Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ “xuyên biên giới” – Những “lỗ hổng” cần tháo gỡ

HOÀNG CHÂU 29/08/2023 19:00

Câu hỏi “có hay không” cần thiết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được trả lời từ nhiều năm nay. Nhưng phải chăng chúng ta đã làm tốt trong lĩnh vực này?

>>>Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số

Tại Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ đã được pháp luật ghi nhận và bảo hộ từ trước cả khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời vào năm 2005. Câu hỏi “có hay không” cần thiết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được trả lời từ nhiều năm nay. Nhưng phải chăng chúng ta đã làm tốt trong lĩnh vực này?

Tại Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ đã được pháp luật ghi nhận và bảo hộ từ trước cả khi Luật Sở hữu Trí tuệ ra đời vào năm 2005. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ đã được pháp luật ghi nhận và bảo hộ từ trước cả khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời vào năm 2005. Ảnh minh họa

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dường như điều này đã được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Với các lãnh đạo quốc gia, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích công nghệ phát triển, để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hay xa hơn là để thúc đẩy nền kinh tế tri thức. Với các doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ là tài sản, là “vũ khí” trên thương trường, không thể không bảo vệ.

Song song với các lợi ích to lớn của quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tiếp nhận ngày càng nhiều các tranh chấp “xuyên biên giới”, đa quốc gia. Sở hữu trí tuệ cũng không phải ngoài lệ. Việc giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ “xuyên biên giới”, đa quốc gia đã bộc lộ một số nút thắt, thậm chí là lỗ hổng, trong hệ thống pháp luật cần được tháo gỡ và xử lý.

Tiếp nhận và xử lý chứng cớ chưa được quy định rõ ràng

Trong các tranh chấp “nội địa”, việc tòa án và các cơ quan chức năng thu thập, tiếp nhận chứng cứ hay thông tin khởi tạo tại Việt Nam là điều dễ hiểu và đã được quy định trong pháp luật hiện hành. Nhưng đối với các tranh chấp “xuyên biên giới”, việc tiếp nhận và xử lý chứng cứ hay thông tin khởi tạo ngoài Việt Nam vẫn là vấn đề mới, chưa được pháp luật quy định rõ ràng, dẫn đến quá trình áp dụng pháp luật thiếu thống nhất tại các tòa án và cơ quan chức năng.

Đối với các tranh chấp “xuyên biên giới”, việc tiếp nhận và xử lý chứng cứ hay thông tin khởi tạo ngoài Việt Nam vẫn là vấn đề mới, chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Ảnh minh họa

Đối với các tranh chấp “xuyên biên giới”, việc tiếp nhận và xử lý chứng cứ hay thông tin khởi tạo ngoài Việt Nam vẫn là vấn đề mới, chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Ảnh minh họa

Gần đây, một doanh nghiệp Hoa Kỳ đã khởi kiện một doanh nghiệp Hàn Quốc vì cho rằng doanh nghiệp Hàn Quốc xâm phạm bí mật kinh doanh đối với công nghệ của mình tại Việt Nam. Chứng cứ mà doanh nghiệp Hoa Kỳ đưa ra là các bản án có hiệu lực của tòa án tại Hàn Quốc, khẳng định rằng họ là chủ sở hữu của công nghệ và bí mật kinh doanh đối với một công nghệ tách hydro propane (PDH) được sử dụng để sản xuất propylene. Doanh nghiệp Hoa Kỳ này là một trong hai doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới sở hữu công nghệ quan trọng này đã được thương mại hóa trên quy mô công nghiệp. Quan trọng hơn nữa, phán quyết của Tòa án tại Hàn Quốc xác nhận hành vi xâm phạm công nghệ và bí mật kinh doanh của công ty Hàn Quốc (là công ty mẹ của bị đơn tại Việt Nam) bởi lẽ: Chính công ty Hàn Quốc này đã mua quyền sử dụng công nghệ tách hydro propane từ công ty Hoa Kỳ với mục đích xây dựng và vận hành một nhà máy duy nhất ở Hàn Quốc, tuy nhiên công ty Hàn Quốc lại tiếp tục xây dựng và vận hành nhà máy thứ 2 tại Hàn Quốc mà không xin phép chủ sở hữu là doanh nghiệp Hoa Kỳ. Việc xây dựng và vận hành nhà máy thứ 2 tại Hàn Quốc đã bị tòa án Hàn Quốc tuyên là vi phạm, yêu cầu chấm dứt và buộc bồi thường thiệt hại.

