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568) đã có buổi làm việc với TP HCM.
Phát buổi kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh TP HCM đã tập trung xử lý, phân loại, đề xuất phương án xử lý với các dự án vướng mắc, tồn đọng nhiều năm.
Trong đó, Thành phố đã rà soát, đề xuất cụ thể 12 dự án với Ban Chỉ đạo 1568, đã rà soát xác định 66 dự án bất động sản có vướng mắc và giải quyết được 34 dự án. Thực hiện Công điện 112 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố xác định 200 công trình, dự án tồn đọng. Hiện các cơ quan của TP HCM đang tổ chức rà soát chi tiết để phân nhóm và xây dựng kế hoạch xử lý đối với từng nhóm công trình, dự án.
Thủ tướng cũng hoan nghênh Bộ Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 1568 đã triển khai nhanh, tập hợp các dự án tham mưu Chính phủ phân công các tổ công tác giải quyết. Còn các bộ, ngành cũng đã có chính kiến, giải pháp cụ thể hơn trong giải quyết các vướng mắc.
Theo Thủ tướng, vừa qua, Chính phủ đã rà soát và đề xuất Quốc hội dùng 1 luật sửa 9 luật, 1 luật sửa 4 luật và sửa đổi Luật Đầu tư công. Đây là 3 luật rất quan trọng được Quốc hội ủng hộ thông qua, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong hơn 1 tháng qua, Chính phủ ban hành hàng chục nghị định để triển khai các luật, xử lý vướng mắc.
Trong 12 dự án TP HCM đề xuất Ban Chỉ đạo 1568, có 6 dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng khẳng định 1 dự án đã có đầu ra. 5 dự án còn lại liên quan đến luật, Chính phủ cùng các bộ, ngành, TP HCM và các tỉnh, thành đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung thể chế để triển khai trong thời gian tới.
Đối với 200 dự án được rà soát theo Công điện 112, Thủ tướng đề nghị UBND TP HCM tiếp tục phân loại, đề xuất phương án xử lý theo các luật, nghị quyết mới ban hành. Còn 32 dự án bất động sản, tiếp tục rà soát, vận dụng tiền lệ của 34 dự án đã được tháo gỡ trước đó để xử lý, những vướng mắc vượt thẩm quyền tiếp tục báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng lưu ý, trong quá trình giải quyết các vướng mắc không để sai chồng sai, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Báo cáo tại buổi làm việc trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ năm 2021 đến nay, TP HCM đã chủ động thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng. Với nỗ lực của Thành phố, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng đã được tháo gỡ, hoàn thành đưa vào sử dụng, thi công trở lại hoặc đã giải quyết các tồn tại cũ để sẵn sàng lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án.
Thành phố cũng thành lập Tổ Công tác giải quyết các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ, công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả để tập trung triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 112. Đến ngày 31/12/2024 đã xác định 200 công trình, dự án tồn đọng. Hiện các cơ quan của TP HCM đang tổ chức rà soát chi tiết để phân nhóm và xây dựng kế hoạch xử lý đối với từng nhóm công trình, dự án...
Song song đó, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện rà soát tổng thể các công trình dự án tồn đọng thuộc 5 nhóm khác nhau. Đến nay, Thành phố đã thực hiện một số nội dung và đã có kết quả sơ bộ bước đầu. Cụ thể, phân công Thường trực UBND TP HCM theo dõi, đôn đốc chỉ đạo thực hiện đối với 37 nhóm công trình, dự án cần tập trung giải quyết. Một số dự án đã được giải quyết xong...
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng báo cáo Thủ tướng 12 dự án có vướng mắc, đồng thời xin chủ trương để tháo gỡ. Trong đó có 6 dự án kiến nghị Thủ tướng gồm: dự án khu đô thị đại học quốc tế, dự án SaiGon Sports City, dự án Saigon Center 4, Saigon Center 5, dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) và dự án chống ngập.
Riêng với dự án chống ngập, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án đã tạm ngưng thi công từ năm 2020 và khối lượng đến nay đã đạt được 90%. Tại thời điểm ký hợp đồng năm 2015, quy định về lập chủ trương đầu tư chưa rõ ràng. Sau đó dự án có vướng mắc, vấn đề đặt ra là cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư hay không.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, tình hình ngập lụt ở TP HCM được nhân dân và báo chí phản ánh rất nhiều, lãnh đạo trung ương và Thành phố rất sốt ruột, đặt ra yêu cầu phải tháo gỡ nhanh cho dự án.
Tuy nhiên, hiện nay dự án không có kinh phí phi để thực hiện, Thành phố đề xuất Chính phủ có chủ trương cho Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng BIDV cho chủ đầu tư vay lãi suất ưu đãi để tiếp tục thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng đề nghị Thủ tướng cho chủ trương được điều chỉnh dự án. Còn việc điều chỉnh giao lại cho UBND TP HCM căn cứ các quy định để thực hiện và không đặt vấn đề là phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng thống nhất cho sử dụng ba quỹ đất đã được xác định để thanh toán cho chủ đầu tư và còn lại là thanh toán bằng ngân sách đầu tư công.