Tri ân ngày Nhà giáo: Hãy biến sự tôn vinh thành hành động cụ thể

MINH TUẤN 20/11/2022 05:06

Càng gần đến lễ kỉ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) càng thêm nhiều tin vui đến với các nhà giáo.

>>Đừng xem nhẹ chuyện lương giáo viên

Một tiết học của học sinh Trường Mầm non Khương Đình (quận Thanh Xuân). Ảnh: Đỗ Tâm

Một tiết học của học sinh Trường Mầm non Khương Đình (quận Thanh Xuân). Ảnh: Đỗ Tâm/HNO

Cả hành trình dài từ ngày Giáo dục công đoàn Việt Nam quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” cho đến ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 167-HĐBT chọn ngày  20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”, ngành giáo dục Việt Nam đã có nhiều thành tựu lớn lao góp phần đưa đất nước phồn vinh thịnh vượng, nhưng đời sống vật chất của giáo viên vẫn còn đó bất cập, khó khăn, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Thời điểm trước đổi mới, khi cả xã hội đói ăn, thiếu mặc, người giáo viên sống đạm bạc coi trọng học vấn, bằng cấp, đỗ đạt, lấy kết quả giáo dục là niềm vui, nên vui vẻ với cuộc sống “Sớm lại chiều đi lên cơ quan, chiếc xe cà tàng một lon cơm khô”.

Ngày nay đã khác, nền kinh tế hội nhập, phát triển, hàng loạt ngành nghề mới ra đời phá đi công thức, giáo, bộ, y, công (giáo dục, bộ đội, y tế, công an và công nhân) là ngành “hot” sau khi ra trường. Hiện đã có hàng loạt nghề nghiệp, phục vụ cho lập nghiệp, khởi nghiệp để lớp trẻ lựa chọn. Sự bùng nổ của mạng Internet, trong đó có mạng xã hội, truyền thông, đem lại sự bùng nổ về thông tin, thay đổi tư tưởng lối sống của mọi người, trong đó có tư tưởng hoàn toàn chính đáng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. 

Nền kinh tế phát triển, các nhu cầu cùng các chi phí tăng theo, sự phân công lao động thêm chi tiết nhưng giáo dục vẫn giữ vai trò đặc thù từ lịch sử. Ngày trước, nhà giáo phương Tây thường là nhà truyền giáo, linh mục, nhà khoa học; còn ở phương Đông thời Xuân Thu, Khổng Tử người được tôn là “vạn thế sư biểu” thành lập trường  tư thục thu nạp đệ tử nhận lễ nhận trò. Để từ đó có những câu răn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy còn lưu truyền mãi. 

Một trường mầm non.

Một trường tiết học của các bé mầm non.

>>Thiếu giáo viên nhưng sinh viên tốt nghiệp sư phạm lại thất nghiệp?

>>Sách giáo khoa, chương trình mới và giáo viên cốt cán

>>Vẫn loay hoay bài toán thiếu giáo viên

Viết như vậy để khẳng định vai trò của giáo viên trong quá trình đào tạo thế hệ trẻ xây dựng đất nước trong tương lai, không chỉ trang bị kiến thức văn hoá mà cả đạo đức, cách đối nhân xử thế. Nói đơn giản là “trồng người” thì giáo viên quyết định rất nhiều đến chất lượng sự phát triển của giáo dục và họ xứng đáng có được mức lương tương xứng.

Những lời động viên, ca tụng, những bó hoa ngày lễ 20/11 đáng quý và trân trọng thật, nhưng không thay thế được hoá đơn tiền điện, nước; không thể gom góp để mua nhà, mua xe…, trong khi giáo viên cũng có mọi nhu cầu bình đẳng như mọi người. Người viết muốn muốn nhấn mạnh về người giáo viên mầm non, người đứng cuối bảng xếp hạng về mức lương, thưởng phụ cấp…

Kể từ 1/7/2023 lương tối thiểu tăng lên 1.8 triệu, thì với một giáo viên mầm non mới vào nghề hạng III với hệ số 2.1 và 35% phụ cấp đứng lớp thì cũng chỉ được 5,1 triệu đồng. Nếu phụ cấp tăng 70% thì cũng mới chỉ là 6,38 triệu đồng mà còn trừ các khoản bảo hiểm và các loại phí thì cũng chỉ đủ lo sinh hoạt bản thân. Nếu có gia đình, con nhỏ mà chưa có nhà riêng thì vẫn còn khó khăn nhiều lắm.

Giáo viên mầm non đặc thù công việc làm từ sáng tới chiều, ngoài việc dậy còn lo chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cho các cháu dưới 5 tuổi. Giáo viên mầm non không còn khoảng thời gian nào có thể tranh thủ hay dạy thêm như giáo viên bộ môn  dạy học theo tiết. Họ cũng khó có cơ hội để làm thêm lấy tay trái nuôi tay phải mà phải tập trung công việc cả ngày với đủ áp lực từ thành tích cá nhân, thành tích nhà trường, sức khoẻ học sinh, áp lực từ cha mẹ học sinh.

Nếu không có kỷ luật thì không giữ được trật tự trong lớp mà kỷ luật thì nào cấp trên, phụ huynh, camera tạo áp lực…, nên người làm trong nghề không khuyến khích con cái theo nghề, người vào làm thì tâm lý chán nản luôn ‘”đứng núi này trông núi nọ”, có cơ hội là nhảy việc vì thu nhập không hề tương xứng với công sức, trí tuệ bỏ ra.

Giáo viên ở khu vực thành phố thì bị áp lực bởi chi phí đắt đỏ, mức sống mặt bằng cao, không có khả năng tích luỹ từ lương để mua nhà hay vật dụng đắt tiền. 10 năm lương cũng không mua nổi căn chung cư giá rẻ. Giáo viên vùng sâu vùng xa thì vất vả trăm đường về cơ sở vật chất nhà trường đến giao thông đi lại.

Trong khi có những quan điểm trịch thượng như mầm non thì có gì mà dậy. Đây là quan điểm sai lầm. Hãy nhìn trẻ có đi mẫu giáo và trẻ được gia đình nuôi dạy tại nhà chơi với nhau, sẽ nhận ra tính kỷ luật, sự biết nghe lời, ý thức của đứa trẻ khác hẳn. Đó là công lao của các cô giáo kèm cặp dạy dỗ. Nhiều gia đình trẻ mới chỉ có một đứa con đến ngày thứ bảy cũng ấn con đi nhà trẻ, đẩy phần vất vả cho các cô, còn mình rảnh rang nghỉ ngơi. Hai vợ chồng có khi có cả ông bà trông một cô, cậu trẻ con còn hết sức vất vả, cãi cọ khóc mếu ầm ĩ trong khi hai cô chăm sóc hơn ba mươi cháu bé mà rất quy củ, gọn gàng.

Hãy biến sự tôn vinh thành hành động cụ thể. “Có thực mới vực được đạo”, muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em thì hãy dành cho giáo viên mầm non những người chăm sóc trẻ em những điều tương tự.

Có thể bạn quan tâm

  • Đôi điều chia sẻ của thầy/cô đào tạo khởi nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

    17:52, 20/11/2021

  • Đại dịch và công việc của Nhà giáo

    04:30, 20/11/2021

  • Những doanh nhân nổi tiếng trên thương trường xuất thân từ nhà giáo

    04:00, 20/11/2020

  • Từ vụ cô giáo trộm xe lạm bàn về đạo đức nhà giáo

    11:00, 06/03/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tri ân ngày Nhà giáo: Hãy biến sự tôn vinh thành hành động cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO