Gói hỗ trợ đợt 3 tại TP HCM sẽ không áp dụng theo ngành nghề hay hộ gia đình như hai lần trước. Song nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng về thời gian và phương thức hỗ trợ.
Người dân kỳ vọng gì…?
Theo đó, Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP HCM, vừa có văn bản đề xuất mức hỗ trợ dự kiến cho đợt 3 là 1 triệu đồng/người/lần, chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản đến các đối tượng bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đề xuất, gói hỗ trợ khó khăn lần 3 được chi cho hơn 7 triệu người tại TP HCM sẽ không hỗ trợ theo ngành nghề hay hộ gia đình như hai lần trước. Đợt này sẽ hỗ trợ theo nhân khẩu. Song những ai thuộc diện nhận được hỗ trợ lần này vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều hộ gia đình về đối tượng cụ thể, thời gian và phương thức hỗ trợ.
Theo thống kê sơ bộ từ TP Thủ Đức và các quận huyện, hiện TP HCM có khoảng 2 triệu hộ dân với khoảng 7,1 triệu người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, TP cũng có khoảng 450.000 người đang lưu trú bị mất việc làm, không còn thu nhập gặp khó khăn cần TP hỗ trợ kịp thời.
Và các đối tượng hỗ trợ đợt 3 dự kiến gồm 4 nhóm và được thông qua 3 bước, cụ thể:
Nhóm 1: Thành viên hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.
Nhóm 2: Người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang có mặt tại xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp đang cách ly tập trung, điều trị bệnh...).
Nhóm 3: Những người được thụ hưởng gói hỗ trợ lần này có thêm những người phụ thuộc của người lao động hai nhóm nói trên. Cụ thể gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con cái ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt tại phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát, lập danh sách (bao gồm cả các trường hợp đang cách ly tập trung hoặc điều trị bệnh...).
Nhóm 4: Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TP thực hiện giãn cách và đang có mặt tại thời điểm khảo sát, lập danh sách.
Trong quá trình thống kê, rà soát sẽ loại trừ các trường hợp đang hưởng lương hưu, người đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và diện doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021.
Về thủ tục lập danh sách, theo hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, UBND phường, xã, thị trấn sẽ rà soát, lập danh sách người có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đủ điều kiện hưởng hỗ trợ gửi về UBND quận, huyện và TP Thủ Đức theo trình tự gồm ba bước.
Bước 1: Từng khu phố/ấp sẽ lập các tổ công tác thực hiện chính sách hỗ trợ. Thành viên tổ gồm cán bộ UBND phường/xã/thị trấn, công an khu vực, khu đội trưởng, trưởng ban điều hành khu phố/ấp...
Tổ này chịu trách nhiệm rà soát, đối chiếu các tiêu chí để xác định người có hoàn cảnh thực sự khó khăn theo mẫu, tổ chức bình nghị xét duyệt để thống nhất danh sách hỗ trợ. Tổ cũng có nhiệm vụ tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc của người dân, tổ chức công khai danh sách hỗ trợ và thực hiện hỗ trợ cho người dân sau khi được phê duyệt.
Các trường hợp đã về quê hoặc sinh sống ở nơi khác sẽ không được thống kê.
Bước 2: Danh sách đã được thống nhất sẽ được gửi kèm biên bản họp cho chủ tịch UBND phường/xã/thị trấn, thông qua một hội đồng xét duyệt cấp xã gồm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ phụ trách lao động, trưởng công an xã, phường đội trưởng, trưởng ban điều hành khu phố/ấp, tổ trưởng tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Hội đồng này sẽ họp, xét duyệt, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, tính chính xác của người nhận hỗ trợ (có đối chiếu danh sách với cơ quan BHXH để loại trừ các trường hợp đang hưởng lương hưu, đang tham gia BHXH và hưởng lương doanh nghiệp tháng 8-2021).
Trường hợp không đủ điều kiện nhận hỗ trợ, UBND xã/phường/thị trấn phải ghi rõ vào biên bản và chuyển tổ công tác hỗ trợ trả lời, giải thích cho người dân.
Bước 3: UBND quận, huyện, TP Thủ Đức có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn công khai danh sách với cộng đồng dân cư, niêm yết tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, trang thông tin (nếu có)...
