Sau những hình ảnh nhộn nhịp khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm của TP trong những ngày cuối năm, thì nay, mặc dù thời gian đã gần 2 tháng, song những dự án này vẫn “giậm chân tại chỗ”.
>>5 dự án giao thông trọng điểm: Không triển khai PPP do giải phóng mặt bằng lớn
Vì sao các dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”?
Theo ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp, 3 dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM, gồm: Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Dự án Mở rộng nút giao thông An Phú và Dự án Mở rộng Quốc lộ 50 có tổng mức đầu tư khoảng 9.748 tỷ đồng, được TP.HCM đồng loạt khởi công một cách rầm rộ và khẩn trương vào cuối năm 2022, thì nay, mặc dù thời gian đã trôi qua 2 tháng, thế nhưng các nhà thầu đảm nhiệm xây dựng 3 công trình giao thông cấp bách này vẫn chỉ dừng lại ở các khâu như: rào chắn, dựng lán trại...
Ghi nhận thực tế của PV DĐDN tại Dự án Mở rộng Quốc lộ 50 những ngày gần đây cho thấy, hầu hết quãng đường này chưa có dấu hiệu của hoạt động thi công công trình. Ngoại trừ phân đoạn song hành Quốc lộ 50 (xây dựng mới).
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), theo thông tin từ UBND TP.HCM, hiện TP đã hoàn thành 85% khối lượng GPMB cho Dự án. Dự kiến sẽ hoàn tất công tác GPMB trong quý II/2023. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại thực địa, nhiều hộ dân vẫn sinh sống hai bên Quốc lộ 50, chưa có dấu hiệu mặt bằng được bàn giao và giải tỏa.
Đáng chú ý, Dự án mở rộng Quốc lộ 50 được đánh giá là dự án quan trọng, cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông cho trục hiện hữu, tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, được khởi công xây dựng ngày 27/12/2022. Đặc biệt, tại Lễ khởi công, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: “Yêu cầu Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM), nhà thầu có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa Dự án về đích so với mốc thời gian hoàn thành tháng 12/2024 để Dự án là hình mẫu trong việc giải ngân vốn đầu tư công”.
Tương tự, Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa với tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng được khởi công xây dựng ngày 24/12/2022. Dự án này là công trình nhằm đồng bộ với Dự án Xây dựng Nhà ga T3, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự án này được lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh và đặt mục tiêu tại lễ khởi công là: “hoàn tất công tác bồi thường, GPMB với việc bàn giao, tiếp nhận 100% đất quốc phòng trước ngày 15/2/2023”. Đồng thời, tiếp tục thi công, hoàn thành toàn bộ Dự án trong tháng 9/2024 để đồng bộ với thời điểm hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà ga T3 vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, tới nay, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, nhà thầu thi công Gói thầu XL9 hạng mục hầm chui vẫn "án binh bất động", chưa có dấu hiệu của việc triển khai dự án, cũng như chưa tập kết phương tiện, máy móc để thi công. Trên toàn tuyến không ghi nhận bất cứ động thái nào của công tác giải tỏa cũng như thi công, ngoại trừ động tác rào chắn trong khu vực công viên Hoàng Văn Thụ.
Đáng nói, trước đó, tại thời điểm khởi công, nhà thầu đánh giá công tác thi công gặp thách thức lớn bởi công trường nằm ở cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất với lưu lượng phương tiện giao thông lớn, khả năng ùn tắc rất cao. Song, nhà thầu cam kết huy động tối đa lực lượng, nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình triển khai Dự án.
Tiếp đến là Dự án Mở rộng nút giao thông An Phú có mục tiêu xóa điểm nghẽn giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (TP. Thủ Đức). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, được khởi công ngày 29/12/2022, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2025. Nút giao này có quy mô xây dựng 3 tầng, phần đường từ 10 - 12 làn xe, 3 hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe.