Điều thú vị là chính doanh nghiệp Hàn Quốc này lại tiếp tục đầu tư và xây dựng một nhà máy thứ ba tại Việt Nam. Với các thông tin được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia công nghệ của công ty Hoa Kỳ tin tưởng rằng: Nhà máy thứ 3 tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ của họ, tương tự như nhà máy thứ 2 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trớ trêu là để có thể chứng minh trước tòa, công ty Hoa Kỳ cần được tiếp cận các thông tin chi tiết về công nghệ của nhà máy thứ 3, thậm chí là tiếp cận bên trong nhà máy này. Nếu áp dụng một cách cứng nhắc các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu công ty Hoa Kỳ, với tư cách là nguyên đơn, phải có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm của bị đơn thì vụ kiện rất có thể trở thành một “điệp vụ bất khả thi”. Những thông tin và chứng cứ mà nguyên đơn cho rằng rất mạnh thì chỉ là bản án của Tòa án Hàn Quốc, tức là thông tin ngoài lãnh thổ Việt Nam.  Đây là nút thắt mà công ty Hoa Kỳ, chủ sở hữu của công nghệ tách hydro propane danh tiếng toàn cầu, sẽ không dễ dàng tháo gỡ.

Bí mật thương mại phức tạp

Nút thắt tiếp theo là các quy định về bảo vệ bí mật thương mại của pháp luật Việt Nam. Theo Luật Sở hữu Trí tuệ, bí mật thương mại là một đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ, nhưng nó không được cấp bằng như một sáng chế. Vì vậy, việc xem xét bảo hộ bí mật thương mại sẽ có phần phức tạp hơn sáng chế (đặc biệt là sáng chế quy trình, cho phép chủ thể quyền yêu cầu bên vi phạm cung cấp chứng cứ). Thực tiễn bảo hộ trên thế giới cho thấy, các tòa án và cơ quan chức năng luôn luôn dựa vào ý kiến của chuyên gia, do tòa án triệu tập hay trưng cầu, trước khi khẳng định có hay không có hành vi vi phạm bí mật thương mại. Nói cách khác, Tòa án chỉ xem xét các vấn đề pháp lý. Vấn đề kỹ thuật sẽ dựa vào ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Giải pháp nào để các bên cùng thắng

Nói một cách công bằng, để xây dựng nhà máy tại Việt nam, Công ty Hàn Quốc cũng đã phải đầu tư một khoản tiền lớn, đây là nỗ lực không nên phủ nhận. Tuy nhiên, mọi công ty đã và đang kinh doanh tại Việt Nam đều cần tuân thủ pháp luật và đều phải được đối xử công bằng dựa trên các quy định của pháp luật chứ không phải giá trị của khoản đầu tư. Cũng không thể nhắc đến thực tế là công ty Hoa Kỳ, chủ sở hữu của công nghệ tách hydro propane danh tiếng, đã cấp phép sử dụng công nghệ này cho các doanh nghiệp khác tại Việt Nam và sẽ cân nhắc mở rộng phạm vi cấp phép công nghệ cho Việt Nam sau vụ việc này. Sẽ là một kết cục hoàn hảo nếu Công ty Hàn Quốc chấp nhận trả phí công nghệ và được phép tiếp tục vận hành nhà máy tại Việt Nam. Lúc này thì không ai là người thua cuộc, và nền kinh tế Việt nam sẽ được lợi nhiều nhất từ những đóng góp (lúc này đã trở nên hợp pháp) của nhà máy do Công ty Hàn Quốc sở hữu, và hơn nữa là từ lòng tin của các chủ sở hữu công nghệ, không chỉ từ Hoa Kỳ mà còn cả các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng sẽ là một kết cục buồn cho Việt Nam nếu các nút thắt không được tháo gỡ và các bên phải phân định thắng thua ở tòa án. Chưa nói đến thiệt hại của doanh nghiệp Hoa Kỳ, rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam mua quyền sử dụng công nghệ này sẽ trở nên kém cạnh tranh ngay trên sân nhà, chỉ bởi họ đã tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm túc.

Cho dù bên nào thắng, cộng đồng đầu tư và cộng đồng công nghệ cao trên thế giới đều có thể đặt dấu hỏi đối với pháp luật Việt Nam và cách thức Việt Nam giải quyết các nút thắt trong các tranh chấp xuyên quốc gia. Thiết nghĩ, đây không còn là vấn đề của riêng doanh nghiệp, mà thực sự cần nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Hội Truyền thông số lên tiếng bảo vệ

    Hội Truyền thông số lên tiếng bảo vệ "quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt" trên nền tảng số

    16:37, 13/10/2022

  • Kiến tạo nền tảng thương mại điện tử về quyền sở hữu trí tuệ

    Kiến tạo nền tảng thương mại điện tử về quyền sở hữu trí tuệ

    15:04, 22/09/2022

  • Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số

    Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số

    00:06, 29/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ “xuyên biên giới” – Những “lỗ hổng” cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO