Với tiềm lực tài chính, bề dày kinh nghiệm thì đây chính là thời điểm đặt lên vai các doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, sáng 21/9.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, mở rộng quy mô về vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động, thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
“Đặc biệt đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, SOVICO, TH…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là “mắt xích” quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Quy mô nền kinh tế từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
“Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bối cảnh mới cũng đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước, như phải tăng trưởng xanh, bền vững, là mục tiêu đạt net zero vào năm 2050, thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh.
Tăng trưởng dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.
“Do đó, các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác”, Bộ trưởng đề nghị.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, thì đây chính là thời điểm đặt “lên vai” các doanh nghiệp lớn những “sứ mệnh” lớn lao hơn.