Không có hàng để chở, hàng nghìn xe container vốn chỉ chuyên chạy tuyến biên giới phía Bắc “quay đầu” về cạnh tranh tuyến nội địa.
Cuộc chiến giá cước đẩy thị trường vận tải đi lại đúng vết xe đổ của nó – chạm đáy. Ông Trương Thanh Tùng, GĐ Cty TNHH Vận tải và Thương mại Thanh Tùng (Hải Phòng) cho biết, trước Tết nguyên đán 2019, mỗi ngày Cty có ít nhất 35 – 60 container hàng tạm nhập tái xuất vận chuyển đi các tuyến biên giới phía Bắc để xuất sang Trung Quốc. Mỗi container “lạnh” 40 feet (hàng đông lạnh) nếu chạy từ Hải Phòng đi cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) giá cước khoảng 24 – 25 triệu đồng, còn nếu đi cửa khẩu Amatukhoòng (Lai Châu) thì cước có thể lên đến gần 30 triệu đồng/container. Nếu mỗi 1 chuyến “đi biên” xuôi chèo mát mái, 1 xe cũng mang về cho chủ doanh nghiệp khoảng 15 – 20 triệu đồng sau khi trừ lương lái xe và tất cả các chi phí.
Sau khi vụt sáng
Thế nhưng, từ sau Tết nguyên đán, dàn xe gần 20 chiếc của Cty Thanh Tùng gần như “nằm chơi” vì không có hàng chạy. Phần vì các đối tác Trung Quốc nghỉ Tết kéo dài, phần vì những chính sách biên mậu của Trung Quốc thay đổi khiến hàng tiểu ngạch khó thâm nhập thị trường này.
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Tùng, mấy tháng đầu năm 2019, cả Cty chỉ chạy được hơn chục chuyến đi biên. Khan hàng nhưng giá cước giảm thê thảm, từ hơn 20 triệu đồng/chuyến nay hạ xuống còn 15 – 16 triệu/chuyến.
Không thông quan, lái xe cứ phải nằm chờ đợi trả hàng. Trước đây, trung bình 1 chuyến đi biên từ Hải Phòng khoảng 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, khi “cấm biên” có những chuyến hàng cả tuần sau mới trả được hàng. Lái xe cứ phải chờ đợi để trả hàng xong mới được về. Cứ mỗi ngày ăn nằm chờ trả hàng, chủ xe vẫn phải trả lương lái xe, ăn ở khoảng 400 nghìn đồng/ngày, chưa kể các chi phí khác.
Trong bối cảnh cùng cực của vận tải, thay vì “ló cái khôn”, chính các doanh nghiệp lại lấy đá đập chân mình...
“Tưởng như vận tải quay lại thời kỳ hoàng kim 2013 – 2014, thế nhưng nó chỉ chỉ lóe lên được khoảng 3 tháng cuối năm 2018 rồi lại rơi vào trạng thái chết lâm sàng bấy lâu”, ông Tùng chua chát.
Cạnh tranh để… chết từ từ
Không có hàng chạy biên, các chủ xe tính chuyện chạy nội địa để tồn tại. Theo một chủ doanh nghiệp có số má trong giới vận tải Hải Phòng, đa số các chủ xe đều vay vốn ngân hàng đầu tư phương tiện. Nếu xe phải đắp chiếu thì khấu hao tài sản, lãi vay ngân hàng và lương lái xe chả mấy chốc khiến doanh nghiệp phá sản. Bởi vậy, “không chạy thì chết nhanh, chạy thì chết từ từ”, các chủ xe tính chuyện chuyên chở hàng nội địa để tồn tại chờ khi nào hàng hóa biên giới dồi dào sẽ quay trở lại.
Thế nhưng, thông thường các đơn hàng chạy nội địa thường được chủ hàng và doanh nghiệp vận tải ký “cước chết” (giá cước được doanh nghiệp vận tải và chủ hàng ký kết cố định trong thời gian dài). Để cạnh tranh được với các mối hàng nội địa, các chủ xe chẳng còn cách nào khác ngoài việc phá giá cước. Như vậy, giá cược vận tải vốn đã thấp, nay lại được các chủ xe hạ xuống thấp nhất có thể. Thậm chí, nhiều chủ xe bất chấp cả việc chạy không có lãi, bởi còn hơn để xe đắp chiếu.
Nhiều chủ hàng thấy giá cước được hạ thấp thì hám lợi nên bỏ cam kết để chạy theo hợp đồng mới. Các chủ xe chạy biên sau khi phá giá cước để chen chân vào mối hàng nội địa 1 thời gian, khi đường biên có hàng họ lại bỏ chạy nội địa để chạy biên. Để lại hậu quả là các doanh nghiệp vận tải nội địa sau khi bị “knock-out” thì rất khó ký lại với chủ hàng giá cước cao hơn vì đã bị các chủ xe đường biên phá giá xuống kịch sàn.
Mặc dù, theo ông Lê Thành Long, Cty TNHH thương mại vận tải Trung Thành, những doanh nghiệp lớn, uy tín vẫn chọn những đối tác uy tín hợp tác ổn định, ngoài lợi nhuận, các bên phải biết chia sẻ quyền lợi với nhau. “Điển hình là hiện nay ngành chăn nuôi hiện đang gặp khó khăn, mặc dù giá cước vận tải không thay đổi lớn, tuy nhiên Cty Trung Thành vẫn chủ động hạ giá cước vận tải để chia sẻ khó khăn với các đối tác ”, ông Long cho biết.
Tuy nhiên, không phải chủ hàng nào cũng có tiếng nói chung với khách hàng như vậy. “Đôi bạn cùng…chết” – đó là cách nói hài hước của nhiều chủ doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng khi nói về sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Trong bối cảnh cùng cực của vận tải, thay vì “ló cái khôn”, chính các doanh nghiệp lại lấy đá đập chân mình...
Kỳ II: Lỗi… cơ chế