Chủ đầu tư mới cam kết khoảng 50 ngày nữa Trạm dừng nghỉ Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) - Trung Lương sẽ được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đậu xe, dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Thời gian gần đây, tình trạng nhiều tài xế đậu xe nghỉ trên tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương diễn ra phổ biến. Nguyên nhân chính là do đường cao tốc TP HCM - Trung Lương chưa có trạm dừng nghỉ theo đúng tiêu chuẩn nên lúc buồn ngủ tài xế không biết vào đâu, đành dừng bên đường.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến đường huyết mạch nối từ TP.HCM về miền Tây, đi qua TP.HCM, Long An và Tiền Giang với chiều dài 62km (gồm cả đường dẫn). Từ năm 2014, đường cao tốc này bắt đầu thu phí, đến cuối năm 2018 tạm ngừng do hết hợp đồng bán quyền thu phí.
Dù đường cao tốc TP HCM - Trung Lương được thiết kế tốc độ tối đa 120 km/h nhưng hiện tốc độ tối đa thực tế thấp hơn rất nhiều, do lưu lượng xe tăng mạnh. Đáng chú ý, sau khi ngừng thu phí, lưu lượng xe trên tuyến đường này đã tăng vọt, từ 60.000 lượt phương tiện/ngày lên khoảng 80.000 lượt phương tiện/ngày.
Có thể bạn quan tâm
13:41, 26/08/2019
03:19, 06/08/2019
13:19, 20/08/2019
08:42, 20/08/2019
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ khi bỏ thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương cuối năm 2018 đến nay, Cục CSGT đã lập biên bản 972 trường hợp xe dừng đỗ trên đường cao tốc.
Cục CSGT cũng đã kiến nghị ngành giao thông sớm hoàn thiện bãi đỗ xe tại các trạm dừng nghỉ Châu Thành để các phương tiện không dừng đỗ trên đường cao tốc.
Việc dừng xe trên đường cao tốc để ngủ rất dễ gây tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông. Câu hỏi đặt ra là tạo sao không có bãi đậu xe cho tài xế trên tuyến đường cao tốc này?
Thực tế, trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có 2 trạm dừng nghỉ được Bộ GTVT cấp phép hoạt động tạm thời. Tuy nhiên, do mặt bằng bãi đỗ xe tạm quá nhỏ và không đủ sức chứa dẫn tới tình trạng xe đậu đỗ dọc hai bên đường vào trạm dừng nghỉ vào ban đêm khá phổ biến.
Theo Thông tư số 48/2012/TT-BGTVT Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm gồm: Các công trình dịch vụ công; các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ.
Trong đó bắt buộc phải có các công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm: Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin; Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; Nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Phạm Cẩm Thúy, đại diện chủ đầu tư Trạm dừng nghỉ cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho biết: "Trước đây Trạm dừng nghỉ do một đơn vị khác đầu tư khai thác, chúng tôi là nhà đầu tư mới tiếp nhận liên kết, khai thác và đầu tư các hạng mục còn lại của Trạm dừng nghỉ theo Thông tư 48/2012/TT-BGTVT. Ngay sau khi tiếp nhận chúng tôi đã khẩn trương san lấp mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, trong vòng 10 ngày nữa chúng tôi sẽ đổ bê tông khu vực bãi đỗ xe để đảm bảo khoảng 50 ngày sau sẽ đưa vào sử dụng bãi đỗ xe hai bên Trạm dừng nghỉ, đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của tài xế và hành khách, góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông."
“Không chỉ hoàn thiện các hạng mục còn lại của Trạm dừng nghỉ cao tốc TP.HCM - Trung Lương, để tránh tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai, hiện tại chúng tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị khởi công Trạm dừng nghỉ Trung Lương – Mỹ Thuận trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Đảm bảo hoàn thành trước khi khi tuyến đường cao tốc này đi vào hoạt động. Đây sẽ là trạm dừng nghỉ hiện đại và quy mô lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long với diện tích lên tới 98.886,18 m2, tổng vốn đầu tư là 335 tỷ đồng.”- bà Thuý chia sẻ.