Tránh hình sự hóa trong kinh doanh: Chủ doanh nghiệp cần làm gì?

NGUYỄN THÀNH 15/01/2018 13:42

“Bộ Luật hình sự mới có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 có rất nhiều điểm mới so với trước đây. Trong đó, đã quy định rõ 33 tội danh của pháp nhân thương mại”.

 Đó là khẳng định của các chuyên gia luật tại Hội thảo “Loại bỏ rủi ro hình sự, doanh chủ cần làm gì” vừa diễn ra tại TP HCM.

Bộ Luật hình sự năm 2018 có rất nhiều quy định mới, quan trọng và tiến bộ về quyền con người và quyền công dân. Đặc biệt, lần đầu tiên, có sự xuất hiện của chủ thể là pháp nhân thương mại. Tội tham nhũng được tính ở cả khu vực tư. Đồng thời, nhiều điều ước quốc tế được đưa thẳng vào Bộ Luật hình sự hoặc được căn cứ vào.

Pháp nhân thương mại chịu 33 tội danh

TS Trần Sỹ Chương, thành viên HĐQT Cty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình mở đầu với những trăn trở: Bộ Luật hình sự mới có vẻ “khốc liệt” với doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp khi quy định rõ tới 33 tội danh của pháp nhân thương mại. Hiện nay, kinh doanh tại Việt Nam đã khó khăn, với việc siết chặt luật pháp trong kinh doanh này, e rằng chủ doanh nghiệp sẽ không dám “có gan làm giàu” vì đụng tới lĩnh vực nào cũng có thể bị hình sự hóa.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân TP HCM thì: Chính những điểm mới quy định trong Bộ Luật hình sự 2018 đã và đang mở rộng cánh cửa làm giàu cho doanh nhân Việt. Luật càng quy định cụ thể, rõ ràng thì người thực thi càng dễ thực hiện, chứ như bộ luật cũ trong suốt 30 năm qua quy định chung chung nên rất khó cho cả phía thực hiện và người xử lý sai phạm theo luật.

Luật sư Vũ Phi Long chia sẻ điểm đặc biệt của Bộ Luật hình sự mới 2018

Luật sư Vũ Phi Long chia sẻ điểm đặc biệt của Bộ Luật hình sự mới 2018

Ông Long cho biết, Bộ Luật hình sự mới của Việt Nam lần đầu tiệm cận quốc tế. Những nội dung nêu ở đầu bài đã có từ lâu trong bộ luật hình sự các nước trên thế giới. Một bộ luật càng rõ ràng và chi tiết sẽ càng giúp pháp nhân thương mại và doanh chủ ít phạm sai lầm hơn, bỏ bớt đi những khoản mờ.

“Thế nhưng, sở dĩ tôi phải nhấn mạnh việc, nếu các doanh chủ không quan tâm đủ đến những luật hình sự mới có thể phải trả giá. Bởi, chúng không giống cách chúng ta hành xử trong làm ăn suốt hơn 30 năm qua. Mà thói quen là một thứ rất đáng sợ”, ông Long nói.

Ông Long cũng cho rằng, trong Luật hình sự mới có nhiều chủ thể, điều luật và quy phạm mới. Song chúng cũng hết sức rõ ràng, khi ghi thẳng tên rất nhiều tội danh trong kinh doanh. Nếu các doanh chủ nhận diện đầy đủ, sẽ loại trừ được rất nhiều rủi ro.

Để giúp các doanh chủ phần nào hiểu một cách tương đối những điểm quan trọng cần chú ý trong Luật hình sự mới, ông Long đã làm rõ vài khái niệm cũng như chỉ ra những điều luật nào các doanh chủ phải đặc biệt chú ý:

Thứ nhất, Pháp nhân thương mại được định nghĩa đơn giản là một pháp nhân có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận rồi chia cho các thành viên. Không bao gồm các cơ quan Nhà nước cùng với các đoàn, đội, hội… có tính chất xã hội, chúng được gọi là pháp nhân phi thương mại.

Thứ hai, chủ thể mới- Pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) và con người thực hiện công việc (doanh chủ và đồng sự). Bây giờ, tội tham nhũng, hối lộ và môi giới hối lộ không còn dành riêng cho khu vực công mà đã chuyển sang khu vực tư. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện một phần công ước quốc tế, giúp minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh.

Cụ thể, trước đây, các CEO được thuê, nếu có lỡ tham ô ngân sách của công ty, sẽ được giải quyết bằng cách thỏa thuận trả lại tiền hoặc cách nào đó, chứ ít bị đưa ra tòa. Nhưng bây giờ ngược lại, CEO đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật, có thể bị tù tội.

Riêng về hối lộ, không những hối lộ vật chất như tiền, tài sản, xe cộ, du lịch… bị xử lý hình sự, mà phi vật chất cũng thế. Ví dụ, trước đây, hối lộ tình dục chỉ bị phê phán về mặt đạo đức và không có chế tài thỏa đáng để xử lý. Những bây giờ, hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Các tú bà làm nghề môi giới giờ đây có thể không đi tới trại phục hồi nhân phẩm, mà sẽ bị phạt tù.

Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại có 33 tội danh, chia ra 4 cụm chính: buôn lậu- thương mại, thuế- hóa đơn- chứng từ, chứng khoán- bảo hiểm, rửa tiền- tài trợ khủng bố. Cho nên, bắt đầu từ năm 2018, nếu thấy có bất cứ khoản tiền nào không minh bạch trong tài khoản của doanh nghiệp, các ông chủ cần phải kiểm tra cẩn thận. Việc không chứng minh được nguồn gốc đồng tiền, chủ tài khoản đó sẽ bị xử phạt bằng biện pháp hình sự.

Ngoài ra, có thêm điểm mới nữa là về tội danh đồng phạm. Đồng phạm có thể giữa pháp nhân thương mại- pháp nhân thương mại, pháp nhân thương mại- cá nhân, cá nhân- pháp nhân thương mại. Đây là một tội danh mà các doang nghiệp rất hay vô ý mắc phải. 

Doanh chủ cần làm gì?

Theo Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Điều hành Công ty Đông Phương Luật chia sẻ: Để vận hành tốt công việc kinh doanh trong tầm kiểm soát của pháp luật theo những điểm mới của Bộ Luật hình sự 2018, các doanh chủ cần phải nhận thức đúng tầm quan trọng của sự việc, phải vô cùng tỉnh táo, đo lường được rủi ro, trước khi ra bất cứ một quyết định dù nhỏ nào.

Đồng quan điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Lộc- Chủ tịch Tổ hợp LP Group khẳng định: Không phải doanh nhân lúc nào vi phạm luật cũng do lỗi cố ý của họ, mà đa phần do thiếu hiểu biết về luật pháp hoặc do mất kiểm soát trong hệ thống quản trị doanh nghiệp. Tôi cho rằng, các CEO cần có tinh thần thượng tôn pháp luật, bắt đầu bằng việc chú trọng tới các quy chế pháp lý và tăng cường thực thi cơ chế kiểm soát tuân thủ trong quản trị doanh nghiệp. Nếu biết cách kiểm soát tốt, họ và doanh nghiệp của họ hoàn toàn có thể loại bỏ rủi ro hình sự trong kinh doanh.

Cũng theo Luật sư Lộc, để tránh được rủi ro hình sư, các doanh chủ cần làm tốt bốn bước: Một là, tiến hành rà soát lại toàn bộ chính sách, quy trình, quy chế, các văn bản, chứng từ… thuộc bộ hồ sơ pháp lý doanh nghiệp, từ vấn đề quản trị công ty, kinh doanh, giao dịch, quản lý lao động, thuế, BHXH, chăm sóc khách hàng, xử lý rủi ro… để đưa ra báo cáo rà soát pháp lý công ty.

Hai là, soạn thảo các quy trình liên quan đến từng hoạt động của công ty và có sự thống nhất theo quy chuẩn nào đó. Và được thông qua bởi người có thẩm quyền để công bố cho toàn công ty. Các điều khoản về quyền miễn trừ cần được lồng ghép vào các quy trình này.

Ba là, ở các phòng ban hoặc nhân sự chủ chốt như phòng tài chính, kế toán trưởng cần có những cam kết trách nhiệm, bao gồm cam kết về tuân thủ pháp luật và tự chịu trách nhiệm. Các cam kết có thể thuộc quy chế phân quyền và giới hạn trách nhiệm các nhân và doanh nghiệp.

Bốn là, việc ban hành quy trình và chính sách kinh doanh cần thể hiện qua các “công bố miễn trừ trách nhiệm” gửi đến toàn bộ nhân sự và công khai tại nơi làm việc. việc minh bạch hóa và tách bạch này sẽ bảo vệ cho doanh nghiệp tránh các rủi ro hình sự từ cá nhân và CEO cũng vậy.

Cuối cùng, “đối với các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp có doanh thu lớn (trên 1.000 tỷ đồng/năm) thì nên có bộ phận pháp chế và kiểm soát tuân thủ để tư vấn trực tiếp cho ban giám đốc và CEO hằng ngày trong quá trình thực thi. CEO có thể chuyển giao trách nhiệm pháp lý cho phòng ban này hoặc văn phòng luật sư thuê ngoài bằng những cam kết trách nhiệm nghề nghiệp. đối với các doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực, như các SME- Startup hoặc nhà đầu tư tự do, họ cũng cần thiết kế những quy chuẩn riêng để quản trị rủi ro pháp lý”, Luật sư Lộc nói. 

Trong 33 tội danh của pháp nhân thương mại, các doanh chủ cần lưu ý đến các điều sau:

Điều 324- Tội rửa tiền, các pháp nhân thương mại phải chứng minh tiền có trong tài khoản của mình là hợp pháp- tức có nguồn gốc rõ ràng, nếu không sẽ bất hợp pháp, không có cái ở giữa.

Điều 235- Tội gây ô nhiễm môi trường ghi thẳng theo công ước Stockholm. Nếu pháp nhân thương mại nào chôn lấp hoặc xả chất thải gây hại tới môi trường từ 1.000kg đến 3.000kg sẽ chịu trách nhiệm hình sự (sẽ tính trên tổng số thời gian doanh nghiệp đã làm và thực hiện).

Điều 209- Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và bảo hiểm.

Điều 216- Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Điều 217, 225 và 226- Tội vi phạm quy định về cạnh tranh, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, âm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tránh hình sự hóa trong kinh doanh: Chủ doanh nghiệp cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO