Chính trị

TP HCM sẵn sàng sắp xếp tinh gọn bộ máy

Bài và Ảnh: Hương Giang 20/12/2024 00:30

TP HCM đang tập trung và sẵn sàng cho phương án tinh gọn bộ máy chính trị theo chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời, gắn với đề án xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết tại buổi gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang tiến hành phân loại và xử lý hơn 1.000 đất công sử dụng kém hiệu quả.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

Sẵn sàng cho phương án tinh gọn bộ máy

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, dự kiến cuối tuần này, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM sẽ nghe phương án sắp xếp tổ chức bộ máy để sớm triển khai, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương.

Theo ông Phan Văn mãi, sắp xếp tinh gọn bộ máy là một trong những công việc trọng tâm của TP HCM trong năm 2025 gắn với đề án xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, TP HCM tập trung sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương.

"Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần sự thống nhất rất cao về mặt nhận thức, sự đồng thuận, chấp hành nghiêm. Quá trình điều chỉnh, sắp xếp, từng cá nhân sẽ bị tác động ít nhiều nhưng chúng ta phải thực hiện với tinh thần vì lợi ích chung", ông Mãi nói.

Cũng theo ông Mãi, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chấp hành nghiêm và triển khai rất khẩn trương chủ trương tinh gọn bộ máy của Trung ương. Dự kiến cuối tuần này, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM sẽ nghe phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của thành phố để sớm triển khai trong thời gian tới.

Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ông Mãi cho biết: Trong năm 2024, TP HCM đã đạt được một số kết quả nổi bật như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,17%, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,7%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 tỉ USD, thu ngân sách ước đạt 502.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các chương trình trọng điểm, đột phá được tăng tốc thực hiện có hiệu quả. Công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến ngày càng đồng bộ, hiện đại. Các vấn đề bất cập, các điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Do đó, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2025, TP HCM sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, như: tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả, hiệu lực Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị đồng bộ, chất lượng cao.

Song song đó, địa phương cũng sẽ kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp...

Sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính

Liên quan tới công tác sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP HCM, đã nêu một số định hướng lớn về việc sắp xếp dự kiến các cơ quan đảng, chính quyền tại địa phương.

tinh gọn bộ máy 2
Sau khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, TPHCM sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TPHCM.

Cụ thể, về khối Đảng, nghiên cứu phương án sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TP HCM. Đồng thời, nghiên cứu kết thúc hoạt động 11 đảng đoàn, 3 ban cán sự đảng và đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng.

Thành lập mới 2 đảng bộ trực thuộc Thành ủy TPHCM gồm đảng bộ cơ quan đảng, đoàn thể, tư pháp và đảng bộ khối chính quyền; Chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức đảng trong các hội quần chúng về cơ quan đảng, đoàn thể, tư pháp.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng sẽ sắp xếp tổ chức đảng các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP HCM và 24 đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc đảng bộ khối chính quyền. Riêng 3 đảng bộ quân sự, công an, bộ đội biên phòng giữ như hiện nay.

Trong đó, các đảng bộ chuyển về đảng bộ khối chính quyền gồm: đảng bộ ở các tổng công ty nhà nước, Lực lượng thanh niên xung phong, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại, Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Hải quan, Viễn thông, Bưu điện, Đại học Quốc gia TP HCM, Khối đại học – cao đẳng TP HCM, Khối các cơ quan Trung ương tại TP HCM, Khối doanh nghiệp, Khối cơ sở Bộ Y tế, Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT, Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH, Sở GTVT.

Nghiên cứu chuyển giao một số tổ chức cơ sở đảng loại hình doanh nghiệp, sự nghiệp về các quận ủy, huyện ủy, thành ủy Thủ Đức.

Đặc biệt, sau khi sắp xếp theo định hướng trên, Đảng bộ TP HCM còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ. Kết thúc hoạt động Sở An toàn thực phẩm và Sở LĐ-TB-XH.

Cũng theo bà Tuyết, về khối chính quyền, các địa phương nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP HCM trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì TP HCM có sở tương ứng.

Theo đó, TP HCM nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp các cơ quan: Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông.

Cụ thể, nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, chuyển Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc; Sáp nhập Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở QH-KT, chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc; Sáp nhập Sở TN-MT, Sở NN-PTNT để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chuyển nhiệm vụ của 2 sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa – thể thao, đồng thời sáp nhập Sở TT-TT với Sở KH-CN để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động Sở LĐ-TB-XH, chuyển các chức năng qua Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Sở Nội vụ và Sở Văn hóa - thể thao; Nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở NN-PTNT và Sở Công thương.

Sáp nhập Ban Tôn giáo và Ban Dân tộc, sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất.

Theo bà Tuyết, nếu thực hiện theo phương án này sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP HCM. Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, các ban quản lý, các đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế... Đồng thời, TP HCM cũng nghiên cứu sáp nhập một số ban chỉ đạo cấp thành phố ở từng cơ quan đơn vị xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị trực thuộc.

“Đối với cấp huyện, địa phương nghiên cứu đề án sắp xếp, sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo, đề xuất thành lập đảng bộ khối đảng, đoàn thể, tư pháp và đảng bộ khối chính quyền. Đồng thời, sáp nhập các Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - kế hoạch; kết thúc hoạt động Phòng LĐ-TB-XH, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Riêng TPThủ Đức, nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm tình hình”, bà Tuyết nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM sẵn sàng sắp xếp tinh gọn bộ máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO