Sau thời gian rời sàn chứng khoán do kinh doanh thua lỗ, CTCP Thực phẩm quốc tế (Interfood) đã có những thay đổi lớn và đặt bước chân quay về sàn chứng khoán cùng vị thế mới.
Nhắc đến cụm từ ‘đi để trở về’ phải kể đến thương hiệu Trà bí đao Wonderfarm. Từ việc phải rời sàn vì làm ăn bết bát, đến nay thương hiệu gần 30 năm tuổi này đã và đang có những hướng đi phù hợp với cuộc chơi mới kinh tế thị trường, bắt kịp xu hướng người tiêu dùng để dần vươn lên lấy lại những tên tuổi đã từng có.
Suýt "chết chìm" vì vòng xoáy thua lỗ
Được thành lập từ cuối năm 1991 với vốn đầu tư ban đầu khoảng hơn 1 triệu USD, Interfood tiền thân là Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm Quốc tế (IFPI), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với cổ đông sáng lập từ Malaysia.
Từ hoạt động ban đầu là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp để xuất khẩu, năm 2003, Interfood được phép sản xuất các sản phẩm nước trái cây có ga và nước trái cây có độ cồn nhẹ. Các mặt hàng này sau đó trở thành lĩnh vực kinh doanh chính của công ty.
Năm 2005, Interfood ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery để thuê thương hiệu Wonderfarm cho các sản phẩm của công ty. Thương hiệu trà bí đao Wonderfarm nhanh chóng làm mưa làm gió ở thị trường phía Nam, đưa Interfood trở thành đối trọng lớn với Chương Dương, Tribeco hay Tân Hiệp Phát trong lĩnh vực nước trái cây không gas. Ngoài ra, Interfoond còn một số sản phẩm khác như nước Yến Ngân Nhĩ hay các sản phẩm bánh được thực hiện bởi công ty thành viên AVA.
Tháng 8/2005, IFS được chuyển thành công ty cổ phần và cuối năm 2006, Interfood lên sàn chứng khoán với mã chứng khoán IFS và cổ phiếu này đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Có thời điểm cổ phiếu IFS leo lên mức giá hơn 50.000 đồng/cp.
Đang trên đà bứt phá, biến cố lớn đã đến với Interfood vào năm 2008 khi một số sản phẩm bánh của công ty có hàm lượng chất melamine vượt quá mức độ cho phép. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế năm 2008 nổ ra càng khiến Interfood gặp muôn vàn khó khăn và công ty báo lỗ 267 tỷ đồng.
Bất chấp doanh thu của công ty có sự tăng trưởng đều đặn qua các năm, khoản lỗ lũy kế của công ty cũng ngày một lớn dần. Interfood thua lỗ khá khó hiểu khi sản phẩm Wonderfarm của doanh nghiệp này vẫn được ưa chuộng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trưởng.
Lý giải nguyên nhân, Interfood cho biết vấn đề nằm ở chi phí của doanh nghiệp này quá lớn. Năm 2008, tỉ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu lên lên tới 94%. Việc không quản lý nổi chi phí và các hoạt động đầu tư mở rộng sang lĩnh vực khác như sản xuất bánh quy khiến lợi nhuận của công ty bốc hơi nhanh chóng.
Thua lỗ buộc Interfood buông tay khỏi các dự án mở rộng. Công ty phải chấm dứt dự án vào CTCP Thực phẩm Quốc tế Miền Bắc và sau đó là bán nốt nhà máy sản xuất bao bì của mình cho đối tác khác vào năm 2010.
Cũng trong năm 2010, nợ phải trả của công ty lên tới hơn 600 tỷ đồng, gần bằng tổng tài sản. Khó khăn của Interfood, một phần đến sự sa sút của công ty mẹ tại Malaysia.
Cổ phiếu IFS theo đó cũng buộc phải hủy niêm yết vào đầu năm 2013 do lỗ lũy kế vượt quá vốn thực góp.
Cuộc "hồi sinh" dưới tay người Nhật
Trong bối cảnh muôn trùng khó khăn, cổ đông Malaysia quyết định rút lui và nhượng lại toàn bộ 57,25% cổ phần Interfood cho Kirin (một trong những Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn nhất Nhật Bản) vào năm 2011. Ngay tại cuộc họp đầu tiên kể từ khi tiếp quản, Kirin đã tuyên bố sẽ cần đến 5 năm để "hồi sinh" Interfood.
Khi Kirin mua lại toàn bộ công ty mẹ và gián tiếp sở hữu cổ phần tại IFS, hoạt động tái cơ cấu bắt đầu diễn ra.
Năm 2013, Kirin đã bơm 210 tỷ đồng vào Interfood thông qua đợt phát hành riêng lẻ 21 triệu cổ phiếu, qua đó vốn điều lệ Interfood được nâng lên 501 tỷ đồng. Chưa dừng lại, trong giai đoạn 2014 – 2015, Kirin tiếp tục nâng sở hữu tại Interfood thông qua 2 đợt phát hành riêng lẻ và vốn điều lệ công ty được nâng lên 871 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kirin cũng hỗ trợ tài chính cho Interfood bằng các khoản vay nội bộ không tài sản thế chấp với lãi suất thấp.