Đối với dự án này, ghi nhận của PV trong nhiều ngày qua cho thấy, dự án này được thi công bởi nhà thầu là Công ty CP Xây dựng Thành An 96. Trong dự án này có vẻ khả quan hơn, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc phát quang, tạo mặt bằng xây dựng lán trại, ban chỉ huy công trường với một nhóm nhỏ nhân công cùng vài thiết bị, máy móc, ngoài ra không ghi nhận hoạt động chuẩn bị thi công của các nhà thầu .
Trước đó, phát biểu tại lễ khởi công, lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh, việc khởi công Dự án rất quan trọng, nhưng để hoàn thành đúng tiến độ còn quan trọng hơn. TP.HCM yêu cầu Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung xử lý vấn đề còn vướng mắc; các nhà thầu tập trung nhân lực, trang thiết bị triển khai thi công đảm bảo chất lượng, hoàn thành toàn bộ Dự án vào tháng 4/2025.
>>Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai vành đai 3 TP.HCM
Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng...
Để rộng đường dư luận về những lý do vì sao các dự án đã được khởi công 2 tháng, nhưng vẫn giậm chân tại chỗ, chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, sáng 17/2/2023, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư dự án), cho hay: Hiện các nhà thầu đang thực hiện nhiệm vụ rào chắn và đánh giá công tác thử nghiệm khoan cọc đánh tác động của các cột khi đóng xuống lòng đất sau đó mới khoan đại trà. Thời gian đánh giá cho công tác này này mất khoảng 28 ngày. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng khá khó khăn vì chi phí đền bù cho các hộ dân vên các tuyến đường của các dự án khá cao.
Cũng theo ông Phúc, hiện Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM, đang xây dựng chương trình hành động để giám sát chặt chẽ đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Mặt khác TP đã thành lập tổ giải phóng mặt bằng nhằm hỗ trợ cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để xử lý những vấn đề cấp bách, đảm bảo các dự án thực hiện đúng tiến độ.
Theo ông Phúc, hiện TP.HCM đang tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, các dự án nhà ở xã hội… Thành phố xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, năm 2023, TP.HCM sẽ dành nhiều nguồn lực tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, như: hoàn thành tuyến Metro 1, khởi công đường Vành đai 3; hoàn thành hồ sơ đường Vành đai 2, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, cầu Thủ Thiêm 3 - 4, cầu Cần Giờ…
Còn theo nguồn tin của DĐDN liên quan tới việc vì sao các dự án trên được khởi công rầm rộ vào những ngày cuối năm mục đích là “lấy ngày”. Song, các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông TP.HCM, cũng đồng thời có văn bản lưu ý khâu chuẩn bị dự án chưa kỹ, vẫn còn vướng mắc, khởi công… Cho nên, nếu tình hình này kéo dài, sẽ có chấn chỉnh để bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng đầu đủng đỉnh, cuối năm chạy tiến độ.
Về thông tin các nhà thầu đảm nhiệm thi công mở rộng Quốc lộ 50 gồm: Liên danh Công ty CP Xây dựng Nasco - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T - Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Trường Thành (Gói thầu xây lắp số 1 Xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 từ đường Nguyễn Văn Linh đến Km1+200); Liên danh Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T - Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Trường Thành (Gói thầu xây lắp số 2 Xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 từ Km1+200 đến Km2+800); Liên danh Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Nguyên Cát (Gói thầu xây lắp số 3 Xây dựng cầu Bà Lớn)...
Đối với Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa do Liên danh Công ty CP Tập đoàn CK4 - Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn thi công.
Đối với Dự án Mở rộng nút giao thông An Phú gồm: Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát - Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn - Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (thi công Gói thầu XL5 Xây dựng hầm chui HC1-01); Liên danh Công ty CP Xây dựng 18 Thăng Long - Công ty CP Xây lắp Thành An 96 (Gói thầu XL7 Xây dựng cầu Bà Dạt); Liên danh Công ty CP Hải Đăng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng số 1 (Gói thầu XL6 Xây dựng hầm chui HC1-02)…
Có thể bạn quan tâm
09:37, 16/02/2023
06:51, 25/12/2022
12:55, 03/12/2022
14:50, 19/11/2022
18:14, 18/10/2022