Từ Điện máy Trần Anh đến lĩnh vực không gian làm việc chung với thương hiệu CoGo, Trần Xuân Kiên vẫn giữ phong thái “dò đường”, nhưng anh đã nhìn thấy tiềm năng lớn để quyết định dấn thân.
Làm việc trong môi trường phải tương tác và cần khả năng sáng tạo cao, Đỗ Lệ Quyên (30 tuổi, Hà Nội) cần một nơi làm việc chuyên nghiệp như văn phòng, nhưng vẫn thoải mái như ở nhà để đôi lúc có thể thả mình trên chiếc sofa, hay di chuyển chỗ ngồi để phóng tầm mắt xa xăm, vừa nghỉ ngơi, vừa tìm lại cảm hứng cho mình… Vì lẽ đó, Quyên tìm đến không gian làm việc chung - mô hình đang “nở rộ” tại những thành phố lớn ở Việt Nam.
Môn khoa học đầy tính nghệ thuật
Với tôi, kinh doanh cần kinh nghiệm quản trị , tài chính, nhanh nhạy với thị trường và chắc chắn phải có sự đam mê, tham vọng, liều lĩnh...
“Tôi hướng tới môi trường làm việc vừa yên tĩnh, khép kín, vừa có thiết kế mở và có thể giải trí, nhưng không thể tìm một địa chỉ như vậy trong văn phòng hay quán cà phê, không gian làm việc chung (co-working space) là sự lựa chọn hoàn hảo nhất”, Quyên nói.
Trần Việt Thắng, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Asio Việt Nam cũng từng có ý định thuê một văn phòng riêng, nhưng sau một thời gian tìm kiếm vẫn chưa tìm được địa điểm ưng ý. Lúc này, xu hướng lựa chọn không gian làm việc chung ở Việt Nam đang lên và Thắng muốn trải nghiệm.
Anh đã thuê văn phòng ở 3 không gian làm việc chung, nhưng vẫn chưa thực sự cảm thấy phù hợp, cho đến khi ngồi thử tại CoGo. Địa điểm của CoGo rất thuận lợi cho việc di chuyển, gặp gỡ đối tác; chi phí hợp lý. Cách bố trí cũng như công năng của phòng làm việc riêng, các khu dùng chung, phòng họp, khu thảo luận, tiếp khách… được bố trí hợp lý, sang trọng. Môi trường làm việc tại CoGo thoải mái, không ồn ào như một số nơi khác; cộng đồng thành viên năng động, có tính tương tác cao.
Đặc biệt, khi vào CoGo, Thắng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng thành viên. Gần đây, Asio đang cần sự tư vấn về định hướng, quản trị cũng như về tài chính để tiếp tục phát triển. Qua sự giúp đỡ của ông chủ CoGo, Asio đã tìm ra được giải pháp cho mình, tiếp cận được với nhà đầu tư và đang chuẩn bị cho quá trình nhận thêm vốn đầu tư.
Trần Xuân Kiên, sáng lập CoGo, cùng các cộng sự không chỉ trau chuốt sản phẩm và dịch vụ của riêng mình. Cái họ cần làm và muốn làm, quan trọng hơn nhiều, là giúp khách hàng phân biệt không gian làm việc chung có nhiều điểm rất khác biệt với làm việc ở quán cà phê và văn phòng chia sẻ.
“Phần thưởng lớn nhất của CoGo là tạo ra một sân chơi mới, mà ở đó, chúng tôi là những người dẫn đầu mới. CoGo là nơi khách hàng được đáp ứng mọi nhu cầu trải nghiệm tại không gian làm việc chung”, Kiên nói.
Tôi gặp lại Trần Xuân Kiên tại chính không gian làm việc chung của CoGo (số 1 - Thái Hà, Hà Nội). Ông chủ Điện máy Trần Anh thủa nào với đôi mắt biết nói ẩn sau cặp kính cận vẫn mang phong thái “dò đường”, nhưng có vẻ đã bớt phải “vò đầu, bứt tai” hơn. Anh chia sẻ, làm bán lẻ như “chăm con mọn” và luôn phải lo xoay xở tài chính khi mở rộng quy mô, còn với CoGo, anh lại phải bỏ chất xám nhiều hơn cho cộng đồng.
“Tôi cùng các cộng sự lựa chọn co-working để thay đổi cách sống và làm việc của mọi người. Xây dựng văn phòng làm việc thực sự là một môn khoa học đầy tính nghệ thuật”, anh mở đầu câu chuyện. Đó là lý do vì sao, anh qua Mỹ vài tháng, trải nghiệm mọi ngóc ngách của Wework - một start-up sừng sỏ trong lĩnh vực co-working để hiểu và áp dụng mô hình này ở Viêt Nam. Anh thích cách đầu tư tối đa, hiệu quả của người Mỹ và châu Âu. Họ luôn có tiêu chuẩn chung được áp dụng trên toàn cầu, tái sử dụng nguyên vật liệu hiệu quả và “nảy số” theo tình huống.
