Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ I): Vòng xoáy xung đột và phân rã

TS. BÙI NGỌC SƠN- Chuyên gia kinh tế độc lập 07/07/2022 12:00

Trật tự kinh tế thế giới hiện hành được hình thành từ sau Thế chiến thứ 2, đang có nhiều thay đổi và gặp nhiều thách thức do xung đột Mỹ - Trung và sự cô lập của kinh tế Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung là sự khởi đầu của quá trình phân rã và cô lập về kinh tế với Trung Quốc.

 Chính quyền Biden đã từ bỏ chính sách “American first” của Trump và thay bằng “American back”. (Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo G-7 điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP)

Chính quyền Biden đã từ bỏ chính sách “American first” của Trump và thay bằng “American back”. (Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo G-7 điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP)

>> “Cơn gió ngược” nào cản kinh tế thế giới?

Thay đổi cuộc chơi

Sự phân rã và cô lập đối với Trung Quốc thể hiện trên bốn lĩnh vực: Chuỗi cung ứng sẽ không còn tập trung ở Trung Quốc mà phân bổ về chính quốc hoặc đồng minh “gần nhà”; Dòng vốn toàn cầu cũng đi theo sự phân bố này, theo đó, dòng vốn sẽ bị ngăn đến Trung Quốc và nước này cũng sẽ bị ngăn cản tiếp cận với dòng vốn quốc tế thông qua các thị trường tài chính quốc tế lớn; Ngăn dòng thương mại từ Trung Quốc bằng cách nâng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ nước này; Ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ và phương Tây.

Dưới thời Tổng thống Trump đề cao lợi ích của Mỹ một cách thái quá khiến Mỹ xung đột lợi ích với các đồng minh. Nhiều đồng minh của Mỹ không muốn đứng về phía Mỹ chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, COVID-19 xuất hiện đã làm thay đổi cuộc chơi khi Trung Quốc cạnh tranh bằng nhiều thủ đoạn không công bằng. Theo đó, các đồng minh của Mỹ đã thay đổi thái độ chống lại Trung Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền kể từ đầu năm 2021, Mỹ vẫn tiếp tục các chính sách đối với Trung Quốc từ thời chính quyền Trump nhằm gia tăng phân rã và cô lập Trung Quốc. Quan trọng, chính quyền Biden đã từ bỏ chính sách “American first” của Trump và thay bằng “American back”. Nghĩa là, Mỹ đã trở lại với lối chính sách truyền thống là đoàn kết với đồng minh trong các chính sách đối ngoại. Chính sách này đã thúc đẩy sự đoàn kết giữa Mỹ và đồng minh hơn nữa trong và sau đại dịch nhằm chống lại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Chính quyền Biden đã khởi xướng ý tưởng thành lập “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” (IPEF) nhằm tạo lập nhóm các nền kinh tế giữa các đồng minh trong khu vực, hay EU cũng thực thi “Sáng kiến Cổng Toàn cầu” (GGI) nhằm hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ số, giáo dục, văn hóa… trên thế giới nhằm đối lập với BRI của Trung Quốc.

Trung Quốc điêu đứng

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đã khiến sức mạnh của Trung Quốc có khuynh hướng thoái trào, thậm chí, cái gọi là “mô hình Trung Quốc” có nguy cơ sụp đổ vì các nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, động lực tăng trưởng của Trung Quốc vốn đã suy yếu lại càng suy yếu thêm. Trước đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với những khó khăn như đà tăng trưởng sụt giảm, năng suất lao động giảm, dân số già nhanh chóng, thị trường bất động sản và khu vực tài chính luôn trong tình trạng có thể rơi vào khủng hoảng bất kỳ lúc nào…. Đại dịch càng làm trầm trọng thêm những khó khăn này.

động lực tăng trưởng của Trung Quốc vốn đã suy yếu lại càng suy yếu thêm.

Động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vốn đã suy yếu, lại càng suy yếu thêm do chính sách zero- Covid.