Có thể bạn quan tâm
08:44, 29/01/2020
21:53, 02/02/2020
11:16, 01/02/2020
05:07, 31/01/2020
11:07, 30/01/2020
Với hàng loạt biện pháp cơ cấu kể trên, các khoản nợ vay của Interfood đã được làm sạch hoàn toàn và doanh nghiệp có được nguồn lực tài chính vững vàng để hoạt động. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, sự góp mặt của Kirin đã giúp Interfood có thêm nhiều sản phẩm mới, tiêu biểu là dòng nước vị trái cây Kirin Ice+ được sản xuất với công nghệ Nhật Bản.
Dù IFS kỳ vọng sớm có lãi từ sự hỗ trợ của Kirin, quá trình tái cơ cấu không nhanh như mong đợi. IFS tiếp tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thậm chí bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Về phía Kirin, doanh nghiệp này vẫn kiên trì thâu tóm dần cổ phần tại IFS, song song với việc bơm vốn để doanh nghiệp này duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến năm 2015, Kirin nâng tỷ lệ sở hữu tại Interfood lên trên 95% và từ giữa năm 2016, doanh nghiệp này bất ngờ báo lãi trở lại. Năm 2016, Interfood báo lãi 43,4 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 5 năm thua lỗ liên tiếp trước đó. Cũng trong năm 2016, Interfood trở lại sàn chứng khoán khi đăng ký giao dịch trên Upcom.
Với kết quả kinh doanh tích cực, không bất ngờ khi cổ phiếu Interfood (IFS) duy trì đà tăng khá tốt trong những năm qua. Từ mức giá khởi điểm 3.000 đồng/cp khi trở lại sàn Upcom, đến nay thị giá IFS đã xoay quanh mức 17.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường hơn 1.500 tỷ đồng.
Việc Interfood trở lại được cho rằng doanh nghiệp sẽ huy động vốn từ thị trường chứng khoán để tận dụng cơ hội mở rộng quy mô, tăng lợi thế cạnh tranh.
Ban lãnh đạo của công ty lý giải, doanh thu và lợi nhuận của IFS tăng mạnh đến từ việc công ty đã mạnh dạn thanh lý các dây chuyền sản xuất bánh quy và cắt toàn bộ các hoạt động liên quan tới mảng này để tập trung phát triển sản phẩm chủ lực là trà bí đao Wonderfarm. Nhờ vậy, các khoản chi phí của công ty được quản lý tốt hơn hẳn.
Hiện tại, các sản phẩm đồ uống mang thương hiệu Wonderfarm và Kirin đang đóng góp 86% tổng doanh thu của IFS.
Chuyển dịch kinh doanh từ mở rộng hoạt động (bán thêm bán quy) quay về với sản phẩm cốt lõi (trà bí đao), IFS cho thấy hiệu quả kinh doanh rõ rệt.
Bên cạnh đó, công ty sẽ mua lại thương hiệu Wonderfarm và các thương hiệu khác đang thuê của Biscuits & Confectionery Sdn. Bhd, Malaysia với giá trị chuyển nhượng tối đa là 200.000 USD.
Trong báo cáo thường niên, Chủ tịch kiêm TGĐ Interfood, ông Yutaka Ogami cho biết: "Một công ty không có lợi nhuận không thể tiếp tục tồn tại. Lợi nhuận là tiền đề chính của việc tồn tại, vì vậy trước hết Công ty phải có lợi nhuận và điều này Interfood đã thực hiện được trong 3 năm qua, kể từ năm 2016. Công ty đã đứng vững ở vạch khởi đầu mới".
Song hành với mục tiêu lợi nhuận, ông Yutaka Ogami cũng không quên đặt mục tiêu phải có lợi nhuận một cách nghiêm túc. "Tôi không muốn Công ty có lợi nhuận bằng các hành động xấu. Tôi muốn Công ty được mọi người nhắc đến là Công ty nghiêm túc, đó thật sự là một Công ty" ông Yutaka Ogami viết trong báo cáo.
Báo cáo của Euromonitor cho biết, Interfood đang nắm giữ khoảng 3,5% thị phần nước giải khát tại Việt Nam, bị bỏ lại khá xa so với các doanh nghiệp đầu ngành như PepsiCo, Coca-cola hay Tân Hiệp Phát. Mặc dù vậy, sau cú trượt dốc kéo dài hơn 10 năm, IFS không tỏ ra vội vàng. Công ty đặt mục tiêu sẽ tăng thị phần nội địa của ngành hàng giải khát từ 3% lên 8% trong 5 năm tới, tập trung đẩy mạnh mảng nước uống dinh dưỡng như nước đóng chai, nước ép hoa quả.
Với những gì đang có và chiến lược đầu tư sắp tới, liệu mục tiêu đứng đầu trong phân khúc nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên và sức khỏe của IFS có quá tham vọng khi mà cuộc chiến trong ngành này vẫn hết sức khốc liệt?