Nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp bởi việc tăng giá cao đột ngột sẽ tác động tâm lý không nhỏ đến người dân.
TP.HCM đã tạm ngừng áp dụng bảng giá đất mới. Tuy nhiên, để đảm bảo việc thực thi đúng quy định của Luật Đất đai 2024, các sở ban ngành của thành phố vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến về việc cần có sự điều chỉnh Quyết định 02 về bảng giá đất mới sát với giá thị trường trong thời gian tới.
Tại một hội nghị về bảng giá đất vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá đất là cần thiết khi khoảng cách chênh lệch về giá tại TP.HCM đã rất lớn. Việc điều chỉnh này không nên thực hiện một loạt cùng lúc, mà thực hiện từng bước để đánh giá tác động đi kèm của chính sách mới.
Như chia sẻ của LS.Trương Thị Hoà - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng đưa ra từng bước đối với những vấn đề cần điều chỉnh và trong thời gian cụ thể. “Tại sao chúng ta không tăng 2 lần để có bước chuẩn bị, bước đầu tăng khoảng 50% và sau đó chúng ta ra bảng giá đất của ngày 1/1/2026 thì như vậy chúng ta có một tâm lý chuẩn bị" – bà Hoà đề xuất.
Theo bà Ung Thị Xuân Dung - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, đối với một số trường hợp cần thiết hay một số vị trí chưa có giá đất có thể điều chỉnh bổ sung Quyết định 02, hoặc những tuyến đường tăng quá cao mà giá đất thấp thì điều chỉnh cục bộ thay vì thay đổi bảng giá đất như hiện nay dự thảo đang làm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị xem xét xây dựng bảng giá đất tuỳ theo mục đích sử dụng và dựa trên từng nhu cầu. Đặc biệt, cần tính toán miễn giảm tính tiền sử dụng đất đối với những trường hợp người dân còn khó khăn như hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ có đất sử dụng lâu dài không có tranh chấp.
Trước những ý kiến trên, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố cho biết, với những thay đổi quy định trong Luật Đất đai 2024, thành phố cần thiết phải có bảng giá đất mới. Tuy nhiên, đơn vị này cũng thông tin, thành phố sẽ tiếp tục lấy ý kiến và xem xét thật kỹ khi điều chỉnh bảng giá đất.
Trước đó, dự thảo bảng giá đất mới tại TP.HCM đã khiến nhiều người dân trên địa bàn lo lắng khi số tiền họ phải trả cho chi phí sử dụng đất tăng gấp nhiều lần khi quy định mới áp dụng sớm hơn dự kiến. Theo quy định trước đó, bảng giá đất cũ vẫn được áp dụng đến cuối 2025.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng có phần gấp gáp của thành phố cũng ảnh hưởng không ít tới người dân. Trong đó, bộ phận người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ nhu cầu an sinh như xây cất mới nhà cửa… là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
"Ở các khu vực còn khó khăn trên địa bàn như các huyện ngoại thành thì việc tăng giá lại càng cao. Người dân sẽ rất khó chấp nhận việc 'nói là làm liền' của TP.HCM như trường hợp này", ông Phan Công Chánh - Tổng Giám đốc Phú Vinh Group chia sẻ. Do đó, ông Chánh kiến nghị lùi thời gian áp dụng để người dân có điều kiện thích nghi và chuẩn bị.
Cụ thể, tại các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi, giá đất dự kiến được điều chỉnh tăng cao, có nơi tăng 20 - 30 lần so với bảng giá đất áp dụng giai đoạn 2020-2024. Giá đất tăng cao nhất tại huyện Nhà Bè là 23 lần và Bình Chánh là 29 lần.
Đặc biệt, huyện Hóc Môn là địa phương có giá đất dự kiến điều chỉnh tăng cao nhất so với bảng giá đất cũ khi có những tuyến đường có giá đất tăng 30 - 50 lần. Điển hình như tuyến Song hành quốc lộ 22 tăng từ 780.000 đồng/m2 lên 39 triệu đồng/m2.
Tại khu vực TP. Thủ Đức, giá đất mới có mức tăng phổ biến từ 20 - 30 lần. Từ năm 2020 đến nay, bảng giá đất tại khu vực này có giá chỉ từ 2,3 - 8 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, tuy nhiên giá đất dự kiến sẽ vọt lên tới 295 triệu đồng/m2 ở một số khu vực trong thời gian tới.