Năm 2017 kinh tế huyện tăng trưởng 11%, thu ngân sách đạt hơn 92 tỷ đồng (tăng gần 2,45 lần so với dự toán tỉnh giao), cho thấy Tràng Định đang phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của mình.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Lý Văn Lâm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định về định hướng phát triển kinh tế của huyện Tràng Định.
Tràng Định là địa phương hội tụ được cả ba yếu tố “thiên thời”, “địa lợi”, “nhân hòa”. Thiên nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi với hai cửa khẩu phụ (Nà Nưa, Bình Nghi) thông thương với Trung Quốc và đặc biệt là những bản làng bình yên của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông…
- Tràng Định nổi tiếng với rừng quế, hồi, quýt, gạo Thất Khê, thạch đen… Vậy huyện đã có định hướng thế nào trong việc khai thác những thế mạnh này, thưa ông?
Để khai thác hiệu quả tiềm năng trong sản xuất nông - lâm nghiệp, chúng tôi chủ trương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng phát triển mạnh các giống cây trồng mũi nhọn. Theo đó, Tràng Định đã từng bước đưa sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu và phát triển bền vững.
Với cánh đồng Thất Khê (rộng trên 1360ha), Tràng Định là vựa lúa của tỉnh, với những cánh đồng như Đại Đồng, Tri Phương, Quốc Việt đạt 50 triệu đến 70 triệu đồng/ha. Huyện chủ trương phát triển những giống lúa đặc sản đem lại năng suất và chất lượng cao. Với những loại cây trồng như quýt, quế, huyện đang tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý đăng ký nhãn hiệu tập thể Tràng Định.
Để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, Tràng Định cần đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối vùng nguyên liệu với thị trường tiêu thụ, đặc biệt với các cửa khẩu như Nà Nưa, Bình Nghi.
Về kinh tế rừng, huyện có diện tích rừng sản xuất 56.000ha, diện tích rừng hồi 3.500ha, quế 4.000ha… Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ, chúng tôi còn có giống cây trồng trăm tỷ, đó là thạch đen. Diện tích gieo trồng thạch đen từ 1.200ha đến 1.600ha, cây thạch đen đem đến 150 tỷ đồng cho người dân Tràng Định mỗi năm.
Để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, Tràng Định còn cần đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối vùng nguyên liệu với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là với các cửa khẩu như Nà Nưa, Bình Nghi. Điều này rất cần tỉnh, Trung ương quan tâm đầu tư.
- Ông đánh giá thế nào về kinh tế cửa khẩu của Tràng Định?
Tràng Định có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 51km với 2 cửa khẩu và cặp chợ biên giới. Cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) với cửa khẩu Bình Nhi (Trung Quốc) là cặp cửa khẩu đang được Chính phủ hai nước đầu tư nâng cấp lên thành cửa khẩu song phương.
Trong năm 2017, thu ngân sách từ lệ phí của hai cửa khẩu này đạt gần 60 tỷ đồng; kim ngạch xuất - nhập khẩu qua địa bàn đạt gần 800 triệu USD, riêng Tràng Định là 30 triệu USD. Tới đây, khi hai cửa khẩu và các tuyến giao thông được nâng cấp, kết cấu hạ tầng biên giới được đầu tư chắc chắn hoạt động thương mại, dịch vụ biên giới trên địa bàn huyện sẽ diễn ra sôi động hơn.
- Tràng Định có nhiều danh lam thắng cảnh, giao thông thuận lợi, sẽ góp phần hấp dẫn du khách, thưa ông?
Tràng Định là điểm nút giao thông kết nối đi nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh và quốc tế, có tuyến đường thủy nối cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) với cửa khẩu Bình Nhi (Trung Quốc). Nơi đây cũng là điểm trung gian, kết nối tour du lịch Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn -Cao Bằng - Lạng Sơn - Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) hoặc ngược lại.
Tràng Định cũng như toàn tỉnh Lạng Sơn, nằm trọn trong lòng máng trũng nối Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN. Đi từ huyện lỵ tới thủ đô chỉ có 4 giờ đi ô tô, đến Nam Ninh (Quảng Tây) khoảng khoảng 4,5 giờ đi ô tô.
Người dân Tràng Định quý nhất ở sự mộc mạc, chân thành; thắng cảnh thiên nhiên như hang động, di tích, quần thể sông suối, núi đồi thơ mộng, rồi lễ hội, chợ phiên, những bản dân ca, điệu múa dân gian, ẩm thực truyền thống... Có thể nói Tràng Định có đủ sức hấp dẫn với du khách thập phương. Du khách hãy đến với Tràng Định, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các bạn.
- Xin cảm ơn ông!