Dĩ nhiên, để có “thân hình” CoGo “vạn người mê” như hiện nay, anh phải chấm phá vài “đường cong” rất Việt Nam.
Trên thế giới, Wework nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp, văn phòng chuẩn hạng A, diện tích trung bình 5.000 - 6.000 m2 (tại Mỹ) và 3.000 - 4.000 m2 (tại Trung Quốc), chi phí đầu tư đắt, thiết kế cao cấp, có nhiều quỹ đầu tư hỗ trợ. Trong khi, mỗi điểm của Cogo chỉ có diện tích trung bình 2.000 - 3.000 m2, phải chọn tòa nhà hạng A, B, nhưng mức giá khách hàng phải trả chỉ bằng hạng C. Ngoài ra, văn hóa ứng xử, quan tâm hỏi han, trao đổi thường xuyên, giúp đỡ khách hàng khi cần cũng là điểm cộng của CoGo.
Trần Xuân Kiên không phải là người tiên phong trên thị trường không gian làm việc chung. Bên cạnh CoGo, còn có các tên tuổi có tiếng trong nước như Regus, Toong, Up... Năm 2018 - thời điểm CoGo ra mắt - được coi là một năm bùng nổ của thị trường không gian làm việc chung tại Việt Nam với sự tham gia của Wework.
“Tôi tự tin cạnh tranh với mọi đối thủ trong và ngoài nước”, Kiên khẳng định và lý giải sự tự tin đó là do CoGo hiện đã có hệ thống chuẩn như Wework, đáp ứng được phân khúc khách hàng khó tính, với tỷ lệ 30% start-up, 40 - 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, 20% là doanh nghiệp FDI.
CoGo có nguồn tài chính dồi dào, các cổ đông đều có kinh nghiệm vận hành bán lẻ, nên có thể hỗ trợ các start-up nhiều hơn. Đặc biệt, CoGo luôn dành 200 chỗ ngồi (khoảng 10% trong tổng số chỗ tại mỗi địa điểm, tương đương 5 - 10 tỷ đồng/năm) miễn phí cho start-up.
“Tại CoGo, tôi cũng tìm thấy các công ty tiềm năng để đầu tư, mang lại niềm vui trong công việc. Ngoài việc điều hành kinh doanh, tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm cho start-up. Với tôi, kiếm tiền giờ không còn là mục đích lớn nhất, điều tôi quan tâm là mình giúp gì cho cộng đồng”, Kiên chia sẻ.
Nhắc đến Trần Anh, “sóng” nổi trong lòng
Một năm trước, Trần Xuân Kiên “gây bão” trên thị trường khi quyết định rời bỏ “đứa con mọn” Điện máy Trần Anh. Lần đầu tiên, một thương vụ M&A nổ ra giữa hai đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực điện máy tại Việt Nam, mang theo nhiều dự cảm tốt về thị trường. Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) đã chi khoảng 850 tỷ đồng để sở hữu hơn 23,6 triệu cổ phiếu của Trần Anh, tương đương 95% vốn.
Quyết định bán Trần Anh lúc đó, Trần Xuân Kiên căn cứ vào dự cảm về diễn biến tình hình thị trường trong tương lai. Xu thế thương mại điện tử đang lên mạnh mẽ trên toàn cầu khiến bán lẻ điện máy trở thành một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sự xuất hiện của các “ông lớn” như Amazon, Alibaba… khiến cho rất nhiều công ty bán lẻ điện máy lớn trên khắp thế giới phải đóng cửa hàng trăm siêu thị mỗi năm và Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng đó.
Chỉ có điều, trong lần rút lui này, anh lại chọn đối tác trong nước, thay vì đối tác Nhật Bản (Nojima Corporation) đã đi cùng 4 năm.
Giờ đây, dù mải mê với “đứa con” mới, nhưng khi nghe ai đó nhắc đến Trần Anh hay đi qua mỗi điểm quen thuộc, dù tên thương hiệu không còn nữa, anh vẫn thấy “sóng” ở trong lòng.
Ưa thích thử thách, Kiên sợ đến tuổi mọi thứ bị trùng xuống, lười suy nghĩ hơn. Vậy nên, sau khi chuyển giao xong Trần Anh, trong vài ý tưởng kinh doanh kế tiếp, anh quyết định chọn co-working space. Đây không phải là mô hình cho thuê lấy tiền đơn thuần, mà còn có thể giúp đỡ khách hàng của mình. Khi giúp họ giải quyết khó khăn, khúc mắc, anh thấy não mình “động đậy” hơn.
Hơn 16 năm trong ngành bán lẻ điện máy, dấu ấn của Trần Xuân Kiên để lại là xóa tan tâm lý của người dùng về hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Giờ đây, trong lĩnh vực co-working space, anh muốn cộng đồng doanh nghiệp nhớ đến CoGo như tên tuổi có chút lực đẩy kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. “Dĩ nhiên, ở đâu có cơ hội kiếm tiền mà ít người biết, thì phải âm thầm đến trước, không khua chiêng gõ trống”, Kiên nói.