Tranh cãi Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ I): Nhà quản lý ủng hộ

Huỳnh Khởi 18/09/2018 10:00

Dự án thủy lợi lớn nhất ĐBSCL với số vốn đầu tư dự kiến đến trên 7.000 tỷ đồng đã bước vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư thì lại gặp sự phản biện dữ dội từ các chuyên gia thủy lợi, tài nguyên môi trường.

Theo ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi Miền Nam: Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước được thực hiện từ trước năm 2000. Thời gian lập dự án: Từ tháng 3/2010 đến 8/2018. Ngày 5/4/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1. Ngày 17/4/2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.309,5 tỷ đồng. Như vậy, nếu xét về mặt thời gian thì dự án này đã có thời gian chuẩn bị gần 10 năm.

p/Phối cảnh Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Phối cảnh Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Theo Quyết định phê duyệt: Dự án gồm bốn mục tiêu, đó là: kiểm soát mặn, giữ ngọt góp phần ổn định sản xuất, phát triển thủy sản; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn và kết hợp phát triển giao thông thủy bộ trong vùng dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, Kiên Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy triều biển Tây, tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng gay gắt, vào mùa khô nước mặn nồng độ 4-25 phần ngàn vào sâu trong nội đồng 8-9km, có năm còn sâu hơn, những cánh đồng bị nhiễm mặn nồng độ cao phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được sản xuất.

Dự án Cái Lớn - Cái Bé có vai trò quan trọng đối với tỉnh và nhận được sự đồng tình của các cấp, ngành và người dân trong vùng dự án. Khi hoàn thiện, Dự án này cùng 16 đập ngăn mặn do địa phương sắp triển khai sẽ khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất và đời sống của người dân Kiên Giang cũng như các tỉnh lân cận trong vùng bán đảo Cà Mau.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, Nguyễn Văn Đồng cho rằng, nguyên nhân nông dân Hậu Giang vẫn còn nghèo là do tình trạng nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng đến sản xuất. Hàng năm, tỉnh Hậu Giang phải chi hơn 40 tỷ đồng để đắp hàng trăm con đập ngăn mặn phục vụ sản xuất rất tốn kém. Nếu như có dự án Cái Lớn, Cái Bé thì mỗi năm chỉ riêng khoản tiết kiệm đắp đập đã làm lợi cho nông dân hơn 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ gồm TS.Lê Anh Tuấn, Ths Nguyễn Hữu Thiện, TS.Dương Văn Ni, TS.Nguyễn Hồng Tín và TS.Đặng Kiều Nhân đã đưa ra những ý kiến phản biện gần như toàn bộ bốn mục tiêu của Dự án Cái Lớn-Cái Bé.

(Kỳ II: Vì sao Nhà khoa học “bàn ra”?)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tranh cãi Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ I): Nhà quản lý ủng hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO