Việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa sẽ được trao lại cho các trường thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay.
>>Vì sao xã hội hoá nhưng giá sách giáo khoa vẫn cao?
Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư số 27 quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư 25 áp dụng từ tháng 10/2020 đến nay. Thông tư số 27 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2.
Điểm khác biệt lớn nhất của thông tư mới này là quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.
Theo đó, từ năm học 2024 - 2025 trở đi, mỗi trường sẽ thành lập một hội đồng lựa chọn sách riêng thay vì căn cứ vào kết quả lựa chọn chung của UBND tỉnh như các năm học trước.
Hội đồng lựa chọn sách do hiệu trưởng thành lập. Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh.
Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.
Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu.
>>Sách giáo khoa - bao giờ mới hết lùm xùm?
Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng. Bên cạnh đó, Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở.
Căn cứ vào kết quả của các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các trường tại địa phương.
UBND cấp tỉnh phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách được phê duyệt để sử dụng trong các trường trước 30/4 hàng năm.
Trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường đề xuất Phòng hoặc Sở GD&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách.
Trong 3 năm học qua 2021, 2022, 2023, hội đồng chọn sách do UBND tỉnh thành lập và mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng, các trường chỉ được đóng góp ý kiến. Tuy nhiên việc chọn sách thời gian qua vấp phải nhiều sự phản đổi của giáo viên, chuyên gia.
Cho ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xinh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, việc giao quyền tự chủ hoàn toàn về cho nhà trường sẽ giúp cho nhà trường tự chủ hơn, đồng thời giáo viên, học sinh và phụ huynh có thể cùng đồng hành tham gia vào việc lựa chọn sách giáo khoa, tìm ra một bộ sách phù hợp nhất với chương trình học, với trình độ chuyên môn của từng vùng miền.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) đã cảnh báo hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn sách giáo khoa.
Bà Thúy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của thông tư 25.
Cùng với đó, Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập đã được nêu trong nghị quyết 29 của trung ương và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã được quy định trong nghị quyết 88 của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề cập các sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới.
Có thể bạn quan tâm
09:27, 08/11/2023
04:00, 24/08/2023
03:00, 21/08/2023
04:00, 16/08/2023
19:10, 14/08/2023