>> "Bóng ma" lạm phát đình đốn đe dọa kinh tế thế giới

Thứ hai, dưới sức ép của Mỹ và các đồng minh, Trung Quốc ngày càng bị cô lập.

Thứ ba, sáng kiến Vành đai- Con đường (BRI) gặp khó khăn vì nguồn tài chính cạn kiệt. Những cam kết hoàn thành các dự án ở nước ngoài khó trở thành hiện thực. Điều này lại càng làm suy giảm sức mạnh mềm của Trung Quốc trên thế giới. Srilanka đang là ví dụ điển hình về vỡ nợ do vay nợ cho các dự án BRI.

Thứ tư, sự bùng phát dịch COVID-19 đầu năm 2022 và những lệnh phong tỏa ở 41 thành phố, kể cả những thành phố lớn như Thượng Hải… theo chiến lược zero-Covid đang khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp rủi ro cao. Sự tháo chạy của các nhà đầu tư có dấu hiệu tăng mạnh vì không muốn tốn chi phí ở lại Trung Quốc.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 còn 4,3%, tức giảm 0,8 điểm % so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2021. Thậm chí, nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc còn giảm mạnh hơn nhiều dự báo của WB do tác động của chiến lược zero-Covid.

Mỹ chia sẻ quyền lực

Sự độc tôn của kinh tế Mỹ giảm dần dẫn đến sự chia sẻ quyền lực và/hay quyền lãnh đạo từ Mỹ sang các quốc gia hay nhóm quốc gia khác.

Những giai đoạn kể từ 1945 đến trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, quyền lãnh đạo của Mỹ dù suy giảm và phải chia sẻ thì về cơ bản, đó là sự chia sẻ với các đồng minh của Mỹ, từ vị trí độc tôn của Mỹ sang vị trí của G7 (hạt nhân vẫn là Mỹ), rồi G20 (nhưng hạt nhân vẫn là Mỹ và G7). Do đó, quyền lãnh đạo hệ thống Bretton Woods (BW) về cơ bản vẫn thuộc về Mỹ. Hệ thống các giá trị, luật chơi và các định chế không có gì thay đổi, ngoại trừ một số qui tắc điều hành có thay đổi nhằm thích ứng với bối cảnh thực tế ở mỗi giai đoạn.

Tuy nhiên, kể từ 2008 đến nay, sự trỗi dậy và thách thức từ Trung Quốc đã đặt ra mối đe dọa thực sự với hệ thống BW. Sự đe dọa này có thể dẫn đến thay đổi về chất trong quyền lãnh đạo, luật chơi, hệ thống các định chế và thay đổi hay thậm chí loại bỏ các giá trị tồn tại trước đó.

Nỗ lực nhằm tách khỏi và cô lập Trung Quốc của Mỹ và phương Tây nhằm ngăn chặn xu hướng này và bảo vệ hệ thống BW.

Tổng thống Trump là người khởi xướng quá trình này, và COVID-19 là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi theo nghĩa nó là bước ngoặt giúp Mỹ có thể tái lập sự đoàn kết và thống nhất với các đồng minh nhằm thúc đẩy xu hướng này một cách mạnh mẽ và rõ nét hơn.

Kỳ II: Cục diện hậu chiến sự Nga- Ukraine

Có thể bạn quan tâm

  • "Bóng ma" lạm phát đình đốn đe dọa kinh tế thế giới

    04:30, 20/06/2022

  • Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Tác động kinh tế thế giới

    Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Tác động kinh tế thế giới

    03:04, 05/12/2021

  • Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ II): Giá dầu sẽ ra sao?

    Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ II): Giá dầu sẽ ra sao?

    01:00, 10/10/2021

  • Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ I): “Ngấm đòn” biến thể Delta

    Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ I): “Ngấm đòn” biến thể Delta

    11:00, 30/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ I): Vòng xoáy xung đột và phân rã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO