Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và gây ra những tác động nặng nề đối với các doanh nghiệp, trong đó có những tác động đối với việc thực hiện các hợp đồng kinh doanh – thương mại.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch của các cơ quan có thẩm quyền, các hợp đồng có nguy cơ bị vi phạm, đổ vỡ; các tranh chấp từ hợp đồng có khả năng xảy ra rất lớn.
Các tranh chấp từ hợp đồng kinh doanh trong bối cảnh của COVID-19 có thể kể đến như tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, chẳng hạn như nghĩa vụ thanh toán, nghĩa vụ giao hàng; tranh chấp về việc chấm dứt hợp đồng do tác động của COVI-19 (chẳng hạn hợp đồng thuê mặt bằng); tranh chấp về sửa đổi, chấm dứt hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản bởi COVI-19; tranh chấp về việc miễn trừ trách nhiệm do ảnh hưởng của COVID-19,…
Khi hợp đồng có nguy cơ xảy ra tranh chấp hoặc đã xảy ra tranh chấp, các bên có thể áp dụng nhiều biện pháp được pháp luật cho phép để xử lý các tranh chấp. Trong đó, hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp nên được cân nhắc.
Tại Việt Nam, cơ chế cho hoạt động của hòa giải thương mại là Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về hòa giải thương mại. Đã có nhiều trung tâm hòa giải được thành lập, nhiều trung tâm trọng tài có chức năng hòa giải (VIAC, STAC,…); nhiều hòa giải viên vụ việc được đăng ký và đủ điều kiện hoạt động theo danh sách đăng ký tại Sở Tư pháp các địa phương.
Vì sao nên chọn hòa giải thương mại?
Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện, linh hoạt và mểm dẻo. Phương thức này được tiến hành theo thỏa thuận hợp pháp giữa các bên tranh chấp. Các bên cũng được thỏa thuận lựa chọn hòa giải viên, địa điểm hòa giải. Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Thủ tục hòa giải thương mại không bị ràng buộc chặt chẽ về các thủ tục tố tụng như trọng tài hay Tòa án. Hòa giải thương mại thường được diễn ra dưới hình thức các cuộc họp chung hoặc cuộc họp riêng theo sự tổ chức của hòa giải viên và thỏa thuận của các bên nên rất thân thiện, linh hoạt, mềm dẻo. Hòa giải viên thương mại tham gia hòa giải đóng vai trò là bên thứ ba làm trung gian, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp chứ không phải là cơ quan tài phán, có quyền phán quyết hay quyết định về vụ tranh chấp như Hội đồng trọng tài trong trọng tài thương mại hay Hội đồng xét xử trong giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.
Vì thân thiện, linh hoạt nên hòa giải thương mại cũng là phương thức giải quyết tranh chấp vừa giúp tranh chấp được giải quyết mà vẫn duy trì tốt quan hệ hợp tác, đối tác giữa các bên tranh chấp; không làm tranh chấp leo thanh hay căng thẳng, “thắng – thua”, đổ vỡ mối quan hệ hợp tác giữa các bên.
Bên cạnh đó, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bảo mật. Đây là nguyên tắc trong giải quyết tranh chấp bằng hòa giải được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Đặc điểm này cũng giống với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Ưu điểm này hoàn toàn vượt trội so với giải quyết tranh chấp bằng Tòa án là các vụ tranh chấp về hợp đồng, kinh doanh thương mại thường được xét xử công khai, nhiều thông tin của các bên, thông tin của vụ tranh chấp sẽ bị tiết lộ.
Một ưu điểm nổi trội nữa của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại là thời gian giải quyết nhanh chóng. So với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì trọng tài đã nhanh chóng hơn vì không phải trải qua hai cấp xét xử nhưng với trình tự, thủ tục tố tụng cụ thể, thời gian giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn có thể bị kéo dài trung bình đến 06 tháng. Trong khi đó, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thường ngắn hơn thời hạn này. “Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối” nên thời gian giải quyết tranh chấp nhanh chóng cần được cân nhắc khi lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp.
Về chi phí, phí hòa giải tương đối thấp. Khi yêu cầu hòa giải, bên yêu cầu chỉ nộp một khoản phí đăng ký hòa giải rất nhỏ. Tại Việt Nam, mức phí này chỉ khoảng 2 triệu – 3 triệu đồng. Nếu hòa giải thành thì các bên tranh chấp mới chịu phí hòa giải theo biểu phí của hòa giải viên hoặc các trung tâm hòa giải. Mức phí này thường phân bổ đều cho các bên tranh chấp tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Về hệ quả pháp lý của hòa giải, nếu hòa giải thành thì tranh chấp xem như đã được giải quyết. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu một bên không tự nguyện thi hành kết quả hòa giải thành thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành để làm cơ sở yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp hòa giải không thành, các bên vẫn có thể tiếp tục đưa vụ tranh chấp ra Tòa án hay Trọng tài để giải quyết theo quy định.
Làm thế nào để tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại?
Như trên đã đề cập, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp xuất phát từ sự thỏa thuận của các bên. Do đó, nếu muốn tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại thì các bên cần có thiện chí, hợp tác, cần có thỏa thuận hòa giải.
Thỏa thuận hòa giải có thể được lập dưới dạng một điều khoản trong hợp đồng hoặc độc lập với hợp đồng; được lập trước khi xảy ra tranh chấp hay sau khi đã xảy ra tranh chấp.
Thỏa thuận hòa giải có thể được lập trên cơ sở kết hợp với các phương thức giải quyết tranh chấp khác như thương lượng, trọng tài để hình thành nên điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng mà hòa giải là một tầng giải quyết tranh chấp.
Tóm lại, hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp đối với các hợp đồng kinh doanh, thương mại với những ưu điểm và hạn chế riêng của nó. Các bên tranh chấp trong hợp đồng kinh doanh, nhất là tranh chấp trong bối cảnh của COVID-19, cần cân nhắc lựa chọn để tranh chấp được giải quyết hiệu quả, hữu hảo.
Có thể bạn quan tâm
04:10, 23/01/2021
12:30, 20/01/2021
11:17, 12/01/2021
11:01, 11/01/2021