Về phân chia các đợt chi hỗ trợ khó khăn ở TP HCM, cụ thể:
Đợt 1: Người tạm hoãn hợp đồng, không hưởng lương; Người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động, thương nhân các chợ truyền thống; Người lao động tự do (có đăng ký tạm trú) thuộc 6 nhóm công việc được quy định tại nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM.
Đợt 2: Chi theo hộ cho hộ lao động nghèo, cận nghèo (có mã số), hộ lao động khó khăn trong các khu nhà trọ, xóm nghèo...; Chi cá nhân cho lao động tự do gặp khó khăn.
Đợt 3 (dự kiến) gồm 4 nhóm: Thành viên hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội; Người lao động mất việc, không có thu nhập trong giãn cách; Người phụ thuộc của người lao động hai nhóm trên; Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, xóm nghèo.
Khó khăn trong việc rà soát…
Như vậy, nhìn vào gói hỗ trợ lần 3 xem ra có vẻ rộng về các đối tượng là kỳ vọng của người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Song bên cạnh đó, thì nhiều người cũng vẫn tỏ ra lo lắng về phương thức hỗ trợ vì trong 2 đợt trước còn nhiều trường hợp chậm được nhận, thậm chí không được nhận, có những trượng trường hợp ký tên nhưng không được nhận tiền, hay ký giấy nhận tiền nhưng thực tế lại nhận gạo…
Liên quan đến các gói hỗ trợ cho những người khó khăn bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, chị Nguyễn Thu Hương, địa chỉ 535/56/6, phường 16, quận Gò Vấp, chia sẻ: Chị và con gái đang học lớp 12 đang thuê nhà trọ tại địa chỉ nêu trên, thế nhưng cả 2 đợt trước đều không được nhận được tiền hỗ trợ nào ngoại trừ mấy mớ rau từ các nhà hảo tâm.
Cũng theo chị Hương, sau khi nghe thông tin về đợt 3 và việc mở rộng cho các đối tượng, chị và con gái hy vọng được nằm trong dach sách đối tượng được hỗ trợ và được địa phương chia sẻ lúc khó khăn này.
Theo chị Hương, do làm nghề tự do nên cuộc sống tương đối khó khăn. Trong mấy tháng qua, chị và con gái sống chủ yếu vào viện trợ từ gia đình ở quê và các bạn bè, cho nên việc chi tiêu phải chắt bóp từng đồng.
Liên quan đến việc rà soát các đối tượng để chuẩn bị cho gói hỗ trợ thứ 3, đại diện lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại một quận cho biết: hiện cán bộ địa bàn đang gặp không ít vướng mắc trong việc rà soát để chuẩn bị cho đợt hỗ trợ thứ 3.
Đơn cử, "biểu mẫu có yêu cầu người dân cung cấp mã số sổ BHXH. Việc này tiêu tốn rất nhiều thời gian vì người dân không nhớ hoặc đang trong thời gian giãn cách nên để sổ ở cơ quan, công ty... Nhiều tình huống phát sinh cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng.
Chẳng hạn trường hợp hộ dân có 2 vợ chồng là lao động chính, nếu một người vẫn đang được doanh nghiệp trả mức lương tối thiểu, một người mất việc làm thì con cái, cha mẹ có được tính là người phụ thuộc của người mất việc hay không. Các địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn thêm của sở, ngành cho một số trường hợp" - vị đại diện này nêu.
Để loại trừ các trường hợp không được hưởng trợ cấp, hiện nay BHXH quận, huyện, TP Thủ Đức được giao trách nhiệm đối chiếu thông tin trên hệ thống BHXH để rà soát, loại trừ. Theo đó, các trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, người đóng BHXH và diện doanh nghiệp trả lương tháng 8-2021, những người lao động đang hưởng lương của doanh nghiệp tháng 8/2021 thuộc các tỉnh, thành khác sẽ không được nhận hỗ trợ đợt 3.
Có thể bạn quan tâm
03:50, 26/07/2021
04:50, 05/02/2021
08:58, 12/01/2021
16:10, 27/07/2021
14:54, 30/06/2021
13:15, 25/06/2021
03:00, 16/06/2021
16:43, 08/12/2020
05:00, 15/06/2020