Đầu tư

TPHCM được giao làm cơ quan có thẩm quyền báo cáo tiền khả thi dự án vành đai 4

Bài và Ảnh: Hương Giang 17/10/2024 00:20

Thủ tướng Chính phủ chính thức giao UBND TPHCM làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TPHCM.

Báo cáo tiền khả thi trong quý IV

Theo đó, ngày 16/10/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa giao UBND TPHCM làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TPHCM, trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập. Trên cơ sở đó trình Chính phủ vào cuối năm 2024 để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Tính đến hết tháng 9/2024, TPHCM chỉ giải ngân đầu tư công được khoảng 20% tổng kế hoạch vốn trên tổng số hơn 79.200 tỉ đồng.
Vành đai 4 TPHCM là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay. Dự án có tổng dài 207km sẽ thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 136.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có trách nhiệm phối hợp với UBND TPHCM trong quá trình hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai dự án.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để sớm tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định. Để đảm bảo tiến độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TPHCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Vành đai 4 TPHCM là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay. Dự án có tổng dài 207km sẽ thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 136.000 tỉ đồng. Dự kiến nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia dự án gần 42.554 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 33.584 tỉ đồng.

Theo đề xuất, dự án vành đai 4 TPHCM - giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh kèm làn dừng khẩn cấp rộng 3m trên toàn tuyến. Bên cạnh đó, tuyến đường song hành và đường dân sinh hai bên tuyến cũng được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng đoạn, khu vực, đặc biệt ở những nơi có khu đô thị, khu dân cư. Các địa phương sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (8 làn) nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng đường trong tương lai.

Tại văn bản kiến nghị Thủ tướng vào đầu tháng 10-2024, UBND TPHCM cho hay hồ sơ dự án sẽ báo cáo, trình cấp thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024.

Việc triển khai đầu tư con đường này không chỉ giúp giải quyết các điểm nghẽn về giao thông trước mắt mà còn tạo ra nhiều không gian phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng.

quyết định thủ tướng
Ngày 16/10/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa giao UBND TPHCM làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TPHCM.

Lựa chọn 2 phương án

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng về hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TPHCM kết nối 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ.

Đáng chú ý, theo đề xuất thì dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đến nay, các địa phương được giao nhiệm vụ đang triển khai chuẩn bị theo hai phương án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án vành đai 4 sẽ thực hiện theo 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai theo 5 dự án thành phần độc lập như văn bản chỉ đạo của Thủ tướng năm 2021. Theo đó cần giao cho một cơ quan chủ trì xây dựng nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù cho các dự án trình Quốc hội ban hành 10 cơ chế đặc thù như đề xuất của các địa phương.

Phương án này có ưu điểm là các chính sách tại nghị quyết thí điểm sẽ có hiệu lực ngay khi được Quốc hội thông qua. Một số địa phương không sử dụng ngân sách trung ương hỗ trợ như TPHCM có thể phê duyệt được dự án ngay, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tuy nhiên, nhược điểm là việc xây dựng nghị quyết thí điểm phải làm thủ tục như một bộ luật. Trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ được Quốc hội cho phép áp dụng như cho phép tỉnh Long An quyết định chủ trương đầu tư dự án tương đương dự án trọng điểm quốc gia. Khi dự án chia thành 5 dự án nhỏ sẽ gặp khó khăn cho cơ quan điều phối chung, khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, tiến độ sẽ khó đảm bảo đồng bộ.

Phương án 2 là ghép 5 dự án thành phần qua 5 địa phương thành một dự án tổng thể trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo phương án này, dự án sẽ thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng giao một cơ quan chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể trình Quốc hội. Việc này tương tự như khi làm vành đai 3 TPHCM, vành đai 4 Hà Nội,

Vành đai 4
Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh thành gồm: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Ưu điểm của phương án này là có thể đưa các chính sách đặc thù vào nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Bên cạnh đó, TPHCM đã có kinh nghiệm về thủ tục vì đã làm vành đai 3 TPHCM. Các chính sách đặc thù có thể áp dụng ngay, thuận lợi cho công tác điều phối. Quy trình triển khai thực hiện chặt chẽ và theo hệ thống pháp luật chung. Dự án tuân thủ theo đúng quy hoạch, thuận lợi cho công tác thu hút nhà đầu tư, công tác kiểm tra, giám sát.

Nhược điểm của phương án là phải thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát đầu tư, phải thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Tại buổi làm việc với các địa phương và phân tích các yếu tố liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, phương án 2 có nhiều ưu điểm, triển khai thuận lợi hơn. Đồng thời đây cũng là phương án TPHCM kiến nghị.

Về trình tự thủ tục, sau khi nhận được hồ sơ trình thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước. Hội đồng sẽ thẩm định chủ trương đầu tư trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập.

Trên thực tế, hội đồng thẩm định cũng từng đã thực hiện trường hợp nhanh nhất là 45 ngày đối với dự án vành đai 3 TPHCM bao gồm cả thời gian tiếp nhận hồ sơ, tiếp thu ý kiến thẩm định của các thành viên.

Sau khi hoàn thành công tác thẩm định, dự án sẽ trình Bộ Chính trị có ý kiến trước khi trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo quy định, đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội để các cơ quan tiến hành thẩm tra.

Với thời gian cấp bách như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng sớm bố trí lịch họp để nghe các địa phương báo cáo về tình hình chuẩn bị và các kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện. Bởi hiện nay, dự án còn một số vấn đề chưa thống nhất, cần sự chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ theo phương án. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ hồ sơ hoàn thiện của TPHCM, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước theo đúng quy định trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TPHCM được giao làm cơ quan có thẩm quyền báo cáo tiền khả thi dự án vành đai 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO