Theo ý kiến một số ĐBQH, vấn đề giám sát hậu chất vấn là rất quan trọng, bởi nếu chỉ chất vấn và trả lời chất vấn như vậy thì “dĩ hòa vi quý”, thậm chí “hòa cả làng”.
Bắt đầu từ hôm nay (4/6) tới ngày 6/6, tại kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, bộ trưởng các bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải (GTVT), Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ đăng đàn.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ghi nhận ý kiến các ĐBQH về hiệu quả từ các phiên chất vấn mang lại.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Tiếc khi những vấn đề "nóng" không đưa ra chất vấn
Chất vấn trên nghị trường luôn là khoảng thời gian sôi động nhất. Không chỉ có nhân dân, cử tri mà các đại biểu Quốc hội đều rất mong đợi hoạt động này.
Qua thực tế những phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội nhiều năm trở lại đây, hoạt động này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tôi tin rằng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 sẽ thể hiện được tính hấp dẫn, nóng bỏng và bám sát thực tiễn của cuộc sống. 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn lần này đều hợp lý và xứng đáng để đưa ra nghị trường Quốc hội.
Để quyết định chất vấn lĩnh vực nào, Quốc hội đã có cách làm khá dân chủ và công khai: Từ việc tập trung hết ý kiến các cử tri trong cả nước, chia nhóm cho các đại biểu Quốc hội; từ đó chọn ra 5 nhóm có nhiều ý kiến của cử tri, rồi gửi cho các đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 lĩnh vực để đưa ra chất vấn tại Hội trường.
Tuy nhiên, tôi tiếc nuối khi những vấn đề nóng không đưa ra chất vấn tại nghị trường lần này nhưng có thể hiểu được là do thời gian dành cho chất vấn có hạn.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Hạ tầng giao thông là một điểm nghẽn tăng trưởng
Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, bởi một trong những điểm nghẽn làm cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế là hạ tầng giao thông. Mặc dù Quốc hội dành ngân sách lớn cho đầu tư công, nhưng trong những năm qua giải ngân rất chậm. Bộ trưởng Bộ GTVT phải làm rõ nguyên nhân của việc này, nhất là ở những dự án giao thông khiến người dân bức xúc.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 03/06/2019
07:04, 03/06/2019
05:00, 02/06/2019
13:30, 31/05/2019
05:00, 29/05/2019
Với nguồn vốn có hạn, bộ cần xác định rõ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vào khu vực nào để thiết thực và hiệu quả. Vấn đề giao thông là yếu tố quyết định, tôi nghĩ Bộ GT-VT lần này sẽ là điểm nóng chất vấn.
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai): Điều chỉnh quy hoạch, phạt rồi cho tồn tại?
Việc quy hoạch và tuân thủ quy hoạch trong xây dựng thời gian qua chưa tốt đã dẫn tới những hệ quả phức tạp, thậm chí gần như không thể khắc phục được. “Chúng ta để nhà cao tầng, chung cư mọc lên san sát nhau thì không gian sống của cư dân ở đó sẽ rất khó khăn. Đặc biệt là không có cách nào khắc phục được tình trạng kẹt xe, hay mưa ngập, ô nhiễm môi trường rồi các nguy cơ hỏa hoạn".
Đặc biệt, hiện nay tại nhiều địa phương chỉ chăm chăm điều chỉnh quy hoạch để làm cái A, cái B dẫn đến làm nát quy hoạch và phá vỡ những quy hoạch khác. Do đó, tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng như các thành viên Chính phủ phải có giải pháp để giải quyết, đặc biệt là trong khâu quản lý, không thể điều chỉnh quy hoạch để làm nhà cao tầng hay để diễn ra tình trạng phạt rồi cho tồn tại.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị): Mục tiêu của chất vấn là đi đến cùng vấn đề
Về nội dung chất vấn, tôi thấy 4 nhóm vấn đề đã nêu đều “nóng”. Chẳng hạn, với Bộ Công an, như chính báo chí phản ánh, vừa qua có tình trạng gia tăng tệ nạn xã hội như ma túy, tham nhũng… hay việc không kịp thời ngăn chặn hành vi chạy trốn của tội phạm.
Với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đây là lần đầu tiên ông thay mặt Thủ tướng trả lời chất vấn, tôi nghĩ cử tri, nhân dân và doanh nghiệp cũng sẽ rất quan tâm trong bối cảnh ngoại giao hiện nay gắn liền với chính trị, kinh tế. Ví dụ, diễn tiến của quan hệ Mỹ - Trung sắp tới sẽ theo chiều hướng nào, tác động thế nào đối với Việt Nam, liệu Mỹ có thay đổi mức thuế đối với hàng hóa Việt Nam hay không...
Mục tiêu của chất vấn là phải giải quyết được vấn đề, đi đến cùng vấn đề chứ không phải là tôi được trả lời bao nhiêu, tôi đã trả lời thế nào.
Tôi đề nghị để đạt được mục tiêu này thì sự linh hoạt trong điều hành chất vấn là rất quan trọng. “Dần dần, không chỉ chất vấn mà tất cả mọi hoạt động phải đi vào thực chất của vấn đề, chứ không phải qua loa cho xong. Tôi cho rằng quan trọng nhất của chất vấn vẫn là giải quyết được vấn đề dân bức xúc”, ĐB Sinh nói thêm.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Cần sự chân thực của Bộ trưởng
Thực tế cho thấy những bộ trưởng, trưởng ngành nào trả lời thẳng vào vấn đề, chân thực sẽ được ĐB đánh giá cao; còn không nhìn thẳng vào sự thật, không nói thẳng thì các ĐB sẽ chất vấn lại.
Tôi kỳ vọng các bộ trưởng sẽ trả lời thật ngắn gọn, nói thẳng vào vấn đề, kể cả cái gì làm được, cái gì chưa. Bởi nếu bộ trưởng đã nhìn nhận nói ra được thì tất cả chúng ta đều chia sẻ chứ không phải đánh giá, quy kết gì trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Nghỉ dưỡng kết hợp tâm linh liệu có hợp lý?
Tôi rất quan tâm tới các vấn đề của Bộ Xây dựng. Tôi sẽ đặt vấn đề về việc quy hoạch, xây dựng nhà chung cư cao tầng. Bên cạnh việc quy hoạch, xây mới là chuyện sửa chữa, nâng cấp các chung cư cũ hiện đang xuống cấp trầm trọng. Bộ trưởng sẽ giải quyết vấn đề này ra như thế nào để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân và doanh nghiệp trong việc này.
Một vấn đề nữa tôi quan tâm, đó là quy hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh, có khu được quy hoạch với hàng ngàn ha. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần làm rõ trong vấn đề này. Tất nhiên sẽ có liên quan tới nhiều bộ, ngành khác nhưng tôi thấy tại các khu du lịch tâm linh không có sự tách bạch rõ ràng giữa tâm linh và thương mại dịch vụ.
Do đó, tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ việc có hay không lợi ích nhóm giữa chủ đầu tư và người duyệt quy hoạch khi điều chỉnh quy hoạch; việc quy hoạch cả ngàn héc ta cho các khu du lịch kết hợp tâm linh liệu có hợp lý hay không cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình trạng xây dựng sai phép, nhất là những công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp…
Một điều nữa đó là sau các phiên chất vấn, có ý kiến nói rằng chất vấn như vậy thì “dĩ hòa vi quý”, thậm chí “hòa cả làng” nên vấn đề giám sát hậu chất vấn là rất quan trọng. “Hy vọng rằng sau các phiên chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có sự chuyển đổi tích cực hơn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế được cử tri, ĐBQH nêu ra để người dân có thể tin tưởng hơn.
Thậm chí, ngay các ĐBQH cũng phải có trách nhiệm với những chất vấn của mình. Các ĐBQH sau chất vấn cũng phải giám sát việc thực hiện những vấn đề mà mình nêu ra và bộ trưởng đã hứa thực hiện, giải quyết để báo cáo lại với cử tri. Chỉ khi nào cả ĐBQH lẫn các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tạo được lòng tin cho người dân thì hoạt động chất vấn mới mang lại hiệu quả thực